TT - Ðêm 23-3, vòng chung kết đầu tiên cuộc thi Tiếng hát mãi xanh (thể loại nhạc trữ tình lãng mạn) sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20g30 trên HTV7. Chín thí sinh tuổi ông, bà, cha, mẹ... đang bước vào tập luyện.
Trẻ lại cùng Tiếng hát mãi xanhTiếng hát mãi xanh thách thức tuổi tácXem clip những giọng hát mãi xanh xuất sắc
Phóng to |
Ðón khách bằng nụ cười giòn tan, cụ bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh - 75 tuổi, thí sinh cao tuổi nhất vào chung kết Tiếng hát mãi xanh năm nay - nửa đùa nửa thật: "Không biết chừng à, năm nay thi Tiếng hát mãi xanh, năm sau thi Bước nhảy hoàn vũ à!". Rồi bà cụ lại cười sảng khoái, "đính chính": "Ðùa thôi, thi để biết mình vẫn còn khỏe".
Đại gia đình Tiếng hát mãi xanh!
Mỗi đêm trong bốn đêm chung kết mang một phong cách âm nhạc khác nhau: đêm nhạc trữ tình lãng mạn (tối 23-3), đêm nhạc truyền thống cách mạng (30-3), đêm thể hiện mình (6-4) và đêm chung kết cuối cùng (20-4). Ba đêm chung kết đầu sẽ diễn ra tại nhà hát truyền hình HTV, riêng đêm chung kết cuối cùng được tổ chức tại nhà hát Hòa Bình. Đặc biệt tối 13-4 sẽ có đêm gala giao lưu giữa các thí sinh năm nay và các thí sinh đoạt giải năm 2011 tại Trung tâm hội nghị White Palace. |
Trong suốt buổi trò chuyện, nụ cười là thứ không lúc nào cụ bà 75 tuổi này quên "mang theo". Bà kể giọng đầy tự hào: "Gia đình có mười người con, mà ai cũng đam mê văn nghệ. Mình từ bé đã "ra vào" thường xuyên đài phát thanh hát trên sóng radio, rồi tập nhảy, tập đàn. Coi mập mập vậy chứ từ tango, slow, cha cha cha... điệu nào cũng nhảy được hết. Bởi vậy bữa rồi mình vừa hát vừa nhảy tango, ai cũng reo hò quá trời".
Trong căn nhà tinh tươm của cụ, hai vật được treo trang trọng trên tường là một cây guitar và một cây violin nhỏ, cụ thì thầm: "Của cháu ngoại đó, con bé cũng đang học chơi đàn. Hôm trước, thằng cháu ở xa cũng gọi điện về hỏi bà cố hát giờ nào để con mở... Internet lên xem, con khoe với bạn con!".
Vui khi vào đến chung kết là một chuyện, đối với cụ Thanh cuộc thi còn là cơ hội để gặp gỡ bạn bè "đồng trang lứa", để mỗi lần trước ngày tập lại í ới gọi cho nhau, nhắc nhau đi... sớm sớm một tí, lên đó còn "tám" cho vui. Ngày tập đầu tiên cho đêm chung kết, ngoài những thí sinh vào chung kết năm nay còn có các thí sinh đoạt giải năm ngoái đến cổ vũ.
Lặn lội từ Bình Dương lên, sau những cái nắm tay thật chặt của bà Trần Thị Kim Loan (giải nhất bảng 1 năm ngoái) là lời chúc "Cố lên nhé mọi người!" thật ấm áp! Ngồi... gà gật ở một góc, thí sinh Trần Thị Kim Thoa (53 tuổi) - người được tám thí sinh còn lại "bình chọn" là Ý Lan của cuộc thi bởi chất giọng cao vút, mượt mà - cho biết: "Mới đón xe từ Nha Trang vào sáng sớm nay. Hơi mệt thật nhưng cố được, vui là chính".
Cũng ít có cuộc thi nào mà từ ban nhạc đến cô giáo thanh nhạc, điều tiết chương trình lại... dễ thương đến vậy. Thí sinh cứ việc hát sai tông, quên lời rồi sẽ chầm chậm chỉnh sửa. Người chờ đợi cũng chẳng thấy phiền lòng, thậm chí còn nhẩm hát theo. Chẳng thế mà thí sinh Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (37 tuổi) đã "kết luận" một câu... trúng phóc: "Nhìn chúng mình cứ như đại gia đình ấy nhỉ!".
Hơn cả đam mê
13g30 ngày 20-3, nắng gay gắt, chở mẹ trên chiếc xe máy đi từ Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) đến Ðài truyền hình TP.HCM, tập luyện cho đêm thi chung kết đầu tiên, chị Thúy - con gái thứ ba của cụ Thanh - phân trần: "Phải đi với cụ chứ, cụ lớn tuổi rồi, lỡ đang tập có đau mỏi, khát nước gì còn có người tiếp nước". Mà đâu phải chỉ một ngày, bỏ cả công việc, chị theo mẹ từ những ngày đầu, cũng chính chị là người "lén" đăng ký cho mẹ đến với cuộc thi, rồi chở mẹ đi thử đồ, lấy quần áo, rồi lại đi tập... Cũng mấy hôm trước đến nhà, thấy chị đang hì hụi nấu nước giá cho mẹ uống để đỡ đau xoang mũi. Nhiều người đùa bảo chị "ra dáng" bầu sô quá, đi đâu cũng tay xách nách mang giấy tờ, kịch bản, đĩa nhạc, chốc chốc lại nhắc mẹ xem lại kịch bản để khỏi quên thứ tự lên diễn, nhắc mẹ xức dầu để thông mũi mà hát, bà cụ bị viêm xoang đã khỏi đâu!".
Ngồi bên cạnh, thí sinh Nguyễn Thị Nguyệt (66 tuổi) cũng không ngừng nhắn tin gọi điện cho người thân dặn dò "Mở truyền hình lên nha, kênh nào... không nhớ, mà cứ mở đi, sắp chiếu Ðồng hành cùng cuộc thi rồi đó, có má đó!" rồi tủm tỉm cười khoe: "Phải nhắc chứ, bà con họ hàng ai cũng hỏi để mở xem, vui quá chừng". Cụ ông Dương Văn Vá, 68 tuổi, thì lại... huy động được cả câu lạc bộ người cao tuổi xóm mình cùng xem và cổ vũ.
"Chả là mình là chủ tịch câu lạc bộ người cao tuổi trong xóm mà, mọi người cứ hỏi suốt!" - ông cụ cười khà khà, lâu lâu lại quay sang "phàn nàn" với các thí sinh khác: "Có 14 vé mời, không đủ đâu, ước gì ban tổ chức cho mình thêm".
Nhiều hơn cả đam mê, chính sự lạc quan, yêu đời là "đặc sản" mà những "tiếng hát mãi xanh" đã mang đến cho cuộc thi lần này. Và hơn cả giải thưởng, chính tình cảm gia đình nồng ấm, sự quan tâm, động viên, săn sóc nhau... đã tiếp thêm tinh thần để các thí sinh - những người đã ở cái tuổi lên chức ông, bà, bố, mẹ... cất "tiếng hát xanh".
MINH TRANG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận