25/04/2014 08:05 GMT+7

Chuyển dịch giữa các đồng minh

HOÀNG THẮNG
HOÀNG THẮNG

TT - Mặc dù mùa thu tới ông Obama mới thăm Bắc Kinh, nhưng tại các cuộc gặp lãnh đạo bốn nước châu Á lần này, quan hệ với Trung Quốc được cho là vấn đề được đặt lên hàng đầu.

Tổng thống Mỹ khẳng định cam kết bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư Tổng thống Mỹ sẽ thăm 4 nước châu Á trong tháng 4 Mỹ cam kết bảo vệ Nhật trước Trung Quốc

Chuyến đi “lên dây cót” này được đặt ra vì ngày càng có nhiều quan ngại về một Trung Quốc đang quẫy mạnh và những đồn thổi về “tâm” cũng như “lực” của Mỹ đang bị phân tán.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của chuyến công du là rộng lớn và bao quát hơn bất cứ một mục tiêu cụ thể nào. Ông Obama có trách nhiệm thuyết phục, không chỉ bằng lời nói, cả đồng minh lẫn đối thủ, rằng “xoay trục” là một chính sách bài bản, có ý nghĩa răn đe, nhưng đồng thời cũng mang tính xây dựng.

Các chủ nhà lẫn quốc khách đều không đặt ra mục tiêu cụ thể nào ở cả bốn quốc gia. Nhưng tất cả bốn chính phủ đều đề cao tính biểu tượng của vòng công du. Nhật muốn được Mỹ giúp tăng thêm uy tín trong chương trình giải thích lại bản hiến pháp để mở rộng khả năng phòng thủ đất nước. Gác bất đồng, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể ngồi lại với nhau vì chuyện lớn hơn. Philippines, Malaysia và một số thành viên ASEAN phần nào an tâm hơn khi Mỹ và Nhật tuyên bố sẽ giúp Đông Nam Á xây dựng năng lực giám sát biển, qua việc cung cấp tàu tuần tra và huấn luyện các lực lượng tuần duyên.

Bước ngoặt quan trọng trong nhận thức về an ninh vùng được xem xét trở lại thời điểm 2010-2011, khi mà cả Nhật lẫn Mỹ đều thay đổi cách nhìn đối với nguy cơ đe dọa hòa bình/ổn định ở Đông Á, tức là cả Đông Bắc Á lẫn Đông Nam Á.

Tháng 12-2010, lần đầu tiên bản dự thảo kế hoạch quốc phòng của Nhật công khai nói tới mối đe dọa do sự bành trướng quân lực của Trung Quốc. Bạch thư nêu rõ: “Trung Quốc dùng vũ lực thay đổi nguyên trạng, trái với trật tự hiện hành được duy trì bằng luật pháp quốc tế”. Ý tứ này được nhấn mạnh chắc không chỉ vì những đòi hỏi của Bắc Kinh đối với quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư, mà còn vì những căng thẳng ngày càng tăng trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và cả “đường chín đoạn” vẽ ra ở biển Ðông.

Thế rồi Mỹ triển khai tuyên bố trở lại châu Á, đặc biệt bà ngoại trưởng Hillary Clinton còn nhấn mạnh: Mỹ trở lại và ở lại! Nghịch lý là chiến lược này ra đời mấy năm qua nhưng sự đón nhận vẫn còn một số lẫn lộn, từ đối thủ đến đồng minh, thậm chí ngay cả trong lòng nước Mỹ. Vì vậy, chuyến công du của ông Obama tới bảy quốc gia: bốn trong tuần này rồi Trung Quốc, Myanmar và Úc mùa thu tới là một quyết định đúng lúc, đúng chỗ.

Ở mỗi chặng, ông Obama sẽ nhấn mạnh từ nay Mỹ nỗ lực kiến tạo lên “mạng lưới các liên minh” hơn là chú tâm đến các liên minh tay đôi. Chính mạng lưới đa phương là nền tảng để “tái cân bằng” chiến lược của Mỹ ở khu vực. Và chủ nghĩa đa phương này đã được đi trước một bước bằng các chế độ thương mại tự do, các hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) và bằng cách đa dạng hóa các dàn xếp an ninh.

Chuyển dịch ở đây không chỉ là sự thuyên chuyển về quân lực, mà còn là thay đổi cách tiếp cận, chuyển dịch tư duy về an ninh, về đồng minh lẫn đối thủ. Xoay trục đồng thời diễn ra trên nhiều kênh, từ an ninh đến kinh tế, từ văn hóa đến biến đổi khí hậu... Chuyển dịch không chỉ là sang Thái Bình Dương mà còn là chuyển dịch giữa các đồng minh/đối tác của Mỹ ngay trong lòng chảo Thái Bình Dương.

Hẳn nhiên các biện pháp quân sự được ưu tiên cho đến năm 2020. Hạm đội 7 của Mỹ vẫn là lực lượng chủ công. Với sáu hàng không mẫu hạm, mỗi chiếc đi kèm theo hàng trăm tàu chiến, hơn 2.000 máy bay và 125.000 quân, hạm đội Thái Bình Dương đang đồn trú tại các căn cứ từ Hàn Quốc qua Nhật, được phép sử dụng các cảng ở Ðài Loan, Philippines, Úc, Singapore và các nước thân thiện ở Đông Nam Á.

HOÀNG THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên