25/08/2013 07:30 GMT+7

Chúng ta cùng thăng hoa!

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Bắt đầu bấm máy tháng 12-2010, sau gần ba năm, Chúng ta cùng thăng hoa vừa ra mắt là cảm hứng bất chợt từ đêm diễn độc nhất vô nhị này. Đạo diễn Trần Lý Trí Tân đã thực hiện bộ phim tài liệu âm nhạc dài 97 phút với những câu chuyện kỳ lạ của những con người vốn dĩ rất đỗi nhỏ bé...

DVgf6fSu.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Minh Khôi “thăng hoa” thật sự trong đêm nhạc độc nhất vô nhị - Ảnh: Trí Tân

Chúng ta cùng thăng hoa thật ra là một câu chuyện rất đơn giản: Chuyện kể về nghệ sĩ da màu chơi nhạc jazz và thổi saxophone tên Fuasi Abdul Khaliq, 60 tuổi, đến từ Đức.

Ông sang Việt Nam theo lời mời của Đại sứ quán Đức tham gia dự án Academy Jazz vào năm 2010, nôm na là một dự án nhằm vực dậy lòng yêu jazz của một bộ phận hạn hẹp những nghệ sĩ mê jazz, đến với jazz bằng tinh thần phóng khoáng, đẹp đẽ tại Việt Nam.

Tình cờ gặp Hoàng Himiko và những người bạn của chị đến từ nhiều ngành nghệ thuật khác nhau: ca sĩ chuyên nhạc phòng trà Yến Xuân, nghệ sĩ chơi đàn guitar Minh Khôi, ca sĩ dòng jazz và đương đại Thanh Phong, họa sĩ Nguyễn Sơn, nhà điêu khắc Tuấn Nghĩa, nhiếp ảnh gia Tường Huy... và trong đó có cả Trần Lý Trí Tân - đạo diễn của bộ phim này.

Fuasi đã quyết định sẽ thực hiện một đêm nhạc đặc biệt mà ở đó jazz và những bản dân ca truyền thống của Việt Nam sẽ được cất lên ngẫu hứng với vai trò như một chất xúc tác, giúp các nghệ sĩ thăng hoa và sáng tác những tác phẩm nghệ thuật ngay tại chỗ từ nguồn cảm hứng tươi mát ấy.

Tiếng Việt như một giai điệu

Mười nghệ sĩ cùng chung tay trong dự án lần này cũng là mười câu chuyện, mười cuộc đời chìm nổi thuộc vào dạng... hiếm hoi. Ví như Minh Khôi - một nghệ sĩ guitar đích thực - cả đời chấp nhận sống trong một chuồng cu (đúng theo nghĩa đen) chật hẹp, tăm tối ngay giữa trung tâm phố thị Sài thành, chắt chiu từng khoản tiền be bé từ việc dạy thể lực - thể hình tại một trung tâm thể thao để mua đàn. Nhà anh ngoài những cây đàn ra chẳng còn gì đáng giá!

Hay Yến Xuân, cô gái mảnh dẻ, từng là nghệ sĩ múa, có lúc cũng mệt mỏi vì những chuyện thị phi, nhất là sau sự ra đi của ca sĩ Duy Quang mà chị là người vợ thứ hai...

Nhưng rồi những ồn ào cũng nhanh chóng biến mất hệt như lúc nó bắt đầu, chị lại lặng lẽ với chiếc xe máy nhỏ, loanh quanh các phòng trà Sài Gòn và cảm thấy lẻ bóng thật ra cũng là một ân huệ, nhất là khi chị vẫn được hát một cách say mê, đầy bản năng...

Họ không cố hòa mình vào những cuộc vui xôm tụ, cũng không cần phải mặc khố, quấn xà rông để tỏ ra khác biệt, họ hiểu mình cần giữ khoảng lặng và cả sự cô đơn để thu nhặt, tìm kiếm những niềm vui nhỏ bé trên con đường đơn độc của riêng mình.

Câu chuyện của họ đã giúp Fuasi hoàn thiện bức tranh nghệ thuật toàn cảnh bằng những mảnh ghép sinh động! Trong khoảng 15 phút cuối phim, định nghĩa về sự thăng hoa đã được lý giải trọn vẹn bằng âm nhạc.

Đêm nhạc tối 4-12 năm ấy không còn một chỗ đứng! Khi Yến Xuân khẽ lay động người nghe bằng làn điệu Ru con Nam bộ, Thanh Phong điêu luyện, khỏe khoắn với Đèn cù - một bài dân ca Bắc bộ - bằng những luyến láy đặc trưng của jazz thì bên cạnh, Fuasi da diết trong một đoạn saxophone ngẫu hứng mà chính ông cũng không biết gọi tên là gì, chỉ biết chắc đó là đoạn nhạc hay nhất mà ông từng thổi.

Đối diện Fuasi, họa sĩ Nguyễn Sơn đặt những nét vẽ đầu tiên trên giấy xuyến bằng mực nho, anh vừa như chăm chú mà cũng vừa như chẳng để tâm gì, Nine - tên gọi của bức vẽ - đã ra đời trong không gian ngập tràn âm nhạc như thế...

Kết thúc buổi diễn, Fuasi - ông già có nụ cười đôn hậu, ấm áp - nói như vỡ òa: “Giá mà tôi hiểu lời bài hát thì chắc tuyệt lắm... Nhưng với tôi, tiếng Việt trong lời nói ngày thường nghe cũng đã như một giai điệu”.

Cứ gì là điện ảnh!

Năm 2011, khi trò chuyện với Trí Tân về những dự án phim mới lúc anh vừa được nhận học bổng làm phim của Saigon Media và chuẩn bị sang Hàn Quốc, đã nghe anh chia sẻ về việc làm một bộ phim tài liệu liên quan đến âm nhạc mà anh vô cùng tâm huyết.

Bẵng đi một thời gian kha khá, chẳng thấy anh “gọi điện rủ xem phim”, chắc mẩm dự án đã ra... ma thì bất ngờ Chúng ta cùng thăng hoa ra mắt.

Trí Tân mất ba năm để hoàn thành phần hậu kỳ - dựng, cắt và chỉnh phim. Dĩ nhiên, đấy cũng là ba năm anh loay hoay đi tìm câu trả lời cho con đường của riêng mình.

Trí Tân được biết đến như một nhà làm phim trẻ có góc nhìn riêng, một cái nhìn đời sống, phơi bày, khi những phim ngắn có kinh phí thấp đến cực kỳ (50.000 đồng) của anh đều mang đến cho người xem nhiều nhãn quan thú vị như Điều kỳ diệu, Cắt, Đánh cắp của kẻ cắp, Đứa bé nhìn thấy lửa...

Anh cũng từng ước ao và dồn hết hi vọng, sức lực cho những... lời hẹn hò về một bộ phim 90 phút, rồi lại thở dài, chờ đợi.. Nhưng rồi một ngày đẹp trời khi đang ngồi chỉnh sửa cho phim tài liệu Chúng ta cùng thăng hoa, anh bỗng nhớ lại những ngày đầu rụt rè, sợ hãi, lầm lì, nhìn thấy nhân vật đã... muốn bỏ chạy khi anh bắt đầu thử sức với tài liệu - thể loại không mấy sinh viên điện ảnh học đạo diễn muốn làm vì độ khó và khô.

Thế mà bây giờ nhìn lại, gia tài của anh hầu hết đều là phim tài liệu. Và anh vui vì điều đó. Anh nói: “Lúc đó tôi mới nghiệm ra rằng người ta thích phim là bởi nó chứa một phần cuộc đời họ, hoặc mở ra những chân trời mới, hoặc giải phóng họ khỏi thực tại, mà nếu thế thì đâu cứ phải là điện ảnh!”.

Trần Lý Trí Tân cho biết trước mắt anh muốn gửi tặng bộ phim cho Viện Goethe để trình chiếu như một lời tri ân với đơn vị đã giúp cuộc hội ngộ của các nghệ sĩ trong phim “xảy ra” vào năm 2010. Tiếp theo đó, nếu có may mắn, bộ phim sẽ được đến một số trường ĐH trình chiếu miễn phí cho những người trẻ có hứng thú với dòng phim tài liệu vốn kém thời thượng này. Biết đâu trong số họ lại sẽ có dăm ba người nhận ra ẩn ngữ thú vị từ câu chuyện giản dị ấy, và cũng bởi những nghệ sĩ có thể cô đơn nhưng sự thăng hoa chỉ đến khi họ biết mình không cô độc...

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên