Phóng to |
Từ trái qua: nhà văn Đà Linh, TS Phạm Vĩnh Cư, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, TS Đỗ Lai Thúy và nhà phê bình Lại Nguyên Ân trong cuộc tọa đàm về Hoàng Ngọc Hiến - Ảnh: Hà Hương |
Phóng to |
Một cuộc tọa đàm đầy ắp kỷ niệm tình nghĩa về ông cũng được tổ chức nhân dịp này, vào tối 4-7 tại Hà Nội, với một tiêu đề rất Hoàng Ngọc Hiến: Bậc trí giả lương thiện.
GS Hoàng Ngọc Hiến không phải là một cái tên quen thuộc với công chúng rộng rãi, nhưng với các nhà nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn VN và nhất là các nhà văn VN từ sau năm 1975, ông là một tên tuổi không thể không nhắc đến, là người in một dấu ấn sâu đậm trong sự phát triển lý luận văn học và sự chuyển hướng sáng tác của văn học VN đương đại.
Là người khai sinh khái niệm “văn học phải đạo” và bàn về nó một cách thẳng thắn, không né tránh, thậm chí gay gắt từ năm 1979, con đường công danh cũng như sự nghiệp khoa học của ông gặp khá nhiều trắc trở vì những tư tưởng quá mới mẻ và táo bạo so với thời cuộc.
Năm 1987, một lần nữa, với bài viết ngắn giới thiệu truyện ngắn của Tạ Duy Anh - Bước qua lời nguyền, ông lại khai sinh ra khái niệm “dòng văn học bước qua lời nguyền” hay là “văn học sám hối”, gây sóng gió trên văn đàn và sau trào lưu đổi mới, ông cũng nhận đủ những hệ lụy của nó. Nhưng ông cứ tiếp tục tư duy theo hướng của ánh sáng, và cứ bước không ngừng, để lại sau lưng mọi buồn vui xào xáo của thế tục. Và điều đó tạo nên một nhân cách khoa học mang tên Hoàng Ngọc Hiến.
Nhà văn Đà Linh - người học trò đã âm thầm sưu tập, tìm kiếm và chọn lọc các bài viết nhiều thời kỳ của Hoàng Ngọc Hiến để thành tuyển tập Hoàng Ngọc Hiến... viết - đã thốt lên: “Thật kinh ngạc về sự giản dị và khiêm nhường của thầy. Con người uyên bác trong tư duy và sôi sục trong hành động như vậy mà trong tiểu sử tự thuật của Hội Nhà văn, chỉ có ba dòng sơ sài về bản thân và ba gạch đầu dòng sơ sài về tác phẩm. Trong khi chúng tôi lục lại các tác phẩm đã viết, đã in, đã công bố ở trong và ngoài nước của thầy thì số lượng lên đến hàng ngàn trang và tới gần 30 đầu sách”.
PGS.TS Phạm Vĩnh Cư - người đã nhiều năm sát cánh cùng GS Hoàng Ngọc Hiến trong việc điều hành, chèo lái con thuyền nhiều lúc rất tròng trành nghiêng ngả của Trường viết văn Nguyễn Du - nói: “Trường viết văn Nguyễn Du còn xa mới đạt đến tầm mang tên Nguyễn Du. Nhưng nếu có một cái tên gần gũi hơn, thực chất hơn dành cho nó thì tôi nghĩ nó phải mang tên Hoàng Ngọc Hiến”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN, học viên khóa đầu tiên của Trường Nguyễn Du do Hoàng Ngọc Hiến sáng lập - cung cấp một chi tiết thật thú vị và cảm động: “Là hiệu trưởng, là người lên chương trình giảng dạy cho trường, là một nhà sư phạm xuất sắc và một nhà nghiên cứu văn học uyên bác, nhưng thầy chỉ dạy chúng tôi có đúng một tiết lý luận văn học 45 phút. Thầy chỉ tự cho phép mình lên bục giảng có 45 phút thôi, trong suốt ba năm học. Vì thầy là một trí thức biết tập hợp xung quanh mình những trí thức khác, biết để cho những trí tuệ khác tỏa sáng. Khiêm nhường đến thế mới là thầy của chúng tôi”.
Buổi tọa đàm về Hoàng Ngọc Hiến không đông người đến dự. Tên ông không phải là một cái tên nổi bật và thu hút đám đông. Nhưng tối 4-7 tại hội trường Trung tâm văn hóa Pháp có một nguời đàn ông VN nổi tiếng cả trong nước và trên thế giới, tuổi đã trên 60, xúc động đứng dậy ngâm nga Phú Hoàng Ngọc Hiến do mình tự sáng tác:
Than ôi, công ông lớn / Bao học trò thành danh! / Tên tuổi trùm thiên hạ / Đều từ đây mà thành...
Và nghẹn ngào:
Thời “hiện thực phải đạo” / Thời “bước qua lời nguyền” / Thời “loanh quanh minh triết” / Vẫn giữ vẹn phẩm tiết!
Người đàn ông ấy là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.
Mới biết, văn học VN và khoa học xã hội VN đã đau đớn thế nào khi mất đi một linh hồn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận