14/05/2014 07:30 GMT+7

Phía sau ý đồ phô trương sức mạnh

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan và tàu chiến vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng còn nhằm mục đích che giấu những bất ổn, rối ren tại Trung Quốc.

Yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981Ô nhiễm không khí Trung Quốc đã đến mức “không thể chịu nổi60% nguồn nước ngầm Trung Quốc ô nhiễm nặng

ZbRFkJqO.jpgPhóng to
Hiện trường vụ việc được cho là tự thiêu gây cháy xe buýt ở thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên, miền tây nam Trung Quốc ngày 12-5, làm ít nhất 1 người thiệt mạng, 77 người bị thương. Nghi phạm là một thầy giáo từng mất việc cách đây 10 năm - Ảnh: Reuters

Năm 2012, Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) công bố báo cáo khẳng định Trung Quốc liên tục có các hành vi gây hấn trên biển Đông và biển Hoa Đông không chỉ để đòi chủ quyền vô lý mà còn nhằm “chuyển lửa ra bên ngoài”. Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu hụt hơi, nạn tham nhũng tràn lan, môi trường ô nhiễm trầm trọng, chính quyền Bắc Kinh muốn kích động xung đột bên ngoài để lái sự tập trung của dư luận ra khỏi những vấn đề trong nước. Đối với Bắc Kinh, sự ổn định trong nước luôn là ưu tiên hàng đầu.

Hai năm sau, phân tích của ICG vẫn còn nguyên giá trị. Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, mọi chỉ số kinh tế đều giảm sút. Dự báo GDP Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2014, sụt giảm rất nhiều so với thời kỳ tăng trưởng nóng trên hai chữ số vài năm trước. Với một quốc gia đông dân như Trung Quốc, sụt 1% GDP đồng nghĩa với việc hàng chục triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp.

Nạn ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc đang trở nên tồi tệ chưa từng thấy. Trong thời gian qua, hàng loạt thành phố lớn, trong đó có thủ đô Bắc Kinh, luôn phải sống trong tình trạng khói bụi tồi tệ. Việc phản ứng chống ô nhiễm ngày càng trở nên bạo lực. Mới đây nhất, gần 40 người đã bị thương trong cuộc biểu tình phản đối dự án xây dựng nhà máy đốt rác ở Hàng Châu.

Nhưng cơn đau đầu lớn nhất đối với chính quyền Bắc Kinh hiện là nguy cơ khủng bố nội địa. Điển hình là vụ lái xe đâm vào người đi bộ ngay tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hồi tháng 10-2013, vụ tấn công bằng dao ở Côn Minh khiến 29 người thiệt mạng và 143 người bị thương trong tháng 3. Rồi vụ kích nổ và đâm dao ở nhà ga thành phố Urumqi, thủ phủ Tân Cương ngay trong thời điểm Chủ tịch Tập Cận Bình đến vùng tự trị này...

Tâm lý lo sợ bất ổn của chính quyền Trung Quốc thể hiện rõ qua việc triển khai lực lượng cảnh sát vũ trang ở thủ đô Bắc Kinh từ ngày 12-5 để “chống khủng bố và bạo lực”. Thậm chí nhà chức trách buộc những người mua xăng phải công khai danh tính và giải thích lý do mua xăng để ngăn chặn nguy cơ “dùng xăng gây rối”. Ở một quốc gia mà hành động tiêu dùng thông thường như mua xăng cũng bị dò xét thì khó có thể tồn tại cái gọi là “xã hội phát triển hài hòa”.

Do đó, chính quyền Trung Quốc liên tục có những hành vi khiêu khích các nước láng giềng như chiếm bãi cạn Scarborough, chọc giận Nhật khi đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, và giờ là xâm phạm chủ quyền Việt Nam.

Chiêu thức thổi lửa xung đột ở bên ngoài sẽ giúp Bắc Kinh lái sự chú ý của dư luận ra khỏi những rối ren trong nước. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tâm lý “nạn nhân” đang tràn lan ở Trung Quốc, nên bất cứ xung đột bên ngoài nào cũng sẽ khiến người dân trở nên kích động, qua đó tạm quên đi những bức xúc chính đáng và sát sườn mà chính quyền không có cách giải quyết.

Vì vậy, có thể hiểu vì sao Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức cuộc họp báo ngày 8-5 với luận điệu là tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc dù giới truyền thông quốc tế đã có trong tay các bằng chứng ngược lại được phía Việt Nam cung cấp trước đó. Bởi truyền thông quốc tế không phải là đối tượng Bắc Kinh muốn nhắm tới. Đó là cách Bắc Kinh muốn người dân trong nước thấy rằng “chúng ta là nạn nhân, chúng ta bị xâm phạm” để kích động dư luận trong nước.

Ở Trung Quốc, chính quyền cấm hoàn toàn các trang mạng xã hội như Facebook hay Twitter, các kênh truyền thông nước ngoài cũng bị kiểm duyệt rất gắt gao. Thông thường người dân nước này chỉ biết đến các thông tin quốc tế qua ngõ Tân Hoa xã, Trung Quốc Nhật Báo, Nhân Dân Nhật Báo và đặc biệt là Thời Báo Hoàn Cầu. Sự bưng bít đã giúp Bắc Kinh “chuyển lửa ra bên ngoài” nhưng ít bị phản đối từ bên trong.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên