Chùa Trăm Gian bị hủy hoại: Loanh quanh trách nhiệmChùa Trăm Gian bị hủy hoại: Báu vật không người trông coiViết tiếp bài “Chùa Trăm Gian bị hủy hoại”: “Sự việc đáng kinh ngạc!”
Phóng to |
Đại diện chính quyền xã Tiên Phương, UBND huyện Chương Mỹ, KTS Lê Thành Vinh (Viện Bảo tồn di tích - đơn vị tư vấn cho Sở VH-TT&DL xem xét việc phục dựng các hạng mục đã bị phá hủy), giám đốc sở Phạm Quang Long, phó giám đốc phụ trách di sản Nguyễn Đức Hòa đã trả lời chất vấn về trách nhiệm của cơ quan quản lý và các phương án để phục hồi di tích quốc gia này. Tuổi Trẻ lược ghi nội dung cuộc họp báo.
* Người Lao Động: Ông giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội nói không có chuyện phá sạch chùa Trăm Gian, vậy theo ông ở mức độ nào, có nghiêm trọng không? Sở VH-TT&DL chịu trách nhiệm đến đâu?
- Ông Phạm Quang Long: Tôi xin khẳng định việc làm vừa rồi có xâm hại đến di tích nhưng nói phá cả chùa Trăm Gian thì không đúng. Chùa có 3ha, hàng chục hạng mục. Hiện có ba hạng mục quan trọng bị xâm hại, phá hoại, làm hư hỏng là nhà tổ, gác khánh, bậc cấp lên tiền đường. Mức độ là nghiêm trọng nên mới có sự vào cuộc của Bộ VH-TT&DL, UBND TP Hà Nội, Sở VH-TT&DL để xem xét đình chỉ và tìm cách khôi phục. Nhưng nghiêm trọng khác hoàn toàn với việc phá hoại toàn bộ di tích. Trách nhiệm rất nhiều mức. Nhà chùa có sai, chính quyền xã, huyện có sai, sở cũng có sai. Sai của từng đơn vị như thế nào sẽ đợi thanh tra kết luận.
* Tuổi Trẻ: Tại sao nhà chùa báo di tích hư hại từ năm 2007 nhưng đến nay cơ quan quản lý văn hóa không có động thái nào để tu bổ chùa Trăm Gian?
- Ông Phạm Quang Long: Nói đến đây thì thấy chạnh lòng. Khi chưa nhập Hà Nội với Hà Tây, năm 2007 Hà Tây đã cấp kinh phí để trùng tu một hạng mục. Không phải trong di tích các hạng mục đều có mức độ hư hại như nhau. Sau đó Hà Tây đã cấp tiền xây hàng rào, chống lấn chiếm, kè hồ sen, mua cột chống... chứ không phải không đoái hoài gì đến. Khi chùa Trăm Gian xuống cấp nghiêm trọng thì mới có dự án trùng tu. Nhưng đến năm 2011, phải trải qua nhiều cấp đánh giá, Hà Nội chỉ cấp vốn, chưa chuyển tiền nên không thể làm trước. Nhưng dự án này lại không nằm trong hạng mục bắt buộc phải làm của Chính phủ nên Sở Kế hoạch - đầu tư không cấp kinh phí đầu tư.
* Tuổi Trẻ: Tại sao nhà chùa hạ giải nhà tổ, gác khánh trong một thời gian khá dài mà cơ quan chức năng không hề biết?
- Ông Phạm Quang Long: Đây là điểm nút để dẫn đến sự việc ngày nay. Ngày 20-5, trưởng phòng di sản văn hóa đi kiểm tra và cho biết mọi thứ xuống cấp còn nguyên nên về thúc dự án tiến triển. Ngày 1-6 nhà chùa hạ giải, chuẩn bị dựng nhà tổ, mua các đồ chế tác từ bên ngoài vào trong thời gian một tháng sáu ngày. Đó không phải thời gian ngắn. Ban quản lý không báo cáo huyện, quản lý ngành. Chính vì thế mới phải xem xét kiểm điểm, kỷ luật. Đấy là khuyết điểm rất rõ.
* Tuổi Trẻ, Người Lao Động: Cơ hội phục hồi nguyên trạng của di tích đến đâu khi di tích bị hạ giải mà không có quay phim, chụp ảnh, đánh số, nhiều đá tảng chân cột đã bị vỡ?
- KTS Lê Thành Vinh: Gác khánh là một phương đình sau hậu cung, trước hậu đường mà chúng ta gọi là nhà tổ. Chúng tôi còn giữ những hồ sơ từ thời Pháp và các giai đoạn sau này để làm căn cứ. Đối với chúng tôi, việc phục hồi đúng như nguyên gốc cần phải xác định cấu trúc cơ bản, hình hài của nó. Các đường chạm đã bị làm khác hẳn đi. Rất may trong các cấu kiện dỡ xuống khi chúng tôi lên khảo sát thì vẫn còn được giữ lại. Đặc biệt là vẫn còn giữ được cái đấu nguyên vẹn, đấu là một chi tiết trong kiến trúc cổ. Khi dỡ xuống rất may vẫn còn, các cột nguyên mộng. Tất nhiên chúng ta không có hết mọi chi tiết nhưng những cấu kiện chủ yếu vẫn còn. Chừng đó cho phép phục dựng gần nhất với nguyên gốc của công trình. Dĩ nhiên, phải hiểu là không thể phục hồi theo đúng 100% ban đầu trước lúc nó bị dỡ ra mà đưa công trình trở lại gần nhất theo mẫu ban đầu đã từng có của nó. Với công trình này chúng tôi xin khẳng định là có đủ cơ sở khoa học để làm. Còn nó đến đâu, được bao nhiêu phần trăm thì chưa thể trả lời được. Làm đến đâu còn là một quá trình. Các chuyên gia sẽ làm việc rất chi tiết. Đối với phần ngói cũ, chúng tôi cố gắng sử dụng lại. Nếu không đủ chúng tôi sẽ phục chế những viên ngói theo đúng kiểu ngói cũ để trả lại cho công trình. Các chân tảng cũng vậy.
* VietNamNet: Sở VH-TT&DL Hà Nội và xã Tiên Phương biết sự việc hạ giải chùa Trăm Gian khi nào? Có phải chỉ khi báo chí lên tiếng thì mới biết hay không?
- Ông Vũ Văn Doãn (chủ tịch UBND xã Tiên Phương): Xã biết việc hạ giải và nhận trách nhiệm về việc không sâu sát. Hôm hạ giải thì xã đã kêu gọi người dân đến giúp đỡ công việc của nhà chùa.
- Ông Nguyễn Đức Hòa: Tôi biết thông tin ngày 24-8 và ngay lập tức đã lập đoàn thanh tra và đình chỉ việc hạ giải sai phép. Trên địa bàn Hà Nội có nhiều di tích. Chúng tôi không thể hằng ngày đi kiểm tra di tích.
- Ông Phạm Quang Long: Cái sai của xã biết việc hạ giải nhưng nhận thức giản đơn nên không báo cáo lên trên. Cái sai của trụ trì lo sập chùa mà không thực hiện đúng quy trình dù trụ trì là thành viên của ban quản lý di tích. Việc kỷ luật người A, người B không quan trọng bằng việc xâm hại đến di sản. Đây lài bài học đắt giá về cơ chế quản lý, ý thức trách nhiệm lẫn cơ chế điều hành với di sản.
* Tin Tức: Dự kiến kinh phí để làm lại nhà tổ, gác khánh, bậc đá?
- Ông Phạm Quang Long: Nhà tổ, gác khánh, bậc đá theo dự toán năm 2010 là 10,2 tỉ nhưng đến nay Sở Kế hoạch - đầu tư dự tính là 10,4 tỉ đồng. Hiện phải chờ đánh giá xong mới biết bao nhiêu tiền. Có thể sẽ tốn kém hơn, phức tạp hơn nhưng Sở Tài chính vẫn phải chuẩn bị cho đủ.
* Văn Hóa: Dự kiến sẽ xử lý vi phạm này như thế nào?
- Ông Phạm Quang Long: Xử lý đúng người đúng tội, đúng mức độ vi phạm. Theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP Hà Nội, sẽ phải báo cáo với TP trước ngày 15-9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận