Trong khi nhóm tác giả cuốn giáo trình Tài chính quốc tế lên tiếng “tố” nhóm tác giả khác “đạo” giáo trình của mình thì chính cuốn giáo trình đó lại bị cho là sao chép từ sách nước ngoài. Điều đáng nói, trường hợp này không phải là duy nhất.
Phóng to |
Sách giáo trình Tài chính quốc tế của GS.TS Trần Ngọc Thơ và PGS.TS Nguyễn Ngọc Định đồng chủ biên được cho là sách dịch từ sách International financial management của tác giả Jeff Madura (Florida Atlantic University, Mỹ) - Ảnh: Minh Đức |
Phóng to |
Cuốn International financial management và giáo trình Tài chính quốc tế được cho là có nhiều nội dung giống nhau - Ảnh: T.H. |
Trao đổi với chúng tôi, một nhóm chuyên gia về kinh tế khẳng định cuốn giáo trình Tài chính quốc tế do GS.TS Trần Ngọc Thơ chủ biên có hàng chục trang giống với cuốn sách International financial management (của tác giả Jeff Madura, Đại học Florida Atlantic, Mỹ). Trong đó, nội dung giống nhau ở nhiều mức độ, thậm chí có nhiều trang giống nhau hoàn toàn.
Biên soạn hay biên dịch?
Nhóm chuyên gia này khẳng định: “Chẳng những đảo lộn trật tự sách gốc (sách của tác giả Jeff Madura), giáo trình Tài chính quốc tế còn xé lẻ bảng biểu và hình vẽ của cuốn sách International financial management thành những phần nhỏ. Tuy vậy, vẫn có thể nhận thấy do tên nhiều chương giống nhau”. Thế nhưng, trong danh mục tài liệu tham khảo chủ yếu của quyển Tài chính quốc tế lại không hề thấy tên cuốn sách của tác giả Jeff Madura.
Trước đó, cuốn Từ điển ngữ pháp tiếng Hàn của tác giả Lý Kính Hiền, giảng viên bộ môn Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng được xác định là dịch lại từ cuốn Từ điển ngữ pháp tiếng Hàn cho người nước ngoài. Nguyên gốc tiếng Hàn cuốn sách này của tác giả Baek Bong Ja, Trường ĐH Yonsei (Hàn Quốc).
Nội dung của hai cuốn sách trên hoàn toàn giống nhau, chỉ khác ở chỗ trong cuốn sách của mình ông Hiền kết thúc phần dẫn nhập bằng “Sài Gòn, tháng 6 năm 2004, Lý Kính Hiền...” và không trích nguồn quyển sách gốc, cũng không ghi rõ sách biên dịch.
Ngoài ra, nhiều cuốn sách khác của khoa tài chính doanh nghiệp, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đang bị một số diễn đàn về học thuật cho là “mượn” nội dung sách nước ngoài với nhiều mức độ khác nhau. Điển hình như các giáo trình về tài chính, đầu tư tài chính....
Trên một diễn đàn về kinh tế học, một số thành viên khẳng định: việc copy sách nước ngoài là chuyện thường và khá phổ biến ở nhiều trường ĐH của VN... Một thành viên còn nhấn mạnh: “Có thể nói không ngoa là phần lớn giáo trình được các giảng viên VN viết chỉ là sách dịch!”.
Trước thông tin về hàng loạt giáo trình đang sử dụng tại trường “mượn” nội dung sách nước ngoài, một đại diện ban giám hiệu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khẳng định với Tuổi Trẻ sắp tới trường sẽ kiểm định để có kết luận chính thức.
Do hoàn cảnh...!
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc nhóm biên soạn sách có tham khảo hay không quyển sách International financial management của tác giả Jeff Madura khi viết giáo trình Tài chính quốc tế, GS.TS Trần Ngọc Thơ giải thích: “Tài liệu tham khảo sách nước ngoài của chúng tôi lên đến hàng chục cuốn nên không thể nhớ hết được. Nhưng cũng không loại trừ có thành viên tham gia biên soạn có tham khảo sách của Jeff Madura nhưng không nhớ vì chuyện đã xảy ra quá lâu”.
Trong khi đó, ông Lý Kính Hiền lại cho rằng ông được tác giả Baek Bong Ja tặng quyển sách gốc tại hội thảo ở Hàn Quốc. Ông Hiền nói: “Thời điểm đó, VN đang thiếu giáo trình về ngữ pháp tiếng Hàn. Tôi đã dịch một số phần từ quyển sách này để giảng dạy. Đến năm 2004, tôi gặp Lãnh sự quán Hàn Quốc đề đạt nguyện vọng xuất bản quyển sách tôi dịch và được ủng hộ”.
Cũng theo ông Hiền: “Tôi đã dịch lại 100%, giữ nguyên cấu trúc quyển sách gốc và thêm vài trang phụ lục thuật ngữ”.
Tại sao không trích nguồn sách gốc hay ghi rõ “biên dịch”? Ông Hiền lý giải: “Đây là sai sót khâu thiết kế bìa. Tôi chỉ lo bản thảo về nội dung quyển sách rồi chuyển cho nhà xuất bản và không kiểm tra bìa sách nên dẫn đến việc thiếu chữ “biên dịch”. Ngoài ra, thời điểm đó tôi chưa hiểu rõ về vấn đề tác quyền... Lẽ ra tôi phải ghi rõ nguồn gốc sách dịch trong phần Lời nói đầu nhưng vì thiếu sót nên đã gây hiểu lầm” (?).
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Phạm Văn Năng, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng: “Những kiến thức về kinh tế thị trường đều mới mẻ, nhiều tài liệu các môn học mới của trường cũng được viết bằng cách tham khảo từ sách nước ngoài”.
Cũng theo ông Năng, có thời kỳ nhà trường khuyến khích và hỗ trợ kinh phí cho các giảng viên dịch sách nước ngoài để cung cấp cho sinh viên tham khảo. Thời điểm đó vấn đề tác quyền chưa được đặt ra, các tài liệu tham khảo của trường được viết theo kiểu “trăm hoa đua nở” và được phát hành để tự sàng lọc. Sau đó, trường tuyển chọn lại, lập hội đồng thẩm định và công nhận là giáo trình.
“Nhìn ở góc độ này thì những người viết giáo trình có công trong việc mang kiến thức mới mẻ về phục vụ công tác giảng dạy. Còn việc giảng viên tham khảo tài liệu, dịch thuật để viết sách mà không dẫn nguồn là trách nhiệm của người đó” - ông Năng nói.
Một nhóm giảng viên cho biết: “Hiện nay, nếu làm tới cùng sẽ có rất nhiều giáo trình được viết theo kiểu biên dịch như vậy”. Tuy nhiên, nhóm này cũng cho rằng mục tiêu biên dịch là không vì lợi nhuận, các giảng viên không được xuất bản và dịch sách để làm tài liệu tham khảo. Còn việc “bê” nguyên sách của nước ngoài biên dịch lại thành giáo trình rồi xuất bản là sai. Phải chăng hiện nay nhiều người viết sách đang có sự nhầm lẫn giữa biên dịch và biên soạn? “Khi muốn dịch sách phải xin phép tác giả và nếu được họ cho phép thì sách đó phải ghi rõ “biên dịch”, còn nếu tác giả không đồng ý thì không được dịch” - một giảng viên nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận