13/03/2012 05:23 GMT+7

Nguyễn Du với Kiều gây tranh cãi

ÐỨC TRIẾT
ÐỨC TRIẾT

TT - Sau Tâm linh Việt, NSND Lan Hương lại mong muốn làm mới sân khấu kịch bằng Nguyễn Du với Kiều - vở diễn vừa ra mắt tại Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) tối 10-3.

Nguyễn Du với Kiều gây tranh cãi

Xem ý kiến phản đối của bạn đọc tại đây

IsKxJJyv.jpgPhóng to
Cảnh Hoạn Thư đánh ghen Thúy Kiều (trái) trong vở Nguyễn Du với Kiều - Ảnh: Thế Toàn

Truyện Kiều của Nguyễn Du không có gì lạ lẫm với người dân VN không chỉ qua sách, truyện mà còn qua những loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như: chèo, cải lương... Nhưng diễn Kiều bằng nghệ thuật hình thể có lẽ đây là lần đầu tiên.

Vở kịch bám sát tiến trình câu chuyện của Kiều nhưng có thêm hai nhân vật mới vào vai người dẫn chuyện: đại thi hào Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hai nhân vật nữ được diễn song hành: Thúy Kiều - Ðạm Tiên. Cây đàn tì bà được thi hào Nguyễn Du xẻ làm đôi. Mỗi nàng mang một nửa để mà vận vào số kiếp: "hồng nhan bạc phận". Nghệ sĩ trẻ Như Quỳnh đã tròn vai với một Thúy Kiều sắc sảo, mặn mà. Các nhân vật trong Truyện Kiều được đưa lên sân khấu lần này khá đầy đủ, song sự thể hiện lại được chia theo nhóm tính cách nhân vật để một nghệ sĩ đảm nhiệm.

Thông thường kịch hình thể biểu đạt nội dung của vở diễn thông qua hành động, cử chỉ của nghệ sĩ chứ không bằng lời. Nhưng trong vở diễn này, ngoài phần dẫn chuyện của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, số phận nàng Kiều còn được mở ra theo những câu Kiều của Nguyễn Du. Và diễn tả nội tâm Kiều qua bao lần gặp tai ương còn có những lời hát chèo, hát văn, thậm chí còn có cả bài chòi (Huế) khi Kiều đến nhà Thúc Sinh, hay làn điệu Dạ cổ hoài lang khi Kiều trôi dạt đến đất phương Nam. Việc ép yếu tố vùng miền vào câu chuyện vượt khỏi "không gian" này có thể gây gợn đôi chút khi đang trong nhịp chèo của phương Bắc, bỗng đâu nghe bài chòi miền Trung, hay nghe khúc Dạ cổ hoài lang...

Nhưng điều đáng nói và gây "gợn" nhất chính là cái kết của Nguyễn Du với Kiều. Không giống như trong truyện, nàng Kiều đoàn tụ gia đình và sống thanh thản, cái kết khép lại với hình ảnh nàng Kiều hóa thân thành Phật bà nghìn mắt nghìn tay. Chi tiết này đã gây ra những ý kiến trái chiều và phần lớn không đồng tình. Ðạo diễn - NSND Lan Hương giải thích: sự hi sinh và đức hiếu hạnh của nàng Kiều được sánh bằng Phật bà. Trong khi đó một khán giả cho biết: "Ta không bàn về phẩm chất của Kiều vì ai cũng đã hiểu, nhưng đẩy Kiều lên thành một biểu tượng của đức tin thì thật bốc đồng, không nên".

Dân gian Việt từ xa xưa đã tạo ra (sáng tạo) những Phật bà riêng của mình, nhất là Phật mẫu (gốc từ Ấn Ðộ là Phật ông). Theo đó, việc trở thành Phật bà Quan âm của Thị Kính trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính đã được dân gian chấp nhận, phong tặng từ xưa và trở thành tích chèo quen thuộc cả với công chúng hiện đại...

Bản thân Ðoạn trường tân thanh - tác phẩm mà Nguyễn Du phóng tác - không có sự kiện phong Kiều lên thành Phật bà, huống chi sự kiện ấy không hề liên quan đến tư tưởng cơ bản trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Nguyễn Du muốn qua nhân vật Kiều để thấy một bi kịch về thân phận người phụ nữ truân chuyên tài hoa mệnh bạc, và hơn thế ông lại còn muốn chống lại "số mệnh" bằng triết lý "nhân định thắng thiên".

Theo tôi, kết thúc có hậu trong Truyện Kiều không phải chỉ là cuộc trùng phùng Kim - Kiều, mà ở cái cách cô Kiều giải quyết mối quan hệ ấy, chuyển từ tình "cầm sắt" (vợ chồng) sang "cầm cờ" (tình bạn). Kim Trọng cũng buộc phải thuận theo quyết định ấy. Và có lẽ Nguyễn Du muốn người đọc "vui" khi khép lại tác phẩm ("mua vui cũng được một vài trống canh") theo cách ấy của Kiều (và chính là của ông), cho dù cả cuộc đời Kiều chỉ thấy "lệ chảy quanh thân" (thơ Tố Hữu).

Tưởng thưởng cho Kiều bằng cách đưa Kiều lên thành Phật Bà Quan Âm theo cách làm mới của đạo diễn Lan Hương khi khép lại vở diễn như vậy, theo tôi, là trật lất, không thuyết phục, mặc dù, rất có thể làm sân khấu hoành tráng, lộng lẫy hơn về hình thức.

Quyền năng của đạo diễn với vở diễn có khi là vô hạn, nhưng cái hữu hạn lại là một nền tảng văn hóa, trong tính đặc thù của tư duy đạo diễn đối với vở diễn. Và đạo diễn phải hiểu Truyện Kiều đúng là tác phẩm lớn của thi sĩ lớn, hoàn toàn khác cách tư duy của diễn viên cho một vai diễn nhỏ lẻ. Vì thế phải nên cẩn trọng. Tuy nhiên, đây là một vở diễn thử nghiệm, mà thử nghiệm thì có thử đúng và thử chưa đúng, chưa hay và phải chịu sự trải nghiệm, phản hồi từ phía người xem...

ÐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên