23/06/2010 18:31 GMT+7

Vi phạm bản quyền tác giả trong trường đại học: có dễ "rào"?

 HÀ BÌNH
 HÀ BÌNH

TTO - Sáng 23-6, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Bảo vệ quyền tác giả trong trường đại học” để các chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên cùng mổ xẻ, nhằm tìm giải pháp cho vấn đề quyền tác giả ở nước ta hiện nay.

Vi phạm bản quyền tác giả trong trường đại học: có dễ "rào"?

TTO - Sáng 23-6, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Bảo vệ quyền tác giả trong trường đại học” để các chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên cùng mổ xẻ, nhằm tìm giải pháp cho vấn đề quyền tác giả ở nước ta hiện nay.

f9BgCeAp.jpgPhóng to
Cuốn giáo trình của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM được cho là giống với một giáo trình cùng tên của nước ngoài - Ảnh: Trần Huỳnh

Đến với hội thảo sau khi nghiên cứu kinh nghiệm bảo hộ sở hữu trí tuệ của một số trường ĐH ở Mỹ, Đức… PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - ví von bản quyền tác giả như… âm nhạc thính phòng. Ông nói vui: “Chúng ta đang hát dân ca nên việc du nhập âm nhạc hàn lâm là câu chuyện nhiều ngày”.

“Chủ biên” không bao giờ “biên”

TS Lê Văn Hưng - trưởng khoa luật kinh tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - thông tin sau những vụ “đạo giáo trình” đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, khoa đã ngưng hai cuốn sách chuẩn bị in để rà soát. TS Hưng nhìn nhận việc vi phạm bản quyền tác giả hiện nay ở các trường ĐH là “không ít về số lượng, phức tạp về tính chất”.

Tuy nhiên, điều băn khoăn đọng lại với ông chính là “thái độ, nhận thức của đơn vị, cộng đồng với việc vi phạm đó”. Ông nói: “Không dẫn nguồn trong các công trình nghiên cứu như một thói quen tồn tại nhiều năm. Đáng nói hơn, nội dung đó xuất hiện được tác giả sử dụng nhiều lần và lâu dần trở thành… của mình”.

Bên cạnh đó, TS Hưng đưa ra một khảo sát do khoa thực hiện rằng hầu hết những luận văn tốt nghiệp nếu sử dụng tác phẩm của người khác chỉ bị lộ khi người hướng dẫn luận văn phát hiện nên rất khó kiểm soát. “Đề tài nghiên cứu cứ lặp đi lặp lại nhiều năm - TS Hưng nói - Việc sao chép vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cả người sao chép, người bị sao chép và cơ quan quản lý.

Tin bài liên quan:

Không thể dạy sinh viên bằng hành vi ăn cắp!Vô tư “xào” sách!Vô tư “xào” sách!: gốc rễ từ chất lượng giáo dụcGửi hồ sơ lên Bộ Giáo dục - đào tạoVụ GS.TS Trần Ngọc Thơ bị đe dọa: email của người gửi bị lấy trộm?Đằng sau nạn “luộc” giáo trình

Thậm chí nhiều người sao chép của người khác đã sao chép của một ai đó mà không hề hay biết. Tiệm photocopy trước cổng trường ĐH luôn có tất cả CD về tất cả luận văn của tất cả các lĩnh vực. Giáo viên cũng ngại khi phát hành sách bởi phát hành là chỉ vài tiếng đồng hồ sau đã có cuốn ấy in đẹp hơn, rẻ hơn và mang vào tiếp thị cho sinh viên ngay lớp mà giảng viên ấy đang dạy”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Vũ Mạnh Chu, cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Khoa học- công nghệ), cho rằng câu chuyện vi phạm bản quyền tác giả không phải mới nhưng luôn luôn không cũ. Ông Chu thừa nhận hiện nay có những “chủ biên” nhưng không bao giờ “biên” một chữ nào. TS Chu cho rằng “như thế là không nên vì nó sẽ ảnh hưởng đến những người “biên” khác”.

Người phụ trách về bản quyền tác giả còn đem đến cho hội thảo những câu chuyện đáng suy nghĩ: thầy hướng dẫn trò làm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Sau đó thầy sử dụng luận văn này để được “phong hàm”; một giáo sư về hưu viết sách, bên cạnh tên mình đã ghi thêm tên giảng viên ở khoa mình từng giảng dạy để sách bán chạy; một sinh viên sư phạm lấy thơ người khác đi dự thi… “Việc vi phạm bản quyền tác giả là do những động cơ chính trị, sự nghiệp, kinh tế và tổng hợp của những động cơ ấy”- TS Chu kết luận.

Cần xây dựng quy chế quản lý quyền sở hữu

Thương thảo khi dịch giáo trình từ nước ngoài

Về vấn đề hiện nay có nhiều trường ĐH dịch giáo trình từ các nguồn ở nước ngoài để phục vụ việc giảng dạy cho sinh viên, thạc sĩ Trương Thùy Trang - phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM - lưu ý để không vi phạm Luật bản quyền tác giả, nhà trường nên liên hệ và thương thảo trước và chỉ khi được sự đồng ý của đối tác mới được dịch.

Theo đó, có thể liên hệ trực tiếp với tác giả, các đơn vị xuất bản, các hiệp hội hoặc các tham tán thương mại…để được hướng dẫn. Thạc sĩ Trang còn cho biết có nhiều đơn vị khi liên hệ dịch lại các giáo trình ở nước ngoài khi liên hệ không chỉ được sự đồng ý mà còn nhận được sự tài trợ chi phí cho việc in ấn phục vụ giảng dạy.

Để thực thi pháp luật sở hữu trí tuệ tại trường ĐH, thạc sĩ Trương Thùy Trang - phó giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM - cho rằng cần xây dựng cơ chế quản lý bao gồm các quy định về quyền sở hữu, về phân chia lợi ích và thủ tục, về tổ chức khai thác thương mại. Bên cạnh đó, cần hình thành các đầu mối chuyên trách để theo dõi, giám sát, triển khai, thanh toán bản quyền, xử lý xung đột khi cần…

Ở một góc độ khác, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng trong những buổi sinh hoạt chính trị đầu năm cho tân sinh viên, các trường nên giới thiệu về nguyên tắc bảo vệ sở hữu trí tuệ, các nguyên tắc trích dẫn, nguy cơ đạo văn và các hình thức kỷ luật. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho giảng viên có cơ hội sử dụng các công cụ phát hiện đạo văn, giám sát giáo dục sinh viên thường xuyên tuân thủ phát luật sở hữu trí tuệ là trách nhiệm của nhà trường và người thầy.

Trong khi đó, TS Lê Văn Hưng đưa ra quan điểm “cần hình thành một văn hóa ứng xử đối với sở hữu trí tuệ tại các trường ĐH”.

Ông nói: “Cần tạo ra cơ chế, phối hợp giữa các tổ chức, xây dựng cơ chế giám sát và thể hiện rõ việc này không chỉ mang lại quyền lợi vật chất cho trường mà còn nâng tầm các trường thông qua các công trình nghiên cứu, tạo ra giá trị vật chất cho trường như chuyển giao công nghệ (tạo nguồn thu) và sinh viên có cơ hội cọ xát thực tế…”.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân - phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết nhà trường đang xây dựng để ban hành quy định về bảo vệ quyền tác giả trong trường. Theo TS Ngân, việc làm này thể hiện trách nhiệm công dân và đạo đức của người làm khoa học đối với những người đi trước.

Dẫn câu chuyện thực tế từ một trường ĐH nghệ thuật lấy luận văn tốt nghiệp của sinh viên cung cấp cho một đài truyền hình, TS Vũ Mạnh Chu cho rằng nên có quy chế quản lý sản phẩm của sinh viên khi ra trường để đảm bảo lợi ích của trường, của sinh viên mà không vi phạm Luật bản quyền. Theo đó, sinh viên cần làm thủ tục nêu rõ sản phẩm sinh viên tạo ra để lại cho trường - trường được phép sử dụng trong trường hợp nào, khi nào phải trả tiền cho sinh viên và trường hợp nào thì thôi…

HÀ BÌNH

 HÀ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên