Phóng to |
Mở đầu buổi điều trần, ông Panetta cho biết ông hiểu công luận “chóp bu” ở Mỹ hiện ra sao: “Tôi biết một số thành viên tiểu ban đang quan ngại không biết những gì chúng ta đang làm có đủ để ngăn chặn bạo lực ở Syria hay không - quan ngại này dễ hiểu. Một số khác lo ngại những hiểm nguy mà chúng ta có thể dính vào một cuộc xung đột khác nữa trong vùng đất này của thế giới - quan ngại này cũng dễ hiểu”.
Sau đó, ông giải thích quan điểm chung của Chính phủ Mỹ về vấn đề các nước Ả Rập như sau: “Chúng tôi từng tỏ rõ thái độ của chúng tôi dựa trên ba nguyên tắc cơ bản là: (1) chống lại việc sử dụng bạo lực và đàn áp dân chúng, (2) hậu thuẫn việc thực thi nhân quyền phổ quát, (3) hậu thuẫn các cải cách chính trị và kinh tế có thể đáp ứng khát vọng chính đáng của người dân”.
Theo ông, việc thực thi ba điểm trên trong trường hợp Syria và Tổng thống Bashar al-Assad là không đơn giản và không có giải pháp chóng vánh. “Giải pháp tốt nhất cho khủng hoảng Syria sẽ là một sự chuyển tiếp ôn hòa, chính trị, dân chủ do dân chúng Syria thực hiện và tuân theo các đường lối do Liên đoàn Ả Rập đề xuất” - ông Panetta nói.
Nay đã đến lúc phải thay đổi thái độ, từ hòa hoãn “chuyển tiếp” sang tấn công ông Assad? Ông Panetta nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng vẫn còn một cơ hội để đạt mục tiêu trên. Tuy rằng chúng tôi không loại trừ bất cứ diễn biến hành động nào, song chính quyền Mỹ hiện đang chú tâm đến cách tiếp cận ngoại giao và chính trị hơn là can thiệp quân sự”.
Đến đây, ông Panetta trình bày các bước chi tiết: (1) xây dựng một sự đồng thuận quốc tế, đa phương đối với bất cứ hành động nào (dự kiến) áp dụng. (2) duy trì sự hậu thuẫn rõ ràng của thế giới Ả Rập. (3) Mỹ góp phần cụ thể vào nỗ lực quốc tế. (4) hội đủ một cơ sở pháp lý rõ rệt cho bất cứ hành động nào. (5) duy trì mọi giải pháp chọn lựa lên bàn, song cần nhìn nhận tính hạn chế của lực lượng quân sự, đặc biệt khi quân Mỹ phải đặt chân đến đó.
Nói theo kiểu người Mỹ, thông điệp của Bộ trưởng Leon Panetta trước tiểu ban quân vụ Thượng viện Mỹ là “rõ ràng, trong suốt như pha lê”. Chính quyền Obama không muốn “xé rào” hành động đơn phương như chính quyền Bush đã làm ở Iraq, và khả năng này là “vô phương” đối với Mỹ hiện nay.
Tiếp sau phần điều trần của ông Panetta, Tổng tham mưu trưởng quân lực Mỹ Martin E. Dempsey chỉ có thể phụ họa trong cương vị người lính như một thứ thiên lôi: “Nếu quân đội được gọi để đảm bảo lợi ích của Mỹ bằng những cách thức khác, chúng tôi sẽ sẵn sàng”.
Phát biểu của “thiên lôi” Dempsey là một phát biểu “sẵn sàng” như có thể “sẵn sàng” cho mọi cuộc khủng hoảng khác, ở eo biển Hormuz, ở biển Đông, ở ngoài khơi Somalia...
Nội dung cuộc điều trần của Bộ trưởng quốc phòng Panetta đã quá rõ ràng: nay không hề là thời điểm cho một phiêu lưu quân sự, từ Iran đến Syria. Nhất là khi mới đây trước Ủy ban quan hệ Mỹ - Do Thái, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh: “Là tổng tư lệnh quân lực Mỹ, tôi từng phái nam nữ thanh niên đi vào con đường thương tổn đó. Tôi nhìn thấy hậu quả của những quyết định đó trong mắt những người tôi đã gặp khi họ trở về với đầy thương tích, và trong sự vắng mặt của những ai không trở về. Sau này khi tôi rời nhiệm sở, tôi sẽ còn nhớ những giây phút héo hon nhất đó trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi. Chính vì lý do đó, và đây cũng là một phần trọng trách của tôi đối với dân chúng Mỹ, tôi sẽ chỉ sử dụng vũ lực khi đến lúc và tình thế đòi hỏi”.
Khó có thể khiến ông Obama đổi ý từ nay đến bầu cử.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận