15/12/2012 07:30 GMT+7

Mùa phim ngắn đa dạng màu sắc

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Ðã là lần thứ ba tiệc phim ngắn trên mạng YxineFF tổ chức, và lần này thật sự là một cuộc biểu dương lực lượng phim ngắn đông đảo, đa quốc tịch đủ để tạo thành một cái nhìn khá hoàn chỉnh về phim ngắn đương đại.

Xq7cVXrJ.jpgPhóng to

Iva - một phim Campuchia giản dị - được kể bằng ngôn ngữ điện ảnh thời phim câm - Ảnh: YxineFF

Ða dạng màu sắc chính là điểm thành công lớn nhất của mùa YxineFF năm nay khi liên hoan phim đã nhận được rất nhiều phim từ các nước, đặc biệt là phim của khu vực châu Á như Campuchia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Úc...

Tối nay trao giải YxineFF 2012

YxineFF 2012 chọn chiếu 66 bộ phim gồm 15 phim tranh giải quốc tế, 10 phim tranh giải khu vực, 18 phim toàn cảnh, 22 phim cận cảnh và một phim ngắn chiếu bế mạc (Hai tư sáu của Nguyễn Hoàng Ðiệp). Lễ trao giải sẽ diễn ra tối 15-12 tạp cụm rạp Lotte Cinema TP.HCM.

Ở hạng mục Tranh giải quốc tế, chất lượng của 15 phim được tuyển chọn khá tốt và khi các phim đặt cạnh nhau, khán giả dễ dàng thấy được một bức tranh khá toàn cảnh về phim ngắn. Cũng không khó để nhận ra độ chênh nhất định của phim ngắn "made in VN" so với phim ngắn trong khu vực cũng như quốc tế.

Ðộ chênh nằm ngay ở kỹ thuật làm phim, không xa xôi gì, chỉ so với một số nền điện ảnh tưởng như khá vô danh với VN như Campuchia, Philippines hay Malaysia. Với các phim như Iva, Oasis hay Breathe..., cách các nhà làm phim trẻ ở các nước này cho thấy một sự chắc chắn về nền tảng văn hóa và quan trọng hơn - đúng như chủ đề của YxineFF năm nay là cá nhân - dễ thấy tiếng nói thật sự cá nhân từ các nhà làm phim quốc tế được diễn đạt một cách bình thản, thuyết phục. Ðộ chênh còn nằm ở chính ngôn ngữ điện ảnh mà các nhà làm phim chọn.

Không khó để nhận ra điểm chung ở các nhà làm phim trẻ VN là sự ham mê phô diễn kỹ thuật đến mức gần như lạm dụng. Trong khi chỉ cần xem một phim của Campuchia như Iva, ta sẽ thấy cách kéo một bộ phim về với hình thức kiểu phim thời đen trắng và phim câm. Câu chuyện về chú chó Iva cùng hai người bạn bé nhỏ là một câu chuyện đơn giản, nhưng sự thông minh của đạo diễn Polen Ly chính là đã lựa chọn hình thức thể hiện cổ xưa để làm mới một câu chuyện không mới. Hình thức phim câm đen trắng mà Polen Ly chọn cho Iva rất hòa nhập với câu chuyện phim, với một cái gì đó nguyên bản của tính thiện.

Có phần vượt trội về sự chuyên nghiệp có lẽ phải kể đến Dawn (Bình minh) - một phim ngắn được Leon Quang Lê (người Mỹ gốc Việt) làm. Câu chuyện của một người châu Á với ba người đàn ông da đen trong một buổi tối là một lát cắt gần như hoàn hảo của một phim truyện dài với tông màu, diễn xuất hoàn chỉnh nhưng lại có một tổng thể của một phim ngắn chỉn chu cả về thời gian, về kịch tính và cách kể một câu chuyện.

Cũng trong hạng mục này, một phim VN xuất sắc vượt trội chính là bộ phim được chọn chiếu khai mạc YxineFF: 16.30. Dù là một phim đầy chăm chút, tốt và kỹ lưỡng cho câu chuyện về cuộc đấu tranh sinh tồn của một đứa trẻ đường phố đầy nghi kỵ với hết thảy nhưng 16.30 cũng không tránh được việc phô diễn kỹ thuật. Nhận ra điều này cũng là lúc khán giả lý giải được tại sao cảm xúc mà 16.30 mang đến cho mình không được đẩy tới tận cùng.

Phim Hai chú cháu cũng mắc lỗi tương tự để câu chuyện giản dị bị kể một cách không còn giản dị nữa. Nếu như khả năng điềm tĩnh của một nhà làm phim chính là một trạng thái quan trọng tạo ảnh hưởng nên tác phẩm của họ thì điều này chính là điểm yếu của các nhà làm phim trẻ VN khi làm phim ngắn. Dường như họ luôn hơi thiếu một sự kiềm chế trước câu chuyện mình định kể, dù không thể phủ nhận các nhà làm phim khi làm phim ngắn ở VN đã có khuynh hướng nỗ lực đi tìm sự riêng tư trong cách kể.

12 bước thành người - dấu ấn khác biệt

Bất ngờ lớn nhất với tôi ở YxineFF lần này chính là 12 bước thành người - một phim thử nghiệm dài 60 phút của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần. Nguyễn Ngọc Thuần làm cho tôi nghĩ rằng có rất nhiều cách để quan niệm về một bộ phim, 12 bước thành người cho đến nay vẫn là một phim khác thường.

Tôi không hẳn thích phim này vì những lý do như: nhân vật trong phim tự "bịa" ra mình là một người tàn tật - mà tôi lại biết về anh Thuần - nên tôi bị mất cảm xúc khi xem phim bởi tôi biết đây không phải là một người tàn tật kể chuyện mà là một nhà văn kể chuyện, thêm nữa ngôn ngữ lại rậm rạp, nhiều triết lý.

Nhưng tôi thích sự bất ngờ mà anh Thuần đem đến bởi phim của anh đã không đi trên lối mòn của tư duy điện ảnh thông thường, anh Thuần đã tìm một con đường khác đơn giản nhưng thú vị để kể câu chuyện phim bằng một phương tiện nghe nhìn khác. Bất cứ một liên hoan phim nào cũng cần phải có những sự phá cách, tìm tòi khác biệt.

Phim dạng này không cần phải thành công hay được thừa nhận ngay, nhưng tôi thích cách tư duy của người làm phim rằng ít nhất họ nghĩ họ có quyền với bộ phim của họ và chính nó sẽ là tác nhân thúc đẩy những người làm phim khác biết cách nghĩ riêng biệt, độc đáo hơn...

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên