17/06/2014 09:18 GMT+7

Tại sao phải tiếp tục tìm chuyến bay MH370?

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Hôm qua là tròn 100 ngày kể từ khi chiếc Boeing MH 370 biến mất. Liệu cuộc tìm kiếm sẽ kéo dài trong bao lâu nữa và tại sao lại phải tiếp tục nỗ lực tìm kiếm?

Người nhà nạn nhân MH370 huy động 5 triệu USD treo thưởng Tín hiệu “ping” không phát ra từ MH370Malaysia công bố dữ liệu vệ tinh về MH370

IqS6yTRj.jpgPhóng to
Thân nhân các hành khách làm lễ cầu nguyện ở một ngôi đền tại Bắc Kinh hôm 15-6 - Ảnh: Reuters

Hãng tin CNN đã phỏng vấn các chuyên gia hàng không để trả lời câu hỏi này.

An ninh hàng không

Bà Mary Schiavo, cựu thanh tra Bộ Giao thông Mỹ, cho biết cần phải tìm thấy máy bay MH370 để xác định xem liệu có phải lỗi cơ khí gây ra tai nạn hay không. “Nếu đây là một lỗi cơ khí thì chúng ta phải tìm ra xác máy bay, nếu không chúng ta sẽ không thể cải thiện an toàn hàng không” - bà Schiavo nhấn mạnh.

“Biết rõ điều gì đã xảy ra và những gì có thể làm được để ngăn chặn thảm họa là cực kỳ quan trọng. Bởi thông thường các cơ quan hàng không khi đưa ra khuyến nghị thường không được lắng nghe” - chuyên gia David Soucie, cựu thanh tra Cục Hàng không liên bang Mỹ, cho biết.

Sau vụ tai nạn của chuyến bay Air France 447, đâm xuống biển tháng 6-2009 khiến 228 người thiệt mạng, các đội tìm kiếm chỉ phát hiện hộp đen vào tháng 5-2011. Ban đầu chính quyền Pháp đề xuất nâng thời gian pin hộp đen hoạt động từ 30 ngày lên 90 ngày, nhưng đến năm 2011 thì những nỗ lực thay đổi đã hụt hơi.

Dù vậy vụ tai nạn đó đã dẫn tới những thay đổi trong công tác đào tạo phi công và Airbus cũng lắp một cảm biến mới vào buồng lái máy bay. “Tôi lo ngại rằng nếu mất quá nhiều thời gian để tìm MH370, mọi người sẽ không còn quyết tâm thay đổi nữa” - chuyên gia Soucie cảnh báo. Các chuyên gia khác cũng cho rằng cần tìm gấp MH370 để ngăn chặn những tai nạn tương tự xảy ra.

Ai chịu trách nhiệm?

Theo một thỏa thuận quốc tế giữa các nước, có những quy định nhất định về việc quốc gia nào chỉ đạo một chiến dịch tìm máy bay mất tích. Đứng đầu trong vụ này là Malaysia, nhưng nước này được phép mời các quốc gia khác tham gia nỗ lực tìm kiếm. Đầu tháng 4, Úc chấp nhận lời mời chỉ đạo cuộc tìm kiếm chuyến bay MH370.

Các chuyên gia đánh giá Malaysia đã làm đúng bởi đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và tốn kém. Cuộc tìm kiếm chuyến bay 447 của Air France kéo dài hai năm, tốn 40 triệu USD. Trong khi đó cuộc điều tra chuyến bay 800 của Trans World Airline rơi ở Đại Tây Dương năm 1996 tốn hơn 50 triệu USD.

Dù Malaysia đã chuyển giao trách nhiệm lãnh đạo cuộc tìm kiếm cho Úc, nhưng nước này vẫn phải chịu trách nhiệm điều tra nguyên nhân tai nạn. Đây là điều khiến chuyên gia Soucie lo ngại.

“Khi tìm thấy máy bay, Malaysia sẽ điều tra nguyên nhân tai nạn và sẽ có rất nhiều ẩn số xuất hiện, kể cả khi đã có máy bay trong tay. Việc xác minh đến cùng nguyên nhân tai nạn không đến từ cuộc tìm kiếm mà đến từ cuộc điều tra sau đó” - chuyên gia Soucie cho biết.

Câu trả lời cho gia đình các nạn nhân

Hơn ba tháng sau khi giã biệt người thân, gia đình các hành khách chuyến bay MH370 vẫn đang sống trong tâm trạng đảo lộn. “Đối với chúng ta thì bí ẩn này gây khó chịu và thất vọng, nhưng với các gia đình thì đó là cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt” - chuyên gia David Gallo, người từng tham gia cuộc tìm kiếm chuyến bay 447 của Air France, cho biết.

Các gia đình muốn có một câu trả lời rõ ràng về số phận người thân của họ để thôi hi vọng và đợi chờ vô vọng. Ngoài ra còn có vấn đề bồi thường. Hiện tại chưa ai công nhận các hành khách chuyến bay MH370 đã thiệt mạng. Malaysia Airlines đã bồi thường 50.000 USD cho gia đình mỗi hành khách và cho biết sẽ quyết định về số tiền bồi thường cuối cùng.

Chuyên gia Schiavo cho biết theo Hiệp ước hàng không quốc tế, mỗi gia đình có quyền nhận 176.000 USD trước khi có bằng chứng cho thấy các hành khách đã thiệt mạng. Nhiều khả năng Malaysia Airlines sẽ phải trả thêm tiền trong vụ này.

“Việc Malaysia Airlines tuyên bố trả cho gia đình mỗi hành khách 50.000 USD là điều không thể chấp nhận được. Hiệp ước hàng không đã đề ra mức tiền bồi thường cụ thể” - chuyên gia Schiavo nhấn mạnh. Các luật sư cho rằng gia đình các hành khách hoàn toàn có thể khởi kiện Malaysia Airlines.

Thiếu niềm tin?

Cuộc điều tra càng kéo dài thì niềm tin của dư luận đối với chính phủ các nước càng giảm sút. “Nhưng tôi mong mọi người hiểu rằng hiện có quá ít thông tin và nhà chức trách cũng không thể làm được gì nhiều” - chuyên gia Soucie cho biết.

Bà Sarah Bajc, có chồng là một hành khách trên chuyến bay MH370, bức xúc: “Tôi và gia đình các hành khách đã quá mệt mỏi và thất vọng. Nhà chức trách đã thất bại. Họ gây thất vọng cho công chúng. Họ cho phép một chiếc máy bay khổng lồ biến mất và không thể tìm ra. Đó là điều không thể chấp nhận được”.

Ông Angus Houston, người đứng đầu chiến dịch tìm kiếm của Úc, bày tỏ sự thông cảm: “Chúng tôi hiểu rõ những khó khăn mà các gia đình phải đối mặt. Họ không có câu trả lời cuối cùng. Họ muốn tìm thấy máy bay và sẽ làm tất cả để làm được điều đó. Nếu tôi là họ thì tôi cũng có cảm giác như vậy”.

Cuộc tìm kiếm sẽ còn kéo dài

Khu vực tìm kiếm là một đại dương rộng lớn, nhưng chuyên gia David Gallo tin rằng nhà chức trách sẽ sớm tìm ra chiếc máy bay mất tích. Phần lớn các chuyên gia đều đánh giá đây là khu vực tìm kiếm chính xác.

Nhưng chiến dịch tìm kiếm càng kéo dài thì nguồn tiền sẽ càng giảm đi và đến lúc nào đó nhà chức trách sẽ phải dừng các nỗ lực tìm kiếm. Khi đó theo yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế, họ sẽ phải công bố mọi thông tin về chiến dịch tìm kiếm.

“Đến khi đó các gia đình và nhiều tổ chức sẽ sử dụng những thông tin đó để tự đi tìm. Sẽ phải chờ xem liệu nhà chức trách có thực sự cởi mở và cung cấp mọi thông tin cho công chúng hay không” - bà Schiavo đặt câu hỏi.

Ông Gallo cho rằng cần phải tìm thấy máy bay càng nhanh càng tốt bởi mọi bằng chứng có thể sẽ bị môi trường bào mòn. “Chúng ta phải hiểu điều gì đã xảy ra vì lợi ích của các gia đình, của hàng triệu người bay trên bầu trời mỗi ngày và của ngành hàng không. Chiếc máy bay có thể là một hiện trường tội ác và nhân chứng duy nhất là các hộp đen”.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên