16/04/2011 11:19 GMT+7

Xây đập Xayaburi: khủng hoảng sinh thái

TOM FAWTHROP (nhà báo Anh viết riêng cho Tuổi Trẻ)DUY PHÚC dịch
TOM FAWTHROP (nhà báo Anh viết riêng cho Tuổi Trẻ)DUY PHÚC dịch

TT - Sông Mekong từ lâu nổi tiếng với những dòng chảy xiết và là nguồn sống của nhiều thế hệ con người, đang có nguy cơ phải đối mặt với một thảm họa sinh thái nếu dự án xây đập Xayaburi ở Lào trị giá 3,5 tỉ USD được thực hiện.

Read this on Tuoitrenews.vnXayaburi và rủi ro từ động đấtLào nên hoãn quyết định xây dựng đập XayaburyĐập Xayabury sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt NamNgày 19-4, quyết định số phận đập Xayaburi trên sông MekongWWF đề xuất hoãn xây đập thủy điện Xayaburi

EdtuS1hH.jpgPhóng to
Những dân làng dọc sông Mekong miền bắc Thái Lan biểu tình chống xây đập trên sông Mekong năm 2010 - Ảnh: TOM FAWTHROP

Ủy hội sông Mekong (MRC) gồm bốn nước thành viên Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định chính thức về dự án này vào ngày 19-4. Nhưng theo các chuyên gia và các nhà địa lý, nếu MRC thuận cho xây đập thì quyết định đó sẽ gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường sinh thái ở khu vực hạ lưu sông Mekong.

Ngừng xây đập “vô thời hạn”

Theo thiết kế, đập Xayaburi có khả năng sản xuất 1.285 MW điện và Thái Lan sẽ mua 90% lượng điện này.

“Đập Xayaburi sẽ tạo ra khủng hoảng sinh thái nghiêm trọng trên diện rộng. Chúng tôi kêu gọi thủ tướng các nước Lào và Thái Lan nên dừng dự án này”, theo Shalmali Guttal thuộc Tổ chức Trung tâm toàn cầu Nam, một thành viên trong số 263 tổ chức phi chính phủ từ 51 quốc gia phản đối dự án đập Xayaburi.

Ủy ban thẩm định kỹ thuật thuộc MRC cũng ủng hộ lời kêu gọi dừng xây đập Xayaburi của các tổ chức phi chính phủ. Sau khi thẩm định hồ sơ dự án đập Xayaburi của công ty xây dựng đập Ch Karnchang, các chuyên gia thuộc ủy ban này đánh giá dự án “không được nghiên cứu thấu đáo, không phù hợp”.

Ủy ban sông Mekong của Việt Nam cho rằng nên ngưng xây đập trên sông Mekong trong vòng 10 năm tới, còn Campuchia tỏ ra thật sự quan ngại về dự án đập Xayaburi.

Trong khi đó, với biện luận cho rằng “thủy điện là một nguồn năng lượng sạch nên cần được xúc tiến để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng”, Chính phủ Lào kiên quyết tiến hành xây dựng đập này dù có sự phản đối ngày càng tăng cao.

Nếu như vào ngày 19-4, Campuchia và Việt Nam kêu gọi Chính phủ Lào dừng dự án “vô thời hạn” để nghiên cứu nghiêm túc và thận trọng hơn các dữ liệu khoa học về đập Xayaburi thì MRC sẽ không có quyền phủ quyết.

Tiến sĩ Philip Hirsch, giám đốc Trung tâm nghiên cứu sông Mekong ở Úc, cho rằng đập Xayaburi sẽ phá hoại tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái ở vùng hạ lưu sông Mekong, làm giảm dòng nước mạnh giàu chất trầm tích và phù sa. Đập Xayaburi sẽ ngăn các dòng nước và làm biến đổi lộ trình di trú đi tìm thức ăn để sinh tồn của 70% các loài cá trên sông Mekong. Bên cạnh đó, nhiều loài sinh vật sẽ chết nếu thiếu những dòng chảy này.

Nghiêm trọng nhất là loài cá trê khổng lồ (Pangasianodon gigas), một loài cá hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, cộng với 41 loài cá di cư sẽ “không còn hi vọng sống sót” một khi đập Xayaburi hiện diện trên sông Mekong, như kết luận nghiên cứu của tiến sĩ Eric Baran, một chuyên gia nghề cá thuộc Trung tâm nghề cá quốc tế ở Phnom Penh.

Công ty Ch Karnchang, một công ty xây dựng hàng đầu ở Thái Lan, đã thông qua một công ty ở Bangkok để giúp dàn xếp trót lọt việc thẩm định tác động môi trường của dự án đập Xayaburi. Suốt sáu tháng qua, việc thẩm định tác động môi trường của dự án được giữ bí mật và chưa từng có hội ý công khai về dự án này. Đến cuối tháng 3, MRC mới công bố văn bản thẩm định kỹ thuật của các chuyên gia về đập Xayaburi cùng những tài liệu về tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của đập Xayaburi đối với sông Mekong.

MRC cũng chỉ ra nhiều chi tiết không rõ ràng và những lỗ hổng kiến thức trong tài liệu, văn bản dự án đập Xayaburi được Chính phủ Lào trình cho MRC trước đó. MRC kết luận dự án Xayaburi chưa cân nhắc kỹ lưỡng việc con đập này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và xã hội ở sông Mekong, “không đưa ra được những giải pháp thiết thực, hợp lý để giải quyết thiệt hại của ngành cá ở khu vực đập Xayaburi”.

Phải có trách nhiệm

Tuần rồi, nhiều tổ chức phi chính phủ ở Thái Lan cũng diễu hành dọc sông Mekong tại ba tỉnh Loei, Nong Khai và Ubon để phản đối dự án đập Xayaburi.

Một vài thành viên trong Chính phủ Thái Lan ủng hộ chiến dịch kêu gọi dừng xây dựng đập Xayaburi. Đập Xayaburi được xây ở Lào nhưng đội ngũ chuyên gia, tài chính, thiết kế đều từ Thái Lan. Dư luận nghi ngờ Chính phủ Thái Lan quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp tư nhân hơn là những chiến dịch phản đối việc xây dựng đập này vốn đang diễn ra mạnh mẽ ngay tại nước mình.

Bốn ngân hàng lớn của Thái Lan, trong đó Ngân hàng Bangkok và Ngân hàng thương mại Siam đã cho Ch Karnchang vay tiền để đầu tư xây dựng đập Xayaburi.

MRC được lập ra để thống nhất và đảm bảo quyền lợi cho bốn quốc gia thành viên trên sông Mekong và cũng công nhận sông Mekong là một con sông quốc tế phục vụ lợi ích cho tất cả các nước thành viên chứ không riêng gì một nước nào.

“Nhưng quốc gia thành viên phải có trách nhiệm từ bỏ một số quyết định và phải biết hợp tác chia sẻ tài nguyên để mang đến lợi ích thiết thực cho mỗi nước thành viên và bảo vệ sông Mekong” - tạp chí Nature dẫn lời ông Edward Grumbine, một chuyên gia chính sách môi trường thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc.

Tiến trình thu thập ý kiến của MRC đã dẫn đến sự tham gia của cộng đồng trong bảy cuộc gặp gỡ công khai ở Campuchia, Thái Lan và Việt Nam trong sáu tháng qua, nhưng tuyệt nhiên không có một cuộc thu thập ý kiến công khai nào được tổ chức ở Lào.

Tháng 10-2010, MRC kết luận “cần phải trì hoãn quyết định xây dựng những đập lớn trong khoảng thời gian 10 năm” vì có quá nhiều nguy cơ ảnh hưởng môi trường và kinh tế nghiêm trọng vượt quá khả năng giải quyết của các chính phủ”.

Nhiều nhà phân tích lo ngại Lào sẽ tiến hành xây dựng đập Xayaburi và phớt lờ các cảnh báo của MRC.

Pieter Jansen, người phát ngôn của một tổ chức phi chính phủ phản đối việc xây dựng đập Xayaburi, tuyên bố: “Nếu dự án này được tiến hành, MRC sẽ đánh mất uy tín và sự tin cậy của cộng đồng khi bất chấp sự phản đối của nhiều người”.

Sông Mekong đảm bảo giao thông và an ninh lương thực cho khoảng 65 triệu người, việc xây bất kỳ con đập nào trên sông Mekong cũng sẽ trở thành một thảm họa. Và thảm họa này sẽ biến sông Mekong thành một con sông “chết”, không còn dòng nước chảy, không còn cá...

TOM FAWTHROP (nhà báo Anh viết riêng cho Tuổi Trẻ)DUY PHÚC dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sông Mekong Xayaburi