* Điểm sàn sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2010
Phóng to |
Thí sinh Nguyễn Thị Minh Nguyệt dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cùng mẹ mang tất cả hành lý đến trường thi từ 5g sáng để về quê ngay sau khi thi xong - Ảnh: Như Hùng |
Cuộc họp báo do Thứ trưởng Bùi Văn Ga và ông Ngô Kim Khôi (phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, phó trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh) chủ trì. Nhận định về điểm thi, điểm sàn năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết:
- Với mức độ phân hóa của đề thi năm nay, chúng tôi dự kiến có nhiều thí sinh đạt mức điểm trung bình ở ba môn thi. Số thí sinh được điểm tuyệt đối và điểm thấp có thể giảm, nhưng số thí sinh đạt điểm trung bình tăng lên sẽ là một phổ điểm hợp lý, tạo nguồn đầu vào nhiều hơn cho các trường dễ xét tuyển được thí sinh phù hợp với yêu cầu đào tạo của từng trường.
Mức điểm sàn cụ thể như thế nào sẽ do hội đồng điểm sàn quyết định căn cứ trên thực tế điểm thi. Dự kiến điểm sàn sẽ ở mức bằng hoặc cao hơn năm 2010.
* Trong đợt thi đầu tiên đã liên tiếp xảy ra nhiều sự cố trong khâu coi thi liên quan đến nghiệp vụ yếu kém của đội ngũ cán bộ coi thi. Bài học Bộ GD-ĐT rút ra từ những sự cố này là gì, phải chăng đã có sự chủ quan, lỏng lẻo trong công tác tập huấn cán bộ coi thi?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những sự cố xảy ra trong kỳ thi vừa qua là sự cố kỹ thuật. Qua tập huấn nhưng vẫn xảy ra sai sót do giám thị lúng túng, chưa có kinh nghiệm xử lý các tình huống cụ thể. Bộ GD-ĐT đã có công điện rút kinh nghiệm, trong đợt 2 đã không xảy ra những sai sót tương tự.
Tuy bộ và các trường đã có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nhưng ở một kỳ thi có hàng trăm hội đồng thi, hàng triệu thí sinh, hàng trăm ngàn cán bộ coi thi... sai sót có thể xảy ra. Nhưng quan trọng là có giải pháp xử lý kịp thời các sai sót đó như thế nào để khắc phục hậu quả, đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Lần đầu tiên trong 10 năm thi bằng đề chung, năm nay đã phải sử dụng đến đề thi dự bị. Đó chính là bài học kinh nghiệm quan trọng. Luôn có giải pháp, có sự chuẩn bị chu đáo để xử lý kịp thời những tình huống có thể xảy ra...
Những lỗi vừa xảy ra là những lỗi kỹ thuật nhưng nếu chúng ta không nghiêm túc, không có sự chuẩn bị thì đó sẽ không còn là sự cố kỹ thuật của một cơ sở mà có thể ảnh hưởng đến cả kỳ thi...
* Trước kỳ thi tuyển sinh năm nay, Bộ GD- ĐT đã có những động thái chuẩn bị cho lộ trình đổi mới tuyển sinh nhưng sau đó chưa triển khai. Vậy sau kỳ thi tuyển sinh năm nay, vấn đề đổi mới tuyển sinh có được tiếp tục đặt ra và sẽ đổi mới theo định hướng như thế nào?
- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Vấn đề đổi mới kỳ thi ĐH đã được Bộ GD-ĐT đặt ra và bộ đã yêu cầu một số trường ĐH tham gia cùng với bộ nghiên cứu, đề xuất phương án đổi mới sao cho thi tuyển sinh trở nên gọn nhẹ, hiệu quả hơn.
Trong năm học này, bộ tiếp tục đặt đổi mới thi cử là một nhiệm vụ trọng tâm nhưng đổi mới thi tuyển sinh sẽ phải gắn liền với đổi mới đồng bộ thi và học ở bậc phổ thông.
Hiện mỗi năm chúng ta có 1,5 triệu thí sinh dự thi ĐH, trong khi chỉ có hơn 500.000 chỉ tiêu tuyển mới. Với áp lực cạnh tranh và lựa chọn như vậy, nhu cầu học và thi lớn, trước mắt kỳ thi ĐH sẽ kéo dài. Đến năm 2020, mạng lưới trường ĐH, CĐ phát triển, đảm bảo tỉ lệ 400 SV/1 vạn dân, quy mô đào tạo 1 triệu SV vào học một năm.
Đa số HS tốt nghiệp THPT có thể vào học ĐH, sẽ không còn áp lực thi ĐH đại trà, chỉ còn áp lực thi chọn ở các trường ĐH lớn, các trường ĐH nghiên cứu... Khi cầu còn lớn hơn cung như hiện nay thì vẫn phải duy trì kỳ thi để tuyển chọn...
* Năm nay bộ cho phép thí sinh được rút hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 đã nộp để chuyển sang trường khác. Trong trường hợp đó, giấy chứng nhận kết quả thi được dùng làm phiếu đăng ký xét tuyển của thí sinh sẽ được xử lý như thế nào, thí sinh có xóa đi viết lại phần nguyện vọng đăng ký xét tuyển không?
- Ông Ngô Kim Khôi: Các trường phải thông báo công khai thông tin hồ sơ xét tuyển NV2, NV3 đã nhận được để thí sinh có cơ hội cân nhắc, lựa chọn. Tuy nhiên, thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đối với từng đợt được kéo dài thêm năm ngày so với mọi năm nhưng quy định chỉ cho phép thí sinh được rút lại hồ sơ đăng ký xét tuyển trong 15 ngày đầu tiên.
Lệ phí đăng ký xét tuyển đã nộp có được rút lại hay không do nhà trường quyết định. Còn trên giấy chứng nhận kết quả thi của thí sinh năm nay sẽ thiết kế kỹ thuật có hai dòng để thí sinh có thể ghi lại nguyện vọng xét tuyển lần hai.
Nếu rút và nộp lại hồ sơ đăng ký xét tuyển đến lần thứ ba, thí sinh sẽ nộp hồ sơ xét tuyển có giấy chứng nhận kết quả kèm theo đơn đăng ký nguyện vọng, chứ không được tẩy xóa trên giấy chứng nhận kết quả.
Công bố điểm thi trước 5-8 và điểm sàn trước 10-8 Ông Ngô Kim Khôi cho biết hai đợt thi tuyển sinh ĐH có tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.696.960, số thí sinh đến dự thi là 1.333.428, đạt 78,58%. Tỉ lệ này so với năm 2010 tăng 1,58%. Bộ GD-ĐT đánh giá chung mặc dù hai đợt thi đã diễn ra trong an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế nhưng cá biệt ở một số điểm thi vẫn còn để xảy ra sai sót trong công tác coi thi. Một số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh không nắm vững quy chế, chủ quan, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, không báo cáo kịp thời khi có tình huống phát sinh, dẫn đến sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Theo Bộ GD-ĐT, các trường sẽ phải hoàn tất công tác chấm thi và công bố điểm thi cho thí sinh trước ngày 5-8. Sau khi hội đồng điểm sàn họp sẽ công bố điểm sàn trước ngày 10-8. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận