Chương trình trực tiếp lúc 7g30 trên Đài phát thanh - Truyền hình Tiền Giang và trên TTO.
Tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội - sư phạm - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công anTư vấn nhóm ngành Kinh tế - y dược - nông lâmTư vấn nhóm ngành Khoa học kỹ thuật - công nghệ
Phóng to |
Các bạn học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn tại phần tư vấn chung - Ảnh : Minh Đức |
Video tư vấn tuyển sinh tại Tiền Giang - Nguồn: Truyền hình Tuổi Trẻ |
Phóng to |
Học sinh các trường THPT tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh tại ĐH Tiền Giang - Ảnh: Như Hùng |
Ngay từ 6g sáng, đội sinh viên tình nguyện Trường ĐH Tiền Giang đã đứng trước cổng trước, giơ cao bảng tên của các trường để đón các em học sinh về dự chương trình tư vấn. Nhìn bảng tên có thể thấy đó là những trường như THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, THPT Mỹ Phước Tây, THPT Trương ĐỊnh, THPT Nguyễn Đình Chiểu…
Ngay tại khu vực cổng ra vào, ban tổ chức bố trí một bàn hướng dẫn và phát những quà tặng cho thí sinh. Quà tặng gồm có phiếu trắc nghiệm ngành nghề, đĩa CD luyện thi trắc nghiệm, báo Tuổi Trẻ có những thông tin mới nhất về tuyển sinh 2012…Cầm trên tay tờ phiếu trắc nghiệm ngành nghề, một học sinh lấy viết đánh ngay.
Đúng 7g30 phút, sau hai tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” của sinh viên Trường ĐH Tiền Giang, chương trình tư vấn bắt đầu.
Mở đầu chương trình, TS Trần Thanh Đức - Giám đốc Sở GD-ĐT Tiền Giang cảm ơn các thầy cô và Tuổi Trẻ phối hợp và cung cấp, tư vấn tuyển sinh cho học sinh Tiền Giang. Chọn nghề là vấn đề quan trọng, gia đình và xã hội cùng đồng hành, giúp học sinh chọn ngành trong tương lai là điều rất cần thiết. Việc tư vấn quan trọng nhưng sau khi được tư vấn, các em hãy cân nhắc để có thể lựa chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực và sở thích của mình.
Phóng to |
Đông đảo học sinh THPT các trường đến nhận thông tin tuyển sinh tại bàn tổ chức - Ảnh: Như Hùng |
Phóng to |
Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2012 trên trang quà tặng của báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Như Hùng |
Phóng to |
Sinh viên tình nguyện trường đại học Tiền Giang đón học sinh các trường THPT đến dự chương trình tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Như Hùng |
Phóng to |
Mới 6g30 sáng 18-2, nhiều học sinh của các trường THPT tại Tiền Giang đã có mặt để dự chương trình tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Như Hùng |
Mở đầu phần tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ những điểm chính của tuyển sinh 2012. Cơ bản, kỳ tuyển sinh năm nay vẫn theo hình thức “3 chung” - chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả. Tuy nhiên năm nay có một số điểm mới. Về đợt thi, vẫn có 3 đợt thi nhưng ngày thi lùi lại so với các năm trước. Đợt 1 diễn ra ngày 7 và 8-7 cho khối A, A1, V, đợt 2 ngày 14 và 15-7 cho khối B, C, D và các khối còn lại, đợt 3 ngày 21 và 22-7 thi CĐ cho tất cả các khối.
Ngoài các quà tặng, tài liệu hướng dẫn chọn nghề, thông tin tuyển sinh các trường, Tuổi Trẻ cũng đã gửi tặng cho học sinh 900 CD Cẩm nang tuyển sinh điện tử do Tuổi Trẻ biên soạn. Cẩm nang tuyển sinh điện tử 2012 được phát hành dưới hình thức CD, là bộ tài liệu tổng hợp với nhiều nội dung, tư liệu, phần mềm cung cấp những thông tin về thi và tuyển sinh. Bên cạnh đó, cẩm nang cung cấp tư liệu điểm chuẩn, tỉ lệ chọi, đề thi - đáp án từ năm 2008 trở lại đây để học sinh tham khảo trước khi đặt bút đăng ký chọn trường thi. Với tinh thần phục vụ nhiều nhất nhu cầu thông tin về thi và tuyển sinh của học sinh, mong muốn học sinh chọn được ngành, trường học phù hợp với năng lực và sở thích của mình, Tuổi Trẻ gửi tặng miễn phí Cẩm nang tuyển sinh điện tử 2012 cho học sinh lớp 12 có nhu cầu trên cả nước. |
Về xét tuyển: học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào ĐH (nếu đạt giải nhất, nhì, ba). Không qui định số đợt, thời gian xét tuyển mỗi đợt, hạn cuối của thời gian xét tuyển là 31-12. Vậy thí sinh được nộp hồ sơ bao nhiêu lần, có được nộp phiếu điểm photo không... Điều này hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có qui định cụ thể
* Làm sao biết mình phụ hợp với nghề nào, cơ hội nghề nghiệp có cao không?
- TS Lê Thị Thanh Mai: Làm sao để biết được ngành học mình yêu thích? Các em nghe rất nhiều thông tin về các ngành nghề và mình có thể trả lời mình thích ngành này và sau đó là đi tìm hiểu về ngành nghề đó. Sau khi tìm hiểu các em phải biết lượng sức mình. Cùng ngành có nhiều nơi đào tạo, mỗi nơi 1 điểm chuẩn khác nhau. Xem nới nào có ngành mình thích, phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế của mình. Các em cũng cần lưu ý, trong cùng trường có nhiều ngành nghề đào tạo, cơ hội chuyển đổi ngành nghề cũng rất rộng mở.
* Em thích ngành CNTT nhưng nghe nói ngành này khó kiếm việc làm, gia đình muốn em học kinh tế. Em phải làm sao?
- ThS Lâm Tường Thoại: Khi chọn ngành thường có sự mâu thuẫn giữa học sinh và cha mẹ. Học sinh cần biết cha mẹ mình muốn mình như thế nào và học sinh cũng phải chứng minh với cha mẹ về sở thích của mình. Do đó cha mẹ thường muốn con cái chọn ngành nghề nào đó nhẹ nhàng khi làm việc. Nếu học sinh khẳng định ngành đó phù hợp với mình thì cần cố gắng chứng minh cho cha mẹ và tạo được niềm tin khi chọn ngành nghề này. Nếu chứng minh được điều này, cha mẹ sẽ không còn ép nữa.
* Đến giờ em vẫn chưa định hướng ngành cho mình nhưng em muốn học và làm việc gần nhà. Ở Tiền Giang ngành nào còn nhu cầu nhân lực?
- TS Ngô Tấn Lực - Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang: ĐBSCL có số lao động qua đào tạo rất thấp. Hầu hết các ngành nghề do các trường đào tạo đều theo nhu cầu xã hội. Tại Tiền Giang, khối ngành kinh tế, y tế, khoa học xã hội nhu cầu còn khá lớn. Riêng ngành sư phạm thí sinh cần hết sức cân nhắc vì nhân lực đã tương đối đủ.
* Một học sinh hỏi trực tiếp: Em tên Mai Thị Thúy Nhi, hồi nãy em có nghe cô Mai nói chuyển ngành liên tục trong một trường, em chưa rõ vấn đề này như thế nào?
- TS Lê Thị Thanh Mai: Thứ nhất, về số điểm. Thứ hai, sẽ có hai hội đồng kiểm tra lại vấn đề của em. Việc này, để tránh các em chuyển sang ngành có điểm thi cao hơn điểm đầu vào của em. Tại khu vực chuyên sâu, tôi sẽ giải đáp thêm cụ thể cho em.
* Em là là Phụng, sinh viên năm tư Trường ĐH Tiền Giang. Em có em trai sắp tới sẽ thi vào ngành điều khiển tàu biển, ngành này có điều kiện gì không?
- TS Nguyễn Văn Thư: Cám ơn câu hỏi của em. Tôi xin trả lời, ngành vận tải biển và điều khiển tàu biển chỉ chỉ có hai trường đào tạo ở phía Nam là trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Trường ĐH Nha Trang. Ngành này có những yêu cầu là nam phải có chiều cao 1,55 trở lên, cận và viễn dưới 4 đi ốp. Về điều kiện việc làm, ngay trong tuần này, có một chủ tàu của châu Âu đang tuyển chọn sinh viên năm nhất. Khi được tuyển chọn, em sẽ được tài trợ 1.000 USD và sẽ nhận vào làm việc. Ra trường, mức lương tối thiểu là 1.500 USD.
* Em không tự tin trong giao tiếp nhưng muốn làm những ngành về du lịch, vậy có nên không?
- TS Phạm Tấn Hạ: Khi sinh ra, không phải ai cũng giao tiếp tốt hết. Nhu cầu giao tiếp được hình thành trong quá trình sinh hoạt giữa con người với con người. Chúng ta phải biết giao tiếp như thế nào để tạo được ấn tượng tốt với người đối diện. Để đạt được kỹ năng này, bạn phải ra ngoài quan sát, rèn luyện.
Kỹ năng này các bạn sẽ được hình thanh qua những sinh hoạt đoàn, hội. Bạn hãy mạnh dạn tham gia các hoạt động ở trường, lớp để rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho mình và những kỹ năng khác. Bản thân tôi cũng vậy, phong trào đoàn cho tôi một kỹ năng cực tốt. Tôi hi vọng các bạn hãy từng bước, tạo được cho mình một kỹ năng thật tốt trong giao tiếp thành công hơn trong cuộc sống của mình.
* Một học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang, hỏi: “Bộ GD-ĐT vừa ra quy chế xét tuyển mới thay cho nguyện vọng, việc này như thế nào?”
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Hiện nay chưa rõ thí sinh có được dùng giấy photo để xét vào các trường khác hay không. Như tôi nói là trong năm 2012 quy định sẽ không giới hạn đợt xét tuyển và không giới hạn nguyện vọng. Như vậy, các em sẽ có “vô số nguyện vọng”. Tuy nhiên, tôi hình dung kịch bản chắc là các trường ĐH sẽ cấp cho em một giấy báo điểm có đóng dấu đỏ khi em không trúng tuyển vào trường và có điểm trên sàn.
Thí sinh sẽ dùng giấy này để vào các trường khác. Có điều là thời gian bao lâu để trả lời cho em có trúng tuyển hay không, bao lâu thì trả lại giấy này cho em thì chưa có quy định này. Em theo dõi thêm trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
* Ngành kinh tế ở các trường, chương trình đào tạo có giống nhau? Khi đi xin việc có bị phân biệt?
- TS Trần Thế Hoàng: Các trường ĐH vẫn đang đào tạo theo chương trình khung của Bộ GD-ĐT. Phần giáo dục đại cương các trường đào tạo giống nhau, phần đào tạo chuyên nghiệp khác nhau chút ít tùy vào thế mạnh và đặc điểm của mỗi trường. Có những cái khác giữa các trường đó là người dạy, cơ sở vật chất của mỗi trường. Vấn đề trên tay chúng ta cầm bằng gì. Nếu có kiến thức tốt, kỹ năng mạnh thì cơ hội việc làm sẽ nhiều hơn. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các trường còn cung cấp cho sinh viên các kỹ năng mềm. Cơ hội việc làm cao hay thấp tùy thuộc vào bản thân chúng ta chứ không phải do ta học từ trường nào ra.
- PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng: nhóm ngành kinh tế có rất nhiều trường đào tạo. 70% chương trình đào tạo của các trường đều giống nhau, 30% khac nhau còn lại tùy thuộc vào thế mạnh của các trường. Tuy nhiên điểm chuẩn của mỗi trường khác nhau. Nếu chúng ta không đủ sức vào trường có điểm cao thì nên chọn trường có điểm chuẩn thấp hơn. Bằng cấp như nhau, quyền lợi thi lên cao học như nhau. Cơ hội việc làm không phải do bạn học công lập hay tư thục mà do năng lực và kỹ năng của mình.
* Nếu thi vào trường A và đủ điểm trúng tuyển, đồng thời cũng đủ điểm chuẩn vào trường B, em có thể rút hồ sơ trường A để học trường B không?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Về nguyên tắc, khi đăng ký dự thi vào trường nào, khi trúng tuyển phải vào trường đó. Khi đủ điểm trúng tuyển, trường A sẽ cấp giấy báo trúng tuyển cho em để nhập học. Thí sinh không thể lấy điểm của mình để nhập học ở trường B.
* Em thích ngành quản trị nhà hàng khách sạn, khả năng việc làm của ngành này như thế nào?
- ThS Hứa Minh Tuấn: Từ năm 2011 trở về trước, ngành này được đào tạo trong ngành QTKD nhưng từ kỳ tuyển sinh năm nay, chuyên ngành này sẽ được tách thành một ngành riêng. Tại Trường ĐH Tài chính Marketing, ngành này có các chuyên ngành Quản trị khách sạn, quản trị dịch vụ giải trí và quản trị dịch vụ du lịch lữ hành. Cơ hội việc làm của ngành này khá lớn bởi có nhiều chuyên ngành và nhu cầu nhân lực các chuyên ngành này cũng rất lớn.
* Một học sinh hỏi trực tiếp: “Kính thưa thầy cô, bạn em muốn thi vào ngành tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn. Thi vào ngành này có những điều kiện gì và điểm chuẩn có cao không?”
- TS Phạm Tấn Hạ: Thật sự, ngành tâm lý đang được xem là một ngành “nóng” của trường. Những năm gần đây, điểm thấp nhất là 18 điểm. Tôi nói như vậy các bạn đừng sợ, vì quy luật điểm thi dao động theo biểu đồ hình sin, năm cao năm thấp. Ngành này trang bị các bạn những kiến thức để làm tư vấn về hướng nghiệp, tâm lý, học đường, tình yêu, hôn nhân…Ngành này cần có một tố chất là biết lắng nghe và đồng cảm và xuất phát từ trái tim. Điều tối kỵ của ngành này là các bạn không được nói quá sự thật.
Câu thứ hai là ngành xã hội học bạn học, hiện có những trường đào tạo như Trường ĐH Mở TP.HCM, ĐH Tôn Đức Thắng và nhiều trường đại học khác.
Phóng to |
Học sinh Tiền Giang tại chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2012 - Ảnh : Minh Đức |
* Lực học em yếu, em có nên đi học liên thông không?
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Muốn vào đại học chúng ta phải qua điểm sàn, hàng năm khoảng 13 điểm trở lên. Với nhiều em, thi đại học là một “cuộc vui chơi” và đích ngắm của các em là những trường trung cấp, các trường nghề. Khi học xong các chương trình này, các bạn hoàn toàn có thể liên thông lên đại học. Khi học cao đẳng ba năm, học liên thông thêm 1,5 năm. Như vậy, tổng thời lượng là 4,5 năm để có bằng đại học. Hy vọng, các em sẽ đi đường vòng dễ hơn. Các em lưu ý là kỳ thi liên thông diễn vào vào tháng 8, khác với kỳ thi đại học.
* Ngành Đông phương học, Nhật Bản học và Hàn Quốc học có nhân hệ số môn thi không? Chương trình giảng dạy thế nào?
- TS Phạm Tấn Hạ: Điểm chuẩn vào những ngành này khá cao. Sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức về tiếng quốc gia đó mà còn về văn hóa của quốc gia đó. Theo học ngành Nhật Bản và Hàn Quốc, hết năm thứ 2 sinh viên sẽ được chuyển sang quốc gia của ngành học để học 1 năm, sau đó về VN hoàn thành chương trình còn lại. Sinh viên những ngành này ra trường có cơ hội việc làm khá lớn.
* Em rất thích ngành luật nhưng không định hướng được việc làm nên theo luật nào?
- Th.S Lê Văn Hiển: Để thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM, bạn thi ba khối D, C, A và dự kiến thi khối A1. Thời gian đào tạo ngành luật là 4 năm với khoảng 130 tín chỉ gồm các môn đại cương và chuyên ngành. Ra trường, các bạn được cấp bằng cử nhân luật. Đây là ngành đa dạng, có thể làm việc ở cơ quan nhà nước, viện kiểm soát, tòa án, các sở, ban ngành…Bạn cũng có thể làm chuyên gia pháp lý để tư vấn pháp lý. Cơ hội việc làm rất lớn nên bạn cũng không nên băn khoăn.
* Con gái tốt nghiệp ngành CNTT ra trường xin việc có khó không?
- TS Nguyễn Kim Quang: Hiện nay, CNTT được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, là công cụ phải có trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó ngành này đòi hỏi nhu cầu nnhân lực rất lớn. Ngành này không phân biệt giới tính nam nữ, sức khỏe mà đòi hỏi sự nhẫn nại, nắm bắt kỹ thuật và tư duy. Do đó nữ cũng rất phù hợp. Ngành này có nhiều chuyên nhgành như khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, mạng máy tính tuyền thông... Nữ có ưu điểm là siêng năng, cần cù. Nếu yêu thích thì nên mạnh dạn dự thi bởi sự yêu thích quyết định rất lớn đến sự thành công.
Hiện có rất nhiều trường đào tạo ngành này. Các em cân nhắc chọn bậc học và trường học phù hợp nhất với năng lực và điều kiện kinh tế của mình. Nếu năng lực hạn chế, các em cần mạnh dạn học trung cấp để sau này liên thông lên ĐH.
* Em tên Lê Thanh Duy, hiện tại các trường có khối D3 không ạ? Những ngành nào liên quan đến môn xã hội.
- TS Phạm Tấn Hạ: Khối D3 là thi Toán, Văn và Pháp. Đây là khối thi khá hẹp. Em thích về xã hội thì nên xác định lại là có quá nhiều để lựa chọn. Tôi sẽ trả lời cho em ở phần tư vấn chuyên sâu sẽ tận tình hơn.
Phóng to |
Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tuyển sinh- Hướng nghiệp năm 2012 tại trường ĐH Tiền Giang - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Phóng to |
Toàn cảnh buổi tư vấn tuyển sinh- Hướng nghiệp năm 2012 tại trường ĐH Tiền Giang - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* Em thích làm giáo viên nên tính thi ngành sư phạm tiếng Anh nhưng nhu cầu ngành này rất ít. Nếu không đi dạy, em có thể làm gì?
- TS Ngô Tấn Lực: các trường ĐH địa phương đào tạo ngành sư phạm theo đơn đặt hàng của Sở GD-ĐT. Hiện tỉnh Tiền Giang có nhu cầu nhân lực ngành giáo mục mầm non và tiểu học. Sở không giao chỉ tiêu giáo viên bậc THCS và THPT nên nếu học ngành này sẽ khó tìm việc ở Tiền Giang.
Tuy nhiên, hầu như các ngành nghề đều cần nhuân lực ngành này. Ngoài việc đi dạy, sinh viên tốt nghiệp có thể làm các công việc khác như du lịch, nhà hàng, khách sạn...
- TS Trần Thanh Đức: Với ngành sư phạm, nhu cầu giáo viên toán, lý, hóa, văn, sử, địa.. của tình không nhiều. Riêng nhu cầu ngành tiếng Anh sẽ nhiều do sắp tới sẽ triển khai đề án dạy ngoại ngữ trong trường học. Do đó nhu cầu giáo viên tiếng Anh trong thời gian tới vẫn có.
* Trong nông lâm có những ngành nghề nào, ngành nào nhiều triển vọng nhất?
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Hiện nay ở ĐBSCL đất nông nghiệp có xu thế giảm, vấn đề này đặt ra là làm sao đáp ứng được nhu cầu về lương thực cho con người. Ở khu vực các em đang sinh sống có những thế mạnh về nông nghiệp như như gạo, thủy sản…Do đó, rất cần nhân lực cho nhóm ngành này ở các ngành trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy sản…Em học ngành này thì chắc chắn cơ hội việc làm rất lớn.
* Em nghe nói nhu cầu nhân lực ngành tài chính ngân hàng sẽ bị đóng băng trong vài năm tới có phải không?
- TS Trần Thế Hoàng: Khi công nghệ phát triển cao, người ta làm ra sản phẩm với chi phí ngày càng ít đi nên nhu cầu nhân lực giảm đi. Tuy nhiên nhóm ngành dịch vụ, tài chính, ngân hàng sẽ vẫn phải cần nhiều nhân lực. Sự sa sút của thị trường chứng khoán, ngân hàng trong thời gian qua chỉ là tạm thời.
Tốc độ phát triển của ngành ngân hàng khoảng 10%/năm. Hiện nhà nước đang tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, đây là bước cần thiết để làm hệ thống ngân hàng mạnh hơn chứ không phải bước lùi của ngành ngân hàng. Nếu yêu thích, các em cứ mạnh dạn thi vào ngành này bởi nhu cầu nhân lực sẽ rất lớn.
Phóng to |
Sinh viên tình nguyện trường ĐH Tiền Giang hướng dẫn các bạn học sinh vào khu vực tư vấn - Ảnh : Minh Đức |
Phóng to |
Chị Nguyễn Thị Hoa Phượng cõng con gái của mình là bạn Lê Kim Tiền (bị liệt từ bé), học sinh lớp 12B1, trường THPT Trần Hưng Đạo, đến dự Chương trình Tư vấn tuyển sinh - Ảnh : Minh Đức |
* Ngành đô thị học là gì, cơ hội việc làm như thế nào, điểm thi cao không?
- TS Phạm Tấn Hạ: Đây là ngành năm đầu tiên có sinh viên tốt nghiệp, đây là ngành đầu tiên của Việt Nam đào tạo về quy hoạch, quản lý đô thị…chúng tôi đào tạo ngành này để đáp ứng nhu cầu xã hội. Cơ hội việc làm của ngành khá cao. Ở khu vực tư vấn chuyên sâu tôi sẽ giải đáp thắc mắc thêm cho bạn.
* Em muốn học ngành điều dưỡng nhưng lại sợ máu, liệu có cách nào khắc phục hay không?
- TS Lê Thị Thanh Mai: Nếu sợ máu, các em nên tìm một hướng rẽ khác. Làm điều dưỡng phải hết sức gần gũi với bệnh nhân. Các em nên làm trắc nghiệm mghề nghiệp lại để chọn ngành gần với điều dưỡng.
* Hiện nay ngành nào đang thu hút thí sinh nhiều nhất, ngành nào có nhu cầu nhân lực cao nhất?
- TS Lê Thị Thanh Mai: Trong các năm vừa qua, các ngành được thí sinh lựa chọn nhiều nhất là QTKD, kế toán, tài chính ngân hàng, y đa khoa, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, khoa học môi trường, điều dưỡng.
Việc học ngành nào không phải quyết định cho một nghề nghiệp cụ thể, mới chỉ giai đoạn bước đầu. Thị trường yêu cầu kỹ năng gì và sinh viên đáp ứng được đến đâu để có cơ hội việc làm sau này.
Danh sách ban tư vấn Tiền Giang: TS Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM TS Nguyễn Kim Quang – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) Th.S Hứa Minh Tuấn – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing TS Nguyễn Văn Thư – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM Th.S Lâm Tường Thoại – Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) TS Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM) TS Ngô Tấn Lực – hiệu trưởng Trường ĐH TIền Giang TS Phạm Châu Long – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Tiền Giang PGS.TS Tạ Văn Trầm – hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Tiền Giang Tiến sĩ Phan Văn Nhẫn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang TS Nguyễn Phúc Châu – giảng viên khoa sư phạm Trường ĐH Tiền Giang PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường DH Nông Lâm TP.HCM PGS.TS Đỗ Văn Dũng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM TS Trần Thế Hoàng – Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường Kinh tế TP.HCM Th.S Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận