10/03/2013 08:03 GMT+7

Trung Quốc nói rất hay

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Theo Tân Hoa xã, sáng 9-3 tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu về chính sách ngoại giao và quan hệ đối ngoại trong khuôn khổ kỳ họp lưỡng hội năm 2013.

Cuộc họp có sự tham gia của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tần Cương. Rất đông nhà báo đã có mặt tại buổi họp báo có thể là cuối cùng của ông Dương trên vai trò ngoại trưởng.

SfUdM7cL.jpgPhóng to
Bão cát lại bao phủ Bắc Kinh. Ảnh chụp trước Đại lễ đường nhân dân vào ngày 9-3. Chất lượng không khí tại Bắc Kinh gần đây càng thêm xuống cấp do bão cát và sương mù dày đặc - Ảnh: Reuters

Ông Dương đã đề cập nhiều vấn đề từ quan hệ với các cường quốc khác lẫn vấn đề trong khu vực. “Trong thế kỷ 21 ngày nay, khi thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề và những thách thức, Trung Quốc và Mỹ luôn cần ứng xử một cách khôn ngoan, không nên vì những điểm bất đồng mà làm ảnh hưởng đến đại cục”. Ông Dương cho rằng Mỹ cần giải quyết ổn thỏa các vấn đề nhạy cảm, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan. “Chúng tôi hi vọng Mỹ sẽ đi trên cùng một con đường với Trung Quốc, dốc sức xây dựng mối quan hệ mới mẻ hơn giữa hai nước lớn Trung - Mỹ”. Theo ông Dương, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực mà lợi ích của hai nước Trung - Mỹ đụng chạm thường xuyên nhất. “Chúng tôi hi vọng Mỹ phát huy tính xây dựng tại khu vực này, đồng thời Mỹ cần tôn trọng lợi ích và những vấn đề mà Trung Quốc quan tâm”.

Một mặt vuốt ve, một mặt nhắc nhở Mỹ, ông Dương đồng thời cũng công bố chuyến công du đầu tiên của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là... châu Phi và Nga. Đối với “điểm đến” châu Phi, ông Dương không ngại nhắn nhủ rằng Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng mạnh hơn nữa ở châu lục vốn bị các cường quốc Âu - Mỹ bỏ bê trong thời gian dài vừa qua.

Với Nga, ông Dương muốn khẳng định về quan hệ tốt giữa “hai láng giềng lớn” và muốn hai nước “nắm bắt cơ hội để thúc đẩy mạnh hơn và mới hơn mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Dương cũng thừa nhận trong những năm gần đây, mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng đang trở nên phức tạp. “Tôi từ nhỏ đã thích chơi cờ. Cờ vây, cờ tướng tôi đều đã học qua. Bởi thế tôi hiểu một điều rằng chơi cờ cần xem trọng đại cục”.

Ông Dương cho biết khi xem xét tình hình cần xem xét đến đại cục, xem đâu là vấn đề chính, biết nhìn xa trông rộng. “Tục ngữ có nói, có láng giềng tốt là có bảo vật vô giá. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên trì xem các nước láng giềng là đối tác, thân thiện với các nước láng giềng. Người châu Á thông minh, không kém cỏi hơn những người khác tí nào. Rất nhiều nước nhận thấy rõ ràng các lợi ích của nước họ và khu vực của họ. Họ nhận thấy rằng việc hợp tác với Trung Quốc là rất thực tế, dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”.

Về vấn đề tranh chấp với các nước khác, ông Dương nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi về chủ quyền lãnh thổ quốc gia luôn kiên định. Đồng thời chúng tôi cũng thông qua đàm phán để giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp. Ý nguyện bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực của chúng tôi là rất chân thành”.

Nhưng về vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư, ông Dương Khiết Trì cho biết Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc. Ông tố cáo Nhật cướp đoạt và chiếm cứ quần đảo này. “Cục diện hiện tại chính là do Nhật tạo ra”. Và ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng Nhật - Trung cần thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề, nhằm tránh tình trạng căng thẳng leo thang.

Biên đội tàu hải giám Trung Quốc lại xâm phạm biển Đông

Trong khi ông Dương Khiết Trì nói rất hay về “đại cục” thì hôm qua 9-3, biên đội tàu hải giám của Trung Quốc đã tập trung tại đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để bắt đầu thực hiện cái gọi là “tuần tra định kỳ bảo vệ hải đảo” tại biển Đông trong tám ngày (từ 9 đến 16-3).

Theo Tân Hoa xã, đội tàu trên gồm ba tàu hải giám 83, 262 và 263 xuất phát tại cảng Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam lúc 17g50 ngày 8-3. Tàu hải giám 83 có trang bị trực thăng hải giám B-7103 được xem là chiếc tàu công vụ tiên tiến nhất của Trung Quốc.

Ông Trần Hoài Bắc, tổng chỉ huy biên đội hải giám này, cho biết đây là lần đầu tiên các tàu và trực thăng cùng một lúc được điều động tuần tra khu vực quần đảo Hoàng Sa kể từ khi thành phố Tam Sa được thành lập trái phép hồi tháng 7-2012. Nhiệm vụ của đội tàu này là kiểm tra các hòn đảo, tài nguyên biển, hệ sinh thái và lập hồ sơ cho từng đảo.

Trong ngày 8-3, Trung Quốc cũng điều tàu ngư chính hiện đại nhất của tỉnh Quảng Đông mang số hiệu ngư chính 44608 đến bảo vệ quyền lợi ngư nghiệp tại bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền.

Báo Chiều Dương Thành ngày 8-3 cho biết Cục Ngư chính khu vực Nam Hải mới đây cũng đã tổ chức hội nghị bảo vệ quyền ngư nghiệp tại Nam Hải (cách Trung Quốc gọi biển Đông). Hội nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 là bảo vệ bãi cạn Scarborough, giữ chặt bãi đá Vành Khăn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, triển khai việc tuần tra thường xuyên tại khu vực quần đảo Trường Sa và giám sát thường xuyên khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Theo Cục Ngư chính khu vực Nam Hải, toàn bộ 21 chiếc tàu ngư chính cùng hơn 3.000 nhân viên chấp pháp ngư chính thuộc tổng đội Nam Hải ngư chính Trung Quốc và đội ngư chính thuộc ba tỉnh (khu vực) Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam sẽ luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó với mọi yêu cầu.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên