Kỳ 1: Bán trường hàng loạt Kỳ 2: “Chỉ muốn bỏ trường mà đi...”
GS Trần Hồng Quân - Ảnh: Việt Dũng |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về những khó khăn của các trường ngoài công lập, GS Trần Hồng Quân nói:
- Nhìn chung chất lượng giáo dục đại học của ta còn thấp. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nâng cấp và mở trường ồ ạt. Tuy tổng số trường và quy mô đào tạo không phải đã quá lớn so với dân số, nhưng quy mô đào tạo tăng nhanh mà điều kiện bảo đảm chất lượng còn phát triển chậm... Chi phí đào tạo mà xã hội chấp nhận thật ra chỉ vài trăm USD cho một sinh viên trong một năm, thấp đến mức các chuyên gia giáo dục nước ngoài không tin nổi.
Tuyển sinh là khó khăn trực tiếp
"Nhiều chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước chưa vào được thực tiễn bởi hàng rào các văn bản hướng dẫn còn chậm trễ, lạc hậu, bảo thủ, lệch lạc mà chưa có ai chịu trách nhiệm" |
* Trong 20 năm phát triển của hệ thống, thời điểm nào đánh dấu mốc trường ĐH tư rơi vào khó khăn, thưa giáo sư?
- Thực tế, trừ rất ít trường có điều kiện ban đầu tốt hơn, còn tuyệt đại bộ phận các trường từ khi thành lập cho đến suốt quá trình phát triển hầu như lúc nào cũng trong thế khó khăn đủ bề: khó về đất đai, về vay tín dụng ưu đãi - dù Nhà nước đã có chính sách mà không ai thực hiện; khó vì bị coi như một doanh nghiệp, bị đánh thuế nặng nề trong một thời gian dài mà mãi đến gần đây mới “khoan sức dân” một chút...
Nhưng khó khăn trực tiếp nhất bộc lộ trong tuyển sinh. Trường ngoài công lập trước mắt sống bằng học phí. Tuyển sinh được ít thì giống như trường công bị cắt bớt ngân sách vậy. Thí sinh thích chọn các trường công lập hơn đơn giản vì đó thường là các trường lớn, lâu năm, có tiếng, đội ngũ thầy giáo và cơ sở vật chất tốt hơn (trừ các trường công mới thành lập). Học phí trường công cũng thấp hơn nhiều vì được Nhà nước trợ cấp phần lớn chi phí đào tạo. Không phải trường nào khó tuyển sinh cũng vì chất lượng kém. Trường ĐH Bắc Hà đào tạo rất nghiêm chỉnh, Trường ĐH Tân Tạo có cơ sở vật chất và đội ngũ đều khá tốt nhưng thường tuyển được rất ít... Tuy vậy, trong hàng chục năm trước đây, các trường ngoài công lập hầu như vẫn tuyển đủ chỉ tiêu. Khó khăn tuyển sinh trở nên gay gắt hơn từ năm 2010.
* Vậy có thể hiểu chính tuyển sinh là gốc rễ của những khó khăn chung của các trường ngoài công lập? Đó có phải là lý do để ba năm vừa qua hiệp hội liên tục đưa ra những kiến nghị về hạ điểm sàn rồi bỏ điểm sàn, thưa giáo sư?
- Tuyển sinh không phải là khó khăn gốc rễ, nhưng đó chính là khó khăn trực tiếp bắt nguồn từ những nguyên nhân gốc rễ khác. Từ năm 2010, sau mùa tuyển sinh chật vật của các trường ngoài công lập, hiệp hội đã đề xuất đề án thi tốt nghiệp THPT, đồng thời sử dụng kết quả đó để tuyển vào ĐH và CĐ. Đó là đề án thi “hai trong một” với quan niệm khác hẳn về “đầu vào” và “đầu ra” trong quá trình đào tạo. Gần đây, hằng năm hiệp hội đều tập hợp ý kiến các trường, nghiên cứu và đề xuất với bộ. Năm 2014, việc bộ bỏ điểm sàn là một biểu hiện sửa đổi những quan niệm sai lầm về thi cử, về đầu vào...
Nhà đầu tư chán nản
GS Trần Hồng Quân: Điểm sáng Vẫn có không ít trường vượt lên khó khăn, tạo ra thực tiễn rất đáng tổng kết về mô hình và cách làm. Nói không quá lời, Trường ĐH quốc tế miền Đông ở Bình Dương mang dáng dấp trường sở và trang bị hiện đại mà ít trường công nào so được. Trường ĐH Duy Tân ở Đà Nẵng đã mua 10 chương trình tiên tiến của Mỹ và gửi hàng trăm thầy giáo đi bồi dưỡng để về tổ chức đào tạo. Có trường luôn coi chất lượng là lẽ sống còn, quản lý việc dạy và học rất tốt, chăm lo bổ sung nhiều kỹ năng mềm mà trong chương trình thiếu hụt như Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội... |
* Trường tư rơi vào thế túng, khó nên đã có chủ đầu tư phải bán trường, chuyển nhượng, sang tên. Đây có phải là điều bình thường trong môi trường giáo dục, thưa giáo sư?
- Khó khăn của trường tư cần xét nguyên nhân ở tầm vĩ mô, ở quan điểm, cơ chế, chính sách. Chính sách hiện tại thật sự chưa làm cho các nhà giáo, nhà khoa học có vị thế chi phối được định hướng phát triển của trường và kiên trì vì mục tiêu chất lượng. Dù họ thường không phải là người có nhiều tiền đầu tư, song khối “tài sản ảo” như công sáng lập, công xây dựng, tài sản trí tuệ, thương hiệu cá nhân của các nhà giáo, các nhà khoa học nổi tiếng chính là thứ vốn quý giá cho nhà trường. Bất công là theo quy chế của Nhà nước, những tài sản này đều không được tính vào vốn góp, trong khi mọi biểu quyết đều theo nguyên tắc đối vốn.
Nhiều quy định gần như đồng nhất trường ĐH tư với doanh nghiệp. Vậy nên dưới áp lực tài chính nặng nề và thường xuyên, hiệu trưởng và hội đồng quản trị các trường vô cùng vất vả, căng thẳng. Có trường tìm mọi cách tuyển càng nhiều sinh viên càng tốt trong khi thiếu điều kiện bảo đảm chất lượng. Cũng có trường mất đoàn kết vì quyền lợi. Quyết định 63 sửa đổi, bổ sung một số điều quy chế tổ chức và hoạt động ĐH tư thục của Chính phủ quy định việc quản lý tài sản tích lũy không chia tạo ra xu thế lâu dài gần như từng bước “quốc hữu hóa” các trường tư làm cho các nhà đầu tư chán nản.
* Có điểm tựa nào khiến giáo sư tin vào viễn cảnh “ngày mai trời lại sáng” đối với hệ thống trường tư?
- Sứ mạng của các trường ngoài công lập - một sản phẩm của chủ trương xã hội hóa giáo dục mang tính chiến lược - không chỉ đóng góp bằng việc huy động thêm nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục ĐH mà còn góp phần xây dựng mô hình tiên tiến quản lý ĐH với quyền tự chủ cao, năng động, hiệu quả. Nhân rộng ưu điểm từ mô hình này, cộng với thế mạnh của hệ thống trường công lập, ta có thể tạo sinh khí mới cho giáo dục ĐH Việt Nam. Chúng tôi vui mừng trước những tư tưởng chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển các trường ngoài công lập. Chúng tôi cũng hoan nghênh các giải pháp mà Bộ GD-ĐT đã đề ra trong hội nghị. Hi vọng ta sẽ thấy sự khác trước của các cơ quan quản lý giáo dục với sự thừa nhận thật lòng các trường ngoài công lập “của ta” đích thực, chứ không phải của... ai khác, để đặt kỳ vọng thật lòng vào hệ thống này mà thúc đẩy, hướng dẫn và lãnh đạo nó đi lên.
Khi buôn xe trở thành chủ trường “Có nhà giáo bỏ nhiều công sức, không quản ngày đêm, từ năm này qua năm khác, từ hầu như tay không đến xây dựng thành một trường ĐH hoạt động nhịp nhàng, mua được đất đai chuẩn bị xây dựng lớn... Nhưng rồi không biết bằng con đường nào, ông chủ một công ty buôn xe máy lại mua gom được nhiều cổ phần góp vốn. Đặc biệt, để đạt được đa số tuyệt đối, với những cổ phần cuối cùng ông ta mua với giá cực cao. Theo quy chế Nhà nước ban hành, ông chủ công ty buôn xe máy ấy trở thành chủ tịch hội đồng quản trị, thực tế chính là chủ nhà trường. Vị hiệu trưởng đầy tâm huyết bị vô hiệu hóa, không còn cách nào khác, đành mệt mỏi rút lui. Có trường do một nhà giáo khả kính sáng lập, tổ chức đào tạo hết sức nghiêm túc nhưng khi hoạt động lại bị lỗ triền miên, không được sự hỗ trợ nào của Nhà nước cả vật chất lẫn cơ chế. Rồi một nữ sĩ nổi tiếng cùng nhiều trí thức trong nước và Việt kiều rất tâm huyết xây dựng dự án xin mở trường nhưng rốt cuộc đành bó tay trước thủ tục nhiêu khê. Cũng có nhà đầu tư đưa ra bài toán đơn giản: nếu dành 200 tỉ đồng để mở trường, sẽ hứng trăm bề vất vả mà trong nhiều năm đầu phần thu không bù đủ phần chi thường xuyên, nhưng đem số tiền đó gửi tiết kiệm cũng thu về gần 20 tỉ đồng/năm mà không phải đóng thuế, lại đỡ cực nhọc với đủ mọi áp lực, kể cả áp lực của nhiều cơ chế quản lý không hợp lý”. GS Trần Hồng Quân |
Bảo đảm công bằng giữa SV trường tư và trường công Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đối với Bộ GD-ĐT trong công văn Văn phòng Chính phủ vừa gửi đến Bộ GD-ĐT về “triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến giáo dục đại học”. Theo đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, nhất là các chính sách đối với sinh viên. Từ đó cần thiết có những đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp, bảo đảm công bằng giữa công lập và ngoài công lập. Trước tình trạng nhiều trường ĐH dân lập chưa hoàn tất việc chuyển đổi sang mô hình tư thục, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải xử lý dứt điểm việc chuyển đổi loại hình của các trường đại học, cao đẳng dân lập và bán công còn lại cho phù hợp với quy định của Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học. Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành dự thảo điều lệ trường đại học để thay thế điều lệ trường đại học và quy chế tổ chức và hoạt động của các trường đại học tư thục hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 3. NGỌC HÀ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận