Trong vở kịch, không giống như trong truyện, nàng Kiều đoàn tụ gia đình và sống thanh thản, cái kết khép lại với hình ảnh nàng Kiều hóa thân thành Phật bà nghìn mắt nghìn tay. Chi tiết này đã gây ra những ý kiến trái chiều và phần lớn không đồng tình.
Nguyễn Du với Kiều gây tranh cãi
Phóng to |
Cảnh Hoạn Thư đánh ghen Thúy Kiều (trái) trong vở Nguyễn Du với Kiều - Ảnh: Thế Toàn |
Ðạo diễn - NSND Lan Hương giải thích: sự hi sinh và đức hiếu hạnh của nàng Kiều được sánh bằng Phật bà. |
Nhắc lại cho rõ: gốc của cốt truyện Kiều là của người Tàu. Nguyễn Du có tài là Việt hóa đi vào dân gian. Hơn nữa thời xưa không phải không có các bậc cao niên gọi Kiều, xin lỗi, là con đĩ? Nếu vở kịch này thế thật tôi cho rằng sai rất nhiều ở kịch bản. Thành Phật ở ta chủ yếu là Thị Kính với trăm nghìn nỗi oan, và vào chùa cũng vẫn oan thì ai cũng rõ, và thời nào cũng cho là thoả đáng. Sao kịch bản không lấy cốt truyện này!?
Tôi nghĩ kết thúc vở kịch đã đẩy câu chuyện đi quá xa. Nếu nói về đức hi sinh của người phụ nữ thì trong dân gian cũng đã có nhiều hình tượng: hòn vọng phu, Quan Âm Thị Kính, chị Dậu, vợ chồng A Phủ... Thúy Kiều cũng là một hình tượng, do đó kết cục Thúy Kiều biến thành Phật Bà Quan Âm không được hợp lý. Lại liên quan tới vấn đề tâm linh nữa nên cần hết sức thận trọng.
Tôi ủng hộ những góc nhìn mới, đặc biệt trong nghệ thuật, giúp mang lại sức sống mới và đi sâu vào lòng người cho tác phẩm. Tôi còn nhớ rõ bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy kết hợp ba tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao: Chí Phèo, Lão Hạc và Đời thừa. Trong bộ phim có chi tiết lão Hạc xin bả chó của Chí Phèo. Một chi tiết rất hay và một sự nhầm lẫn hết sức thú vị.
Lạc lõng
Tác phẩm Truyện Kiều quá nổi tiếng và nội dung của nó hầu như mặc nhiên được mọi người hiểu rõ và chấp nhận, mọi sự hư cấu, thay đổi đều khó lòng thuyết phục. Tôi nghĩ nếu muốn làm mới, các tác giả kịch bản, đạo diễn chỉ nên xây dựng tính cách nhân vật theo "gu" của mình, có một chút chấm phá nhưng không phá vỡ hệ thống cốt lõi của nguyên tác. Không nên hư cấu thêm nhân vật nào cả bởi mỗi nhân vật trong TruyệnKiều đều đã có chỗ đứng trong lòng người, "người mới" xen vào chỉ làm hư chuyện.
Về phần kết, theo tôi nếu không muốn như nguyên tác thì nên sử dụng phần kết theo hướng mở, đừng "đóng khung" mới hoàn toàn nhân vật, nội dung. Tôi nhớ có một kịch bản cải lương phần kết khi Kiều đoàn tụ gia đình. Vì muốn giữ hạnh phúc cho em gái (Thúy Vân) nên Kiều âm thầm ra đi. Cái kết đó dễ chấp nhận và lôgic hơn biến Kiều thành Phật Bà trông có vẻ lạc lõng vô cùng.
Thận trọng
Mỗi nhân vật, tính cách, tình tiết, nội dung trong Truyện Kiều đã quen thuộc và ăn sâu vào tim óc của bao thế hệ người đọc. Vì vậy theo tôi việc chỉnh sửa phải hết sức thận trọng.
Tôi nghĩ với một danh tác như Truyện Kiều thì tốt nhất đừng chỉnh sửa gì cả khi nó đã đi vào tâm trí, đời sống của người dân. Một tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, được giảng dạy qua bao thế hệ học sinh... thì việc sửa đổi không khéo sẽ "tam sao thất bổn" theo thời gian. Chưa kể liệu có nên chỉnh sửa một danh tác, liệu có nên "đứng trên" đại thi hào Nguyễn Du?
Đại thi hào Nguyễn Du đã làm đúng khi "phổ thơ" là giữ nguyên cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Vậy hậu sinh chúng ta cũng nên theo đó mà làm. Cốt truyện, nội dung của Truyện Kiều theo tôi là rất chặt chẽ, hoàn mỹ... và vẫn không "lỗi thời" chút nào với thời gian, thời cuộc. Vậy cần gì phải chỉnh sửa, nhất là việc chỉnh sửa như Nguyễn Du với Kiều thật kệch cỡm và khiên cưỡng.
Ngọc Diệp
Bạn đã xem vở kịch này chưa? Bạn có ý kiến gì về cái kết của vở kịch? Thử nghiệm cái mới trên sân khấu như vậy được không?... Hãy chia sẻ ý kiến của bạn trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây, hoặc email về tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận