09/05/2011 08:10 GMT+7

Báo chí trong sự kiện Bin Laden: "Quá ít sự thật, quá nhiều tưởng tượng"

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Tựa đề trên là của một bài viết trên tờ Spiegel của Đức để cho thấy “nỗi đau khổ” của báo chí trong những ngày đầu tiên khi Chính phủ Mỹ thông báo đã tiêu diệt Bin Laden cách nay một tuần.

0mVWPhbU.jpgPhóng to

Tổng thống Mỹ Barack Obama (thứ hai từ trái sang), Phó tổng thống Joe Biden (bìa trái) cùng các quan chức an ninh theo dõi chiến dịch tiêu diệt Osama Bin Laden từ Nhà Trắng ngày 1-5 - Ảnh: Reuters

“Nỗi đau khổ” này trước hết là cứ phải “nói lại” liên tiếp theo nhịp với việc “nói lại” của các quan chức chính quyền Mỹ hay người phát ngôn Nhà Trắng.

1 Có lẽ rất ít sự kiện trên thế giới chỉ trong vòng một thời gian cực ngắn (một tuần), báo chí đã phải “nói lại” tới bốn lần các chi tiết liên quan tới việc tiêu diệt Bin Laden mà vẫn chưa biết là đã chính xác chưa. Vì không có ai khác, ngoài Chính phủ Mỹ, nắm được vụ đột kích ở thành phố giáp biên giới Pakistan - Afghanistan nên giới truyền thông đành “nghe sao nói vậy” mà không có được các nguồn tin khác để kiểm chứng hay không có bằng chứng để xác minh tính chân thật của sự kiện.

Vì gấp rút, các kênh truyền hình đã nhầm lẫn tên Osama với Obama, chạy những hàng chữ lớn như “Obama Bin Laden (is) dead” (Obama Bin Laden đã chết). Tai nạn này đã xảy ra với ABC News, BBC hay các phát thanh viên của MSNBC.

Công chúng luôn đặt câu hỏi “đâu là sự thật” khi tiếp nhận những thông tin từ giới truyền thông chính thống. Theo lý thuyết, ngoài tính độc lập, báo chí phải đưa sự thật, và sự thật đó - như các tiêu chuẩn nghề nghiệp đòi hỏi - chỉ có nếu có đủ bằng chứng hoặc phóng viên tận mắt chứng kiến, hoặc có ít nhất ba nguồn tin xác nhận.

Nhưng những nguyên tắc tác nghiệp báo chí đã bị bỏ qua khi truyền thông truyền thống không làm công việc xác minh, tìm bằng chứng, nhân chứng để đưa cho công chúng thông tin chính xác. Liệu những gì Chính phủ Mỹ tuyên bố có thật sự thuyết phục? Những mập mờ, úp mở của Chính phủ Mỹ quanh sự kiện Bin Laden đang nuôi dưỡng quá nhiều tin đồn mà như một thẩm phán Mỹ nói: “Chỉ có ánh sáng mới là chất tẩy uế tốt nhất”.

2 “Nỗi đau khổ” kế tiếp của báo chí, qua sự kiện Bin Laden, là đã bị sa ngã trước cơn cám dỗ về tốc độ thông tin để rồi bị lôi cuốn vào một cuộc chạy đua tốc độ đầy nguy hại về chuẩn mực nghề nghiệp.

Trong khi thế giới vẫn chưa thật sự tin Bin Laden đã chết thì bản tin ngày 7-5 trên BBC, “Al Qeada” đã đưa lên một diễn đàn thánh chiến thừa nhận Bin Laden đã chết mà cũng chưa có ai khẳng định đó là “Al Qeada” thật. Từ khi nào, “một diễn đàn” với những thành viên có thể ẩn danh - vốn không đòi hỏi phải chính xác và có trách nhiệm của người đăng tải - đã trở thành nguồn tin được trích dẫn trên báo chí chính thống?

Kelly McBride, chuyên gia tin tức của Viện Nghiên cứu báo chí Poynter (Mỹ), cho rằng trong đưa tin, tốc độ (và thường đi kèm với sai sót) không phải là quan trọng nhất nữa, vì “ai là người trả lời những câu hỏi quan trọng nhất của độc giả mới là quan trọng hơn”. Mạng xã hội như Twitter có thể phát tán thông tin, nhưng đi kèm đó cũng là nhiều thông tin sai lệch. Với rất nhiều hãng tin, tính chính xác vẫn được đặt lên trên tốc độ tin tức.

Và đó mới là điều làm nên chỗ đứng không thể thay thế được của báo chí truyền thống trong xã hội, với sứ mệnh đưa tin “chính xác, công bằng, khách quan” của mình. Vì vậy báo chí truyền thống không chết trước sự cạnh tranh của truyền thông xã hội. Nó chỉ chết (và nên chết) nếu không duy trì được các nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp vốn tạo những đặc ân, uy tín và vị trí của nó trong xã hội.

Ngày 6-5, một website chuyên theo dõi tính trung thực của báo chí Mỹ (AIM - Accuracy in Media) đã vạch ra rằng bức ảnh chụp êkip Nhà Trắng nín thở theo dõi cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden là một bức ảnh được dàn dựng!

Don Irvine, chủ tịch AIM, đã đặt tựa đề cho bài viết của mình là Thất vọng: bức ảnh chụp phòng tác chiến đã bị dàn dựng. Theo tác giả, bức ảnh êkip an ninh quốc gia của Tổng thống Obama đang theo dõi cuộc đột kích vào tòa nhà của Bin Laden thật ra không phải như người ta đã thấy.

Theo Don Irvine, qua tiết lộ với tờ The Telegraph, giám đốc CIA Leon Panette đã thừa nhận rằng làm gì có trực tiếp truyền hình cuộc đột kích do lẽ các camera gắn trên nón sắt của các lính biệt kích hải quân đều đã bị tắt hết. Trả lời phỏng vấn trên truyền hình PBS, ông Leon Panetta cũng cho biết: ”Khi toán đột kích bước vô mục tiêu, tôi có thể nói trong suốt quãng thời gian từ 20-35 phút, chúng tôi thật sự không biết chính xác điều gì xảy ra. Những lúc căng thẳng là những lúc mà chúng tôi đợi tin. Chúng tôi có quan sát đôi chút vụ đột kích vào lúc tiếp cận mục tiêu, còn thì không có thông tin trực tiếp gì về diễn biến chiến dịch đang xảy ra trong tòa nhà”.

Từ các thú nhận của giám đốc CIA, Don Irvine kết luận: ”Nếu sự thể là như vậy thì êkip an ninh quốc gia lúc đó đang nhìn vào cái gì vậy? Chẳng qua chỉ là một bức ảnh do Nhà Trắng dàn dựng nhằm tạo tác động sân khấu và tác động đó đã rền vang khắp thế giới”.

Website của Nhà Trắng đã công bố bức ảnh này, do nhiếp ảnh gia Pete Souza của Nhà Trắng chụp ngay sau đêm chủ nhật đó cùng với phát biểu của Tổng thống Obama khi loan báo chiến thắng: ”Tôi đã chỉ thị cho giám đốc CIA ưu tiên xem xét việc giết hoặc bắt sống Bin Laden. Theo chỉ thị của tôi, cuộc hành quân nhắm vào hang ổ của Bin Laden đã được khởi động“.

Vấn đề ở chỗ không ai cho biết gì về chi tiết “tắt camera” khi công bố bức ảnh này, nên cả làng báo cứ đinh ninh là êkip Nhà Trắng đã nín thở theo dõi nội vụ từ đầu đến đuôi. Và báo chí Mỹ “vô tư” đăng bức ảnh, không ghi nguồn là Nhà Trắng. Báo chí thế giới khi đăng lại cứ thế dẫn nguồn các báo Mỹ đó, như thể các báo Mỹ đã có mặt đông đủ ở phòng tình hình và chứng kiến tất cả.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên