Đó là nội dung chính của đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa” của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch vừa được Chính phủ phê duyệt. Các nhà chuyên môn, các nghệ sĩ, những người quản lý nói gì về đề án “khủng” này?
Phóng to |
Một phần diện tích nhà hát chèo Kim Mã đang cho thuê để bán đồ gốm sứ. Không ít người cho rằng việc sử dụng cơ sở vật chất hiện có của lĩnh vực nghệ thuật là lãng phí - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Đề án này như lời đáp lại tiếng kêu thống thiết của các đoàn nghệ thuật, các nhà hát “không có nhà để hát”, thậm chí có thành phố lớn như thủ đô Hà Nội suốt gần 50 năm từ năm 1954 không xây thêm nhà hát mới nào. Giới nghệ thuật biểu diễn cũng như các nhà quản lý mừng thì rõ ràng là mừng, nhưng ngay sau đó là câu hỏi: Nhà hát sẽ được xây mới như thế nào? Ai quản lý và vận hành ra sao? Vì với thực trạng nhà hát đang thiếu trầm trọng như hiện tại, không phải các nhà hát đã có đều được sử dụng hết công suất và đúng chức năng.
Phóng to |
Ông Phan Đình Tân - Ảnh: Hà Hương |
Nhà hát phía Bắc: thiếu trầm trọng, lãng phí nghiêm trọng
Nhắc đến nhà hát, không ai có thể quên câu chuyện bi hài của Nhà hát Chèo VN được xây dựng qua... năm kỳ Quốc hội, từ một công trình văn hóa đẹp như mơ ở một vị trí đắc địa (mặt tiền đường Kim Mã - Giang Văn Minh), qua bao nhiêu bận lún nứt, sửa chữa, gia cố, tôn tạo; số buổi sáng đèn của nhà hát mỗi năm vẫn chỉ có thể đếm được cùng lắm là số đốt trên hai bàn tay. Nhà hát chèo là đơn vị nghệ thuật rất mạnh của ngành sân khấu, hội đủ nghệ sĩ tài danh nhất của làng chèo đất Bắc, rốt cuộc công việc chuyên môn nhất vẫn là... đi biểu diễn giao lưu ở nước ngoài, thu băng đĩa truyền thống. Việc có một chiếu chèo vẫn mãi là mơ ước của các đào kép lừng danh từ Mạnh Tuấn, Thanh Hoài, Thanh Ngoan đến Vân Quyền, Thúy Hiền...
May mắn hơn rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, tuồng có nhà hát riêng của mình là rạp Hồng Hà với sức chứa 382 chỗ. Nhà hát nằm trong khu phố cổ, được cải tạo từ rạp chiếu phim từ thời Pháp. Mấy năm trước, phía dưới sân khấu và khu hậu đài còn ẩm thấp, lõm bõm nước. Câu chuyện rạp Hồng Hà chỉ còn 382 chỗ cũng được những người trong nghề kể lại hết sức hài hước: “Rạp chiếu phim ban đầu có hơn 700 ghế ngồi, sau đó được phân cho Nhà hát tuồng. Tuy nhiên, rạp bị giảm còn nửa số ghế chỉ vì một thứ trưởng Bộ VH-TT&DL lúc đó chỉ đạo: có ai xem tuồng mấy đâu, để nhiều ghế làm gì!”.
"Cái hi vọng về 51 nhà hát xa vời quá. Chỉ mong ba miền Bắc - Trung - Nam mỗi miền có một nhà hát đúng chuẩn còn khó, nói gì đến 51 cái"
Ông Trần Bình (giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN) "Ở VN, tất cả nhà hát xây sau năm 1954 đều mới chỉ là các... hội trường được sử dụng vào nhiều công năng khác nhau chứ làm gì có nhà hát thật sự" Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính |
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn (giám đốc Nhà hát Tuồng VN), việc mở rộng rạp Hồng Hà hiện nay là bất khả thi bởi lý do đơn giản là không thể giải phóng mặt bằng. Có quá nhiều hộ gia đình - vốn là cán bộ nhà nước về hưu - mấy chục năm nay đã sống và xây nhà trong khu vực khuôn viên của rạp, giờ họ không muốn chuyển đi. Mặt khác, theo ông Tuấn, tuy rạp nhỏ nhưng việc duy trì hoạt động không đơn giản khi sân khấu truyền thống đang rơi vào tình trạng thiếu khán giả.
Về đề án xây dựng 51 nhà hát đến năm 2020, ông Tuấn nói: “Chúng tôi cũng biết có đề án của Chính phủ nhưng khó mà biết được đến bao giờ thành hiện thực. Với mức kinh phí chia nhỏ ra như thế, xây rạp hát sao được. Riêng mục tiêu xây nhà hát theo đúng quy chuẩn thì khó lắm, vì mỗi nhà hát sẽ phải đáp ứng được nhu cầu của từng loại hình nghệ thuật. Giao hưởng phải khác nhạc vũ kịch; tuồng, chèo, cải lương... cũng phải có các sân khấu phù hợp chứ không thể xây nhà hát rồi mới tính đến việc phân cho loại hình nào. Thôi thì cứ đành tin tưởng và chờ đợi!”.
Hiện tại ở Hà Nội, Nhà hát Cải lương, Nhà hát Nhạc vũ kịch, Dàn nhạc giao hưởng VN, Nhà hát Múa rối trung ương đều chưa có nhà hát để biểu diễn. Một số nhà hát khác có nhưng cũng... như không: sân khấu Lục Thủy của Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN quá nhỏ, không đầy 200 chỗ, Nhà hát Kịch VN nằm ngay sau... lưng Nhà hát lớn cũng chỉ 150 chỗ, có thể nhầm với... khu vực để xe của Nhà hát lớn. Trong khi đó, một trong những địa điểm biểu diễn đẹp nhất của Hà Nội là Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội thì có ngày cao điểm cho thuê tổ chức đến bốn đám cưới.
Phóng to |
Nhà hát Âu Cơ (Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ) có 800 chỗ nhưng xây hơn 10 năm và cũng không đúng chuẩn khi sân khấu đủ bề ngang nhưng thiếu bề sâu - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Viễn cảnh không mấy sáng sủa
“Theo tôi, đó là một quy trình ngược, xây rất nhiều cái vỏ để làm gì khi đội ngũ diễn viên, hệ thống phòng tập, âm thanh biểu diễn không được đầu tư” - ông Trần Bình (giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ VN) bày tỏ về triển vọng xây 51 nhà hát mới.
Thiếu nhà hát đúng chuẩn
Nhà hát lớn là sân khấu khả dĩ nhất cho một vở nhạc kịch nhưng với những vở diễn lớn, sân khấu này cũng bộc lộ không ít nhược điểm. Chuyện cười ra nước mắt nhưng có thật là biên đạo người Pháp Bertrand d’At khi dựng vở Chuyện tình thành cổ cho Nhà hát Nhạc vũ kịch VN năm 2010 đã phải làm một việc hơi trái khoáy là thiết kế, biên đạo dựa trên quy mô sân khấu. Bởi vì sân khấu Nhà hát lớn đủ sâu nhưng lại hẹp nên khung cảnh, diễn viên... cứ phải “gọt” bớt. Một lựa chọn khác là Nhà hát Âu Cơ tuy mới xây nhưng cũng bất hợp lý vô cùng là đủ bề ngang nhưng thiếu bề sâu. Cứ luẩn quẩn như thế nên mỗi lần dựng vở, các biên đạo và đạo diễn lại mướt mồ hôi tìm cách cải tạo sân khấu, hoặc co kéo vở diễn cho “hợp địa hình”. |
“Xin nhiệt liệt hoan nghênh, nhưng kể cả các nhà hát mới xây gần đây do người Việt làm đều không đúng chuẩn một cách tệ hại. Ngay Nhà hát Bắc Ninh được khánh thành mấy năm trước thì quan khách ngồi hàng ghế đầu chỉ nhìn thấy từ đầu gối nghệ sĩ trên sân khấu trở lên. Việc một nhà hát không đạt chuẩn là điều tối kỵ nhưng có lẽ lại khá phổ biến ở nước ta. To hay nhỏ chưa biết, nhưng phải đúng chuẩn cái đã” - ông Bình nói.
Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, người chỉ huy trùng tu Nhà hát lớn Hà Nội cách đây 15 năm - cho rằng: “Nhà hát là một thiết chế văn hóa đặc biệt. Nó gắn với trình độ thưởng thức và nhu cầu thưởng thức văn hóa của một cộng đồng dân cư nhất định. Mỗi cộng đồng có nhu cầu riêng và cần có một thiết chế nhà hát riêng. Ở VN, tất cả nhà hát xây sau năm 1954 đều mới chỉ là các... hội trường được sử dụng vào nhiều công năng khác nhau chứ làm gì có nhà hát thật sự. Trường kiến trúc VN cũng không đào tạo nổi kiến trúc sư thiết kế nhà hát, các trường đại học khác cũng chưa tính đến đào tạo các chuyên ngành đặc thù cho việc vận hành nhà hát: âm thanh, ánh sáng, điện chiếu sáng, điện sưởi ấm và làm mát, thông gió...”.
Xây xong ai sẽ diễn? Ông Trần Bình cho biết: “Cả nước có khoảng 130 đơn vị nghệ thuật. Sang đến năm 2014, tất cả sẽ phải tiến hành xã hội hóa. Mường tượng ra cũng thấy rất nhiều đoàn sẽ sa vào cảnh phải giải thể vì không thể tự nuôi sống mình với nguồn thu èo uột. Thử hỏi không đầu tư cho con người thì xây nhà hát làm gì, xây xong ai sẽ diễn ở đó, hay chỉ để cho thuê hội nghị, gặp gỡ cổ đông hoặc tổ chức... đám cưới? Thật sự chúng tôi nghi ngại về đề án này, nó “trong mơ” quá!”. |
Một viễn cảnh cũng không mấy sáng sủa cho các nhà hát mà kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính e ngại: “Vì không có truyền thống xây nhà hát nên cũng chưa có bản sắc nhà hát, rất có thể 63 tỉnh thành sẽ có 63 cái nhà hát y chang nhau, chằn chặn như các trụ sở UBND hay các ngân hàng, kho bạc mà chúng ta đang thấy khắp cả nước”.
Là một người đã kiên trì suốt 20 năm “đòi” cho được một địa điểm làm nhà hát, ông Trần Bình thẳng thắn: “Cái hi vọng về 51 nhà hát xa vời quá. Chỉ mong ba miền Bắc - Trung - Nam mỗi miền có một nhà hát đúng chuẩn còn khó, nói gì đến 51 cái. Ngay như Nhà hát Âu Cơ (Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ) có 800 chỗ mà cũng phải xây vắt qua hai đời giám đốc, ngót nghét hơn 10 năm. Vả lại, nếu theo quy trình hiện nay thì sẽ xây nhà hát, phình ra một bộ máy ban quản lý từng nhà hát, và các đoàn nghệ thuật lại phải đi thuê chỗ diễn, chả khác gì bây giờ là mấy. Hiện nay Nhà hát lớn cho thuê 35 triệu đồng/buổi diễn, Nhà hát Âu Cơ là 47 triệu đồng/buổi. Trừ đoàn chúng tôi, chả có đoàn nghệ thuật nào dám vào Nhà hát lớn biểu diễn. Còn nếu thuê ở Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình thì chỉ nghĩ đến cái giá 400 triệu đồng cũng đủ chết rồi”.
Không chỉ ông Trần Bình, rất nhiều giám đốc đoàn nghệ thuật đều kiến nghị: phải để đơn vị nghệ thuật làm chủ nhà hát. Khi đó, nhà hát phải xây đúng với đặc thù của môn nghệ thuật ấy. Chứ xây nhà hát lại phình ra một ban quản lý, rạp bỏ hoang mà đơn vị nghệ thuật vẫn phải xếp hàng để diễn. Tại sao khi viết đề án này không hỏi nghệ sĩ, không hiểu ai nghĩ ra việc này?
Về đề án xây 71 nhà hát cả cũ lẫn mới, GS.NSND Trung Kiên, người từng nhiều năm giữ trọng trách thứ trưởng phụ trách khối nghệ thuật của Bộ VH-TT&DL, nói ngắn gọn: “Nhà nước và xã hội quan tâm thì mừng quá rồi. Nhưng vấn đề quan trọng nhất không phải là xây nhà hát, mà là con người. Không quy hoạch lại các đơn vị nghệ thuật trong cả nước, rồi xây nhà hát lên lấy ai mà diễn? Diễn gì? Cho ai xem?”.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận