10/01/2012 08:26 GMT+7

Mở hướng cho điện ảnh du lịch

Nhà sản xuất MICHAEL LAKE
Nhà sản xuất MICHAEL LAKE

TT - Hội thảo Dự án cộng đồng điện ảnh Hàn Quốc - Asean: một châu Á trong điện ảnh vừa khai mạc tại Hà Nội ngày 9-1 (kéo dài đến 10-1).

Việt Nam trong mạng lưới điện ảnh châu Á

Wc7hNlJn.jpgPhóng to
Số liệu từ Cục Điện ảnh cho biết sau khi phim Đông Dương trình chiếu, tỉ lệ khách du lịch Nhật tới Hạ Long tăng 200% - Ảnh: imDb

Khái niệm về một ủy ban điện ảnh, hoạt động rất hiệu quả trong tăng cường đầu tư, mở rộng thị trường điện ảnh châu Á hay châu Âu có vẻ khá xa lạ đối với hầu hết đại biểu tham dự hội thảo.

Điện ảnh du lịch: Bài toán thành công

"Cái mà chúng tôi gọi là ngành du lịch điện ảnh là một công cụ quảng bá hiệu quả nhất đối với nhiều quốc gia, doanh thu mang lại cao nhất trong các ngành nghệ thuật."

Với kinh nghiệm làm việc ở Mỹ và Úc, Michael Lake - tổng giám đốc điều hành Xưởng phim Pinewood, Malaysia - giới thiệu hai vai trò cơ bản của một ủy ban điện ảnh (film commission) từ cấp địa phương cho đến cấp quốc gia: vận hành điện ảnh như một nền công nghiệp sinh lời và hỗ trợ quảng bá du lịch.

Rất nhiều khách quen của Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội (VNIFF-2010) hay LHP Việt Nam lần 17 (2011) tiếp tục xuất hiện, đưa những ví dụ hoặc con số chứng minh cụ thể tính hiệu quả của tổ chức này. Riêng Ủy ban điện ảnh Busan đã giúp sản xuất được 180 bộ phim truyền hình và 300 phim ngắn thực hiện các cảnh quay tại thành phố Busan.

Sự hấp dẫn của Busan qua phim ảnh đã kéo khoảng 10 triệu lượt người/năm tới tham quan. Khái niệm một "nền điện ảnh du lịch" (film tourism) được nhắc lại trong các trường hợp phim đem lại thành công cho địa phương: Chúa tể của những chiếc nhẫn với New Zealand, Bí mật ngôi mộ cổ với Campuchia, Hangover II Nhật ký tiểu thư Jones II với Thái Lan, King Kong với New York, Transformers với Chicago (Mỹ)…

Tất cả những vị khách đều nỗ lực làm rõ một điểm: cần đưa mọi đầu mối quản lý và kết nối qua một chiếc cửa duy nhất. Thông qua ủy ban điện ảnh, các nhà làm phim trong nước, nước ngoài tiết kiệm được chi phí tìm bối cảnh, được cung cấp điều kiện làm phim tốt nhất, được hướng dẫn cách thức ăn ở đi lại…

Nếu một bộ phim ăn khách, chính ủy ban và địa phương quản lý ủy ban được hưởng lợi từ những hoạt động sản xuất ăn theo phim, đồng thời tiến hành kinh doanh cơ sở lưu trú, đi lại của đoàn phim. Ở Hàn Quốc, sự thành công đã dẫn đến việc có ít nhất mười ủy ban được thành lập ở mười địa phương khác nhau, đồng thời thiết lập được một mạng lưới làm việc kết nối qua các LHP.

Đừng lỡ miếng ngon

Không giấu mong mỏi thuyết phục Việt Nam tham gia mạng lưới điện ảnh châu Á (AFCnet), cùng châu Á lớn mạnh trong dòng chảy điện ảnh toàn cầu, nhà sản xuất Michael Lake lấy ví dụ, đến một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Trung Ðông như Jordan đã có thể thấy kết quả mỹ mãn nếu chứng minh được việc thuận lợi khi người nước ngoài quay phim tại nước này.

Những đại biểu đến từ nền điện ảnh bứt phá Thái Lan hào phóng chia sẻ kinh nghiệm có thể thực hiện tại Việt Nam, vì "Cục Ðiện ảnh Thái Lan cũng không có nguồn ngân sách lớn hay đầu tư mạnh vào các hoạt động quảng bá du lịch". Bà Shucharitakul - trưởng phòng cấp phép quay phim, văn phòng điện ảnh Thái Lan - liệt kê những bước đi đơn giản và tương đối hiệu quả: một trang web cung cấp mọi thông tin về thủ tục muốn quay phim tại Thái Lan; tranh thủ mọi cơ hội tại các LHP quốc tế để triển lãm, liên lạc với các khách hàng tiềm năng, tạo sự kết nối về nhân lực và các mối quan hệ về sau; thường xuyên gửi những bản tin văn hóa điện tử miễn phí tới 6.500 người trong giới truyền thông trong nước và quốc tế; chi phí cao cho truyền thông, cố định quảng bá trên 6 tạp chí/năm; tận dụng quảng bá trên Facebook, làm sách…

Tỏ ra khá thẳng thắn, ông Michael cho biết: "Ở châu Á có cách vận hành hơi quan liêu, nếu tránh được điều này Việt Nam có thể tạo được khởi đầu mới. Ðiều các bạn có thể nghĩ đến là lập ra một đơn vị kết nối với mạng lưới trên thế giới, tìm ra những quy trình đơn giản hơn cho nhập cảnh, hải quan cho các đoàn phim".

Gây ghen tị và cả giật mình là tình hình phát triển ở Campuchia. Giám đốc điều hành Ủy ban điện ảnh Campuchia là một người Pháp. Ông Cedric Eloy cho biết dù không có ngân sách dồi dào hay chính sách cụ thể gì để hỗ trợ các đoàn làm phim, nhưng Campuchia ghi điểm vì có thủ tục gọn nhẹ, giữ quan hệ chặt chẽ, đúng hẹn với các đối tác nước ngoài. "Chúng tôi cũng tranh thủ dựa theo sự nổi tiếng của những phim quay ở kỳ quan Angkor để làm quảng cáo, chiếu phim tài liệu trên Discovery. Ðoạn quảng bá về Campuchia dựa hoàn toàn vào ý tưởng từ hình ảnh của Angelina Jolie trong Tomb Raider (Bí mật ngôi mộ cổ)".

Trả lời thắc mắc về khả năng ra đời một ủy ban điện ảnh và kết nối với các nước, cục phó Cục Ðiện ảnh Ngô Phương Lan cho rằng hiện Luật điện ảnh chưa có quy định rõ, ngoài ra Việt Nam còn thiếu những chính sách, đề án được phê duyệt từ các mức có thẩm quyền. Ðặc biệt liên quan đến nguồn tài chính của Chính phủ, sẽ có rất nhiều thủ tục cần phải tính đến.

"Hiện nay Cục Ðiện ảnh đang đảm nhận một số hoạt động giống ủy ban điện ảnh. Trước mắt chúng tôi hi vọng có thể chủ động hơn trong việc thu hút nguồn lực nước ngoài hoặc làm phim đến Việt Nam, xây dựng được những kho dữ liệu về trường quay, đội ngũ nhân lực, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Việt Nam" - bà Ngô Phương Lan nhấn mạnh.

NGA LINH

Nhà sản xuất MICHAEL LAKE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên