Phóng to |
Phim Nụ cười của gấu con sẽ phát sóng trong chương trình Phim Việt chiều chủ nhật - Ảnh: Kiết Tường |
Có thể xem đây là sự kiện đầu tiên trong nỗ lực của các đài truyền hình trong việc khôi phục dòng phim 90 phút, sau nhiều năm bị "đá văng" bởi phim truyền hình dài tập.
Phủ sóng cả HTV lẫn VTV
Mở đầu sẽ là bộ phim Rubic nhiều mặt - là câu chuyện về một gia đình ba mẹ con sống trong một khu lao động nghèo với những loay hoay tìm cách đổi đời...
Những bộ phim phát sóng sau đó khai thác nhiều khía cạnh trong cuộc sống như hạnh phúc và bi kịch gia đình (Tâm hồn trẻ thơ, Nụ cười của gấu con, Vợ chồng trẻ con), trắc trở trong hôn nhân với những ngoại tình, mâu thuẫn, chia biệt (Hoa hướng dương, Cô em họ xa, Món quà bất ngờ...), những lát cắt về tình yêu (Mối tình đầu), tình bạn (Mộng thùy dương), những ám ảnh tội lỗi (Ðôi mắt), sai lầm trong cuộc sống (Chỉ vì yêu, Con riêng), giang hồ hoàn lương (Ðường về nhà) và cả về tình yêu đồng giới (Ngày trở về)...
Hiện tại đã có 25 phim hoàn tất đang chờ phát sóng. Hầu hết các phim đều do những đạo diễn từng có kinh nghiệm làm phim như Nguyễn Dương, Vũ Thái Hòa, Việt Trinh... thực hiện. Bà Phạm Thị Dung, giám đốc Công ty Kiết Tường - đơn vị lo phim trong giờ này, cho biết: "Chúng tôi đã chuẩn bị giờ phim này từ một năm rưỡi nay và đã đủ kịch bản trong năm đầu tiên. Hiện tại các đoàn phim đang tiếp tục sản xuất các phim tiếp theo."
Trong khi đó, ông Hà Nam, trưởng ban thư ký biên tập VTV, cho biết giữa tháng 10 năm nay, những bộ phim Việt một tập mới sẽ ra mắt trong chương trình phim cuối tuần, lúc 21g20 chủ nhật hằng tuần trên VTV1. Như vậy, sau một năm lỗi hẹn (VTV dự kiến lên sóng giờ phim Việt này vào tháng 10-2012), khán giả rồi cũng được thưởng thức những bộ phim Việt lẻ mới trên kênh truyền hình quốc gia, ít nhất là từ nay đến cuối năm 2013.
Đánh dấu lòng tự trọng, nhưng mà...
Việc hồi sinh phim 90 phút trong giai đoạn này, theo đạo diễn Khải Hưng, là một tín hiệu vui. Ông cho biết: "Chính phim ngắn tập mới là phim của đạo diễn vì gần gũi điện ảnh.
Phim truyền hình dài tập hiện nay mang dấu ấn của biên kịch nhiều hơn. Người đạo diễn ngày càng mai một nghề vì ít có cơ hội thể hiện mình.
Thời tôi còn làm ở Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC, tôi luôn đề nghị mỗi đạo diễn một năm làm một phim ngắn tập. Ðó là cách hay nhất để họ có thể giữ lửa với nghề."
Và vì niềm đam mê nghề nên sau khi thực hiện Bí mật tam giác vàng, đạo diễn Nguyễn Dương đã lao vào thực hiện liền tù tì một lúc 10 phim cho HTV.
Anh lý giải: "Tôi đổi món vì thấy ngứa máu nghề. Làm phim dài tập, một số phân đoạn mang tính giao đãi, hơi dài dòng. Còn phim ngắn tập mạch phim nhanh, chi tiết đắt giá, gây cảm hứng cho đạo diễn."
Tuy nhiên, đi cùng cảm hứng lại là nỗi buồn: "Xét về kinh tế thì sau khi làm 10 tập xong tôi chẳng có gì. Kinh phí làm phim ngắn tập cào bằng như một tập của phim dài tập là không hợp lý. Làm phim thể loại này giá thành cao hơn phim dài tập bởi bối cảnh phim cũng nhiều như phim dài tập, diễn viên phải chọn người diễn giỏi mới truyền tải được những xung đột tâm lý nhân vật...".
Bà Bích Thủy, giám đốc Hãng phim Sena đồng thời là tác giả kịch bản một số bộ phim ngắn, bày tỏ: "Nhà sản xuất đưa tôi một số kịch bản nước ngoài để Việt hóa.
Nhưng sau khi đọc xong các kịch bản này, tôi thấy không sử dụng được nên phải viết lại hoàn toàn. Viết kịch bản phim ngắn tập khó không thua kém gì phim dài tập nhưng tiền catsê ít quá. Vì thế với cương vị là người viết kịch bản tôi thích viết kịch bản ngắn. Nhưng để nuôi sống một hãng phim thì phải chọn con đường viết kịch bản dài tập thôi."
Ðạo diễn Khải Hưng cho rằng: "Kích động phong trào làm phim 90 phút không khó, bởi dòng phim này đánh dấu lòng tự trọng của người đạo diễn. Ai yêu nghề thì sẽ muốn làm. Tuy nhiên, cần chú trọng đến kinh phí. Ðặc thù phim 90 phút không thể giống một tập của phim dài tập được. Kinh phí tốt mới có kịch bản tốt được."
Còn với nhà sản xuất dù không giấu sự lo lắng của một người sắp bước vào cuộc phiêu lưu, bà Phạm Thị Dung vẫn khá hăm hở: "Chúng tôi nghĩ rằng cũng có rủi ro bởi giờ phim này cũng phải ký cam kết quảng cáo với nhà đài.
Tuy nhiên, khi biết chúng tôi thực hiện thể loại phim này, một số người viết kịch bản và đạo diễn đã bày tỏ mong muốn được hợp tác.
Chúng tôi bắt đầu nhận được nhiều kịch bản khá hay. Vì thế tôi tin rằng phim 90 phút vẫn có đường ra". Còn về đường dài để duy trì giờ phim, bà cho biết: "Chúng tôi đang làm việc với Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM để tìm kiếm những tác phẩm, ý tưởng hay của các bạn sinh viên trong trường. Nguồn kịch bản và nhân lực để nuôi sống giờ phim này chính là các sinh viên, đạo diễn trẻ".
HOÀNG LÊ
Ra đời, phát triển và... biến mất Bà Trường Sơn, trưởng ban khai thác phim truyện HTV, cho biết: "Trong thời đại... "chuyển kênh" như hiện nay, việc ra đời giờ phim mới sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả hơn." Nhưng bà thừa nhận: "Việc ra mắt giờ phim 90 phút không phải là một sáng kiến mới mẻ gì". Nhìn lại chặng đường phim truyền hình đã qua, có lẽ nhiều khán giả cũng biết rằng phim truyền hình Việt khởi nguồn từ phim ngắn tập. Năm 1982, đạo diễn Khải Hưng đã thực hiện bộ phim Người thành phố - được xem là bộ phim truyền hình đầu tiên. Sau đó là các bộ phim như Mặt trời bé con, Ðứa con tôi... Khi chương trình Văn nghệ chủ nhật ra đời trên VTV3 vào năm 1994 phát sóng các bộ phim ngắn tập đã rất được khán giả yêu thích đón chờ hằng tuần. Còn ở TP.HCM, sau khi thành lập năm 1991, Hãng phim TFS đã sản xuất khá nhiều phim ngắn tập. Ðặc biệt, nhiều đạo diễn trẻ mới ra trường được thử lửa qua việc sản xuất phim 90 phút nay đã thành danh như Vũ Ngọc Ðãng, Võ Tấn Bình, Lê Bảo Trung... Hãng phim Tây Ðô cũng từng sản xuất các phim 90 phút. Tuy nhiên trong cơn lốc của phim truyền hình dài tập - với yếu tố thuận lợi về doanh thu quảng cáo cho cả nhà đài lẫn nhà sản xuất - cộng với sự xuống cấp về chất lượng, phim 90 phút dần bị mất lợi thế và biến mất trên màn ảnh nhỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận