29/09/2012 07:10 GMT+7

Khai quật dưới nước, nhà khảo cổ... đứng trên bờ

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Hơn 3.200km đường bờ biển nhưng ngành khảo cổ học dưới nước lại vo tròn bằng con số không. Đó là nhức nhối đặt ra tại hội nghị thông báo khảo cổ học thường niên diễn ra ngày 27 và 28-9 tại Hà Nội.

Thu giữ cổ vật quý hiếm của tàu đắm dưới biểnTranh giành cổ vật náo loạn vùng quêCổ vật trên tàu chìm tại Quảng Ngãi thuộc thế kỷ 14

UvKkWC5O.jpgPhóng to

Cổ vật hình tô lồng bàn người dân vớt được tại tàu đắm khu vực biển Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi được cơ quan chức năng thu giữ - Ảnh: Trà Giang

Được chờ đợi nhất trong số gần 500 báo cáo khảo cổ học, những thông tin về việc khai quật con tàu đắm tại Bình Châu (Quảng Ngãi) cũng thể hiện những lúng túng của các nhà khảo cổ không biết lặn khi phải trục vớt các hiện vật dưới nước.

Loay hoay với tàu đắm

Gần bờ và chỉ cách mặt nước có 4m, tàu cổ Bình Châu tạo nên một cuộc náo loạn trên thị trường cổ vật. Theo tiến sĩ Phạm Quốc Quân (ủy viên hội đồng di sản quốc gia), giá một chiếc đĩa gốm tìm được ở tàu đắm được bán tại thị trường Hà Nội và TP.HCM là 130 triệu đồng. Việc ngư dân tìm thấy gánh hàng 60 chiếc đĩa và trở thành tỉ phú hoàn toàn có thể lý giải được. Cũng bởi vậy, khi tàu cổ lộ diện, một cuộc vật lộn của lực lượng an ninh bảo vệ tàu với ngư dân đi tìm cổ vật ở Quảng Ngãi cũng không kém phần quyết liệt.

“Những cổ vật tìm thấy gồm có tiền thời Tống (đã bị cháy), bát gốm men nâu, men trắng, men ngọc phong cách thời Tống - Trung Quốc nhưng chất lượng thấp hơn. Chúng tôi suy đoán có thể số hàng này được sản xuất từ vùng phía nam của Trung Quốc. Về niên đại của các hiện vật gốm, chúng tôi đặt giả thiết là gốm thời Minh thế kỷ 14. Với những gì chúng ta biết được, con tàu này có thể là đại sứ thương mại từ thế kỷ 14” - TS Phạm Quốc Quân cho biết.

Thêm một điều khiến các nhà khảo cổ học bối rối là chỉ một tháng nữa sẽ đến mùa gió chướng, việc khai quật hay trục vớt sẽ cực kỳ khó khăn. “Chúng tôi đang tính toán xem có thể làm chiếc lồng sắt tương đương kích thước con thuyền rồi úp vào tàu để neo tàu lại. Nếu khai quật vội vàng và ẩu sẽ làm di sản bị phá hủy. Như vừa rồi, xem xét hiện vật của ngư dân vớt lên, nhiều vết vỡ mới tinh chứng tỏ đã bị phá gần đây thôi” - TS Phạm Quốc Quân cho biết. Cũng theo TS Quân, hiện đang có 13 công ty và năm cá nhân đăng ký tham gia khai quật tàu đắm này.

Không tiền, không máy, không người

Sự yếu kém trong khảo cổ học dưới nước là thực tế mà các nhà khảo cổ học phải thừa nhận khi tiếp cận với các di chỉ khảo cổ học dưới mặt nước. PGS.TS Tống Trung Tín (viện trưởng Viện Khảo cổ học VN) bày tỏ: “Nhà khảo cổ học phải lặn xuống làm, đằng này chỉ lặn ví dụ thôi rồi chỉ đạo từ trên bờ. Trước đây, trong một cuộc khai quật khác, cả Đông Nam Á chỉ tuyển được một người lặn được xuống độ sâu 60m nhưng sau vài ca lặn cũng không chịu nổi, đành phải thuê thợ lặn từ Mỹ và Canada. Khảo cổ học dưới nước là một lĩnh vực rất khó nhọc, đặc thù nhưng chúng ta lại lâm vào tình trạng ba không: không tiền, không máy, không người”.

Không khác tàu đắm ở Bình Châu, một con tàu cổ được phát hiện tại vùng biển Thừa Thiên - Huế, ngư dân lao vào tìm cổ vật thì chính quyền mới lên phương án bảo vệ. Rất nhiều phương án được đưa ra và lúc đó ai cũng tỏ ra rất quyết liệt. Vậy nhưng, gần một năm nay, số phận con tàu vẫn nằm im dưới biển, cùng với đó là hàng loạt cuộc tìm kiếm và trục vớt tự phát của ngư dân tìm cổ vật để đổi đời. Cũng bởi mối lo ngại này mà các nhà khảo cổ học từng bày tỏ không dám lập bản đồ khảo cổ học dưới nước. Thậm chí TS Nguyễn Văn Cường, giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, còn cho rằng: “Mặc dù thu được nhiều hiện vật quý nhưng cách làm thì có khi còn phá hủy cả hiện vật, nên cứ để tàu nguyên trạng thì hơn”.

Riêng với việc khai quật ở tàu đắm Bình Châu (Quảng Ngãi) này, một lần nữa các nhà khoa học lại đành... đứng trên bờ. “Dù cách 4m nhưng không phải đơn giản với chúng tôi, 1m còn không lặn được lâu nói gì đến 4m. Hiện chúng tôi đang tính phương án đặt camera trên tàu để điều khiển thợ lặn” - TS Phạm Quốc Quân, người phụ trách khảo cổ học tàu đắm Bình Châu, cho biết.

8PExeGVD.jpgPhóng to

Giới thiệu về bi ký chùa Giàn (Bắc Ninh) -Ảnh: Hà Hương

Nhiều phát hiện khảo cổ học thú vị

Một trong những phát hiện thu hút sự quan tâm là tấm bi ký chùa Giàn (Bắc Ninh) có niên hiệu Đại Tùy vào thế kỷ thứ 7. Đây được xem là tấm bia sớm nhất (cho đến hiện nay) được phát hiện ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc phát hiện một chiếc thuyền cổ dài 16m, rộng 2m có từ thời Lê dưới lòng đất hoàng thành Thăng Long cũng chứng thực những suy đoán về sự tồn tại của một con sông cổ có tên sông Ngọc chảy từ làng hoa Ngọc Hà vào đến hoàng thành. Tuy nhiên, theo PGS.TS Tống Trung Tín, điều đáng tiếc là chiếc thuyền này sau khi phát hiện đã phải lấp trở lại do kinh phí bảo quản con thuyền được chuyên gia nước ngoài định giá lên tới 1 triệu USD.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên