Những quyết định đối nghịch đá nhau “chan chát” nhưng nếu soi vào quy chế 47 (quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp) thì cả nhà đều... đúng. Chưa bao giờ người ta thấy một quy chế mở ra nhiều cửa thoát hiểm đến thế cho người thực hiện.
Live show của một ca sĩ hải ngoại diễn ra ở các thành phố lớn nhưng lại được một đơn vị dường như chẳng liên quan là Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cấp giấy phép. Nghe có vẻ trớ trêu nhưng điều này đúng với chủ trương phân cấp quản lý của điều 19 trong quy chế 47. Công ty TNHH giải trí Bích Ngọc đóng tại Thanh Hóa nên xin cấp phép ở đây là chuyện đương nhiên và giấy cấp phép này - chiếu theo quy chế - có giá trị trên phạm vi toàn quốc.
Phối hợp tổ chức với Bích Ngọc còn có Hãng phim Châu Á do ông bầu Hoàng Tiến làm tổng giám đốc. Tuy nhiên, trước những vi phạm về quảng cáo, biểu diễn trong live show đầu tiên của Chế Linh tại Hà Nội chỉ có bầu Hoàng Tiến đứng ra phát ngôn.
Theo luật sư Phạm Thị Thủy (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN), một “lỗ hổng to tướng” là “quy chế 47 quy định rất nhiều điều khoản, quyền và nghĩa vụ của đơn vị tổ chức biểu diễn nhưng lại không có một dòng nói về nghĩa vụ đối với khán giả trong trường hợp hủy sô diễn”. |
Thực tế việc phân cấp quản lý ra đời để đơn giản hóa thủ tục hành chính, các đơn vị tổ chức biểu diễn chỉ cần làm hồ sơ xin cấp phép một lần. Tuy nhiên, hệ lụy của cơ chế này chính là việc nếu sở VH-TT&DL này làm nghiêm thì công ty tổ chức biểu diễn hoàn toàn có thể dùng “chiêu” phối hợp tổ chức với một công ty của tỉnh để dễ dàng xin cấp phép ở sở VH-TT&DL của tỉnh khác rồi chờ giấy tiếp nhận giấy phép từ sở VH-TT&DL của địa phương nơi diễn ra chương trình.
Chính ông Đào Đăng Hoàn (phó cục trưởng Cục NTBD) cũng thừa nhận có sự “lọt lưới” trong cơ chế phân cấp này. “Bởi vì trình độ thẩm định ở các tỉnh không đồng đều, có nơi nghiêm nhưng có nơi lỏng lẻo, yếu kém” - ông Hoàn nói.
Rắc rối quanh chuyện Sở VH-TT&DL Hà Nội từ chối tiếp nhận giấy phép mà Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cấp cho Công ty Bích Ngọc chưa xong thì Cục NTBD gây bất ngờ với quyết định “cứu” live show Chế Linh bằng cách cấp giấy phép cho Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tận Thái Nguyên.
Một lần nữa dư luận lại thắc mắc về sự “mâu thuẫn” giữa các cơ quan quản lý và cục đưa ra lời giải thích: chiếu theo quy chế 47 thì cục có quyền cấp phép cho một đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VH-TT&DL.
Ông Nông Xuân Ái (giám đốc Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc) thừa nhận: nhà hát chỉ lo thủ tục giấy tờ, các vấn đề còn lại thì “khoán trắng” cho một công ty tư nhân khác là Công ty TNHH sự kiện Quyên Gia Bình. Có nghĩa nhà hát chỉ có động thái hợp thức hóa theo đúng quy chế, còn Quyên Gia Bình mới là đơn vị nắm toàn bộ hoạt động liên quan đến live show dù trang web của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) công khai tình trạng của công ty này là “ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế”.
Nói về “sự cố” Quyên Gia Bình “ngừng hoạt động”, ông Nguyễn Trọng Nhân - phó trưởng phòng quản lý biểu diễn và băng đĩa (Cục NTBD) - khẳng định: “Giấy tờ của Quyên Gia Bình còn mới, dấu má đàng hoàng. Họ có đầy đủ giấy tờ thì chúng tôi đồng ý thôi”. Khi khẳng định điều này, ông Nhân cũng không quên nhắc lại cục đã làm đúng quy chế 47.
Thôi thì ai cũng làm đúng nhưng hàng loạt sự kiện diễn ra quanh live show Chế Linh lại cho thấy một điều đúng hơn: ai cũng có thể lách.
__________
Tin bài liên quan:
Live show Chế Linh không diễn tại Nhà hát Lớn Hà NộiQuản lý và “làm xiếc”Hủy live show của ca sĩ Chế Linh tại Hà NộiChế Linh tái ngộ khán giả ViệtChương trình của Chế Linh: Không để khán giả thiệt thòiLive show Chế Linh ngừng diễn tại TP.HCM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận