Phóng to |
Một biển chỉ dẫn trên phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
"Chữ kẻ ngang dọc mà có cái ô tròn tròn là chữ Hàn nhé, nguệch ngoạc xiêu vẹo là chữ Nhật, còn chữ Tàu thì dễ hơn vì hàng hóa giờ đầy tiếng Tàu" - bà Nguyễn Thị Khoa ở khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính chỉ cho khách cách phân biệt các cửa hiệu trên phố. Ðơn giản hơn, nhiều người dân gọi luôn là phố Hàn, phố Nhật hoặc phố Tàu tùy vào số lượng biển hiệu giăng ở đây.
Ngổn ngang biển hiệu
Phố Trần Duy Hưng lâu nay được mặc định là phố Hàn vì nhiều cửa hàng có chữ "kẻ ngang có ô tròn tròn" với rất nhiều người Hàn sinh sống. Ngoài các nhà hàng, quán karaoke, siêu thị còn có cả khách sạn Hàn, hầu hết do người Hàn đứng tên. Nhiều biển hiệu chỉ in chữ Hàn.
Những người dân sinh sống ở khu vực đường Nguyễn Thị Ðịnh, Trần Duy Hưng cũng quen dần với tình cảnh biển hiệu ngổn ngang như vậy. Nhiều nhà lọt trong khu vực này cũng tìm cách cho người nước ngoài thuê làm cửa hàng để nhận giá thuê cao. Dần dần từ một vài biển hiệu, giờ đây các biển hiệu tiếng Hàn, Nhật, Trung Quốc giăng khắp phố. Thật khó tưởng tượng đó là những phố có tên Việt nằm giữa lòng Hà Nội. "Các cửa hàng này chủ yếu phục vụ người nước ngoài. Dân ở khu này cũng chẳng ai biết họ bán mua thế nào, cũng không ai vào nên chúng tôi chịu" - bà Khoa cho biết.
Khu vực phố Linh Lang, Ðào Tấn (quận Ba Ðình) từ lâu cũng được coi là phố của người Nhật. Các nhà hàng, cửa hàng mỹ phẩm, siêu thị Nhật mọc lên dày đặc. Trên phố Linh Lang, biển của các nhà hàng Nhật khá nhỏ nhưng cũng chỉ ghi chữ Nhật. Cẩn thận hơn sẽ có thêm phần phiên âm tiếng Latin. Thậm chí dù khách là người nước nào thì nhân viên cũng thực hiện nghi lễ và chào bằng tiếng Nhật. Một nhân viên ở đây nói: Nhà hàng phục vụ khách Nhật làm tại các văn phòng, khách sạn, sứ quán trong khu vực nên cũng không cần phải để biển tên tiếng Việt. Khách Việt vào ăn rất ít, mà họ cũng biết tiếng Nhật hoặc đi cùng người Nhật.
Bối rối với biển hiệu... "do lịch sử để lại"
Nếu như những biển hiệu tiếng Nhật, Hàn, Trung Quốc mới chỉ xuất hiện vài năm gần đây thì trong khu vực phố cổ Hà Nội lại nhan nhản biển hiệu quảng cáo bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Có những biển hiệu đã tồn tại hàng chục năm. Ông Tô Văn Ðộng (giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội) giải thích: "Những biển hiệu do lịch sử để lại rất khó giải quyết trong ngày một ngày hai. Biển khách sạn đã trở thành thương hiệu của họ, các cửa hàng cửa hiệu nổi tiếng dù là tên tiếng Anh nhưng người dân Hà Nội đều biết tiếng. Bây giờ phải xử lý thế nào cũng là chuyện không dễ. Trước mắt, sở đã giao các quận thống kê, phân loại, sau đó sẽ thuyết phục tuyên truyền cho người dân".
Trong khu phố cổ, khu đông khách du lịch nước ngoài, các nhà hàng, khách sạn chủ yếu trưng biển tiếng Anh. Phố Hàng Bông, Nhà Thờ, Hàng Trống nhan nhản biển hiệu kiểu này, không kèm thêm phần chữ tiếng Việt. Phong trào cửa hàng cửa hiệu đặt tên tiếng Anh cũng lan ra các khu dân cư chẳng có người nước ngoài sinh sống. Những cửa hàng có tên kiểu Shop Men, Jeans, Music... giăng khắp từ thành thị đến nông thôn. Ở các cửa hàng này, hàng hóa đều là hàng VN, nhân viên cũng không biết nói tiếng Anh. Tuy nhiên, không ít chủ cửa hàng lý giải để tên tiếng Anh trông sang hơn, thời trang hơn.
Tuy vậy, khu phố Tạ Hiện thường được biết đến với biệt danh "ngã tư Liên Hợp Quốc", là nơi tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội hoặc du lịch, vẫn còn giữ nhiều biển hiệu tiếng Việt. Những cửa hàng có tên Việt như: "Thanh Thủy - giải khát bia hơi" hay đơn giản hơn là "Bia phố cổ" lại tập trung nhiều "Tây" nhất. Tuy nhiên, số cửa hàng có tên tiếng Việt quá ít ỏi so với những cửa hàng để tiếng nước ngoài. Không chỉ đề tên biển hiệu tiếng Anh, một cửa hàng trên phố cổ từng gây xôn xao khi từ chối bán hàng cho khách VN mà chỉ bán cho khách nước ngoài. Ðể giải quyết phần "lịch sử để lại" này, ông Tô Văn Ðộng cho biết Sở VH-TT&DL Hà Nội sẽ phải có tờ trình gửi TP Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo vì đây là một vấn đề khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận