Kỳ 1: Một đám tang nhà họ Chu Kỳ 2: Con lươn và mỏ dầu Kỳ 3: Bí ẩn “hậu cung”
Lưu Hán (giữa) tại tòa án Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc hôm 31-3 - Ảnh: weibo |
Tuy chưa được chính thức công bố, nhưng thông tin về việc điều tra Chu Vĩnh Khang đã lan truyền trên khắp các diễn đàn ở Trung Quốc và báo chí thế giới. Sự việc không những ảnh hưởng đến Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) mà còn gây rúng động Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Bộ Công an, Ủy ban Chính pháp trung ương.
Môn đăng hộ đối
“Lưu Hán tôi trước nay luôn thắng, Lưu Hán chưa bao giờ thất bại” - đó là câu nói cửa miệng của trùm mafia Tứ Xuyên Lưu Hán, người được “thương nhân bí ẩn Chu Bân” bảo trợ. Nhờ thế lực của Chu Bân, trong suốt một thập kỷ, Lưu Hán tha hồ tung hoành tại Tứ Xuyên mà không sợ bất cứ ai, từ giới truyền thông, cảnh sát cho đến tòa án. Đối với giới kinh doanh ở Tứ Xuyên, Lưu là một tay bố già khét tiếng trong vùng.
Đùng một cái, vào cuối năm 2013, thương nhân Chu Bân, con trai “cụ” Chu Vĩnh Khang, bị bắt giữ. Thông tin tạo ra một cơn địa chấn lớn trong giới truyền thông trong và ngoài Trung Quốc. Thời điểm bấy giờ người dân Trung Quốc ít ai biết đến Chu Bân, nhưng họ không thể không biết cha của Chu Bân, người mà cách đó một năm vẫn ngày ngày xuất hiện trong các bản tin phát sóng toàn quốc của Đài truyền hình trung ương CCTV.
Chu Bân sinh năm 1972, là con trai lớn của Chu Vĩnh Khang. Chu Bân không theo nghiệp chính trị của cha, nhưng vẫn được nguyên phó tổng giám đốc CNPC Lý Hoa Lâm (khi ấy còn là thư ký của Chu Vĩnh Khang) sắp xếp vào học tại Trường đại học Dầu khí Tây Nam (Tứ Xuyên). Năm 21 tuổi, Chu sang Mỹ học thạc sĩ tại một trường đại học dầu khí ở Texas. Tại đây, Chu gặp cô gái có cặp mắt to tròn và khuôn mặt sáng Hoàng Uyển, tiểu thư của một gia đình danh giá trong ngành dầu khí.
Nguồn tin báo điện tử Tài Tân cho biết Hoàng Uyển (hay còn gọi là Fiona) sinh năm 1971, quốc tịch Mỹ, là cháu nội của nhà địa chất học Hoàng Cập Thanh - người được mệnh danh là “ông tổ của ngành dầu mỏ Trung Quốc” do có công lớn trong việc phát hiện mỏ dầu Đại Khánh. Hoàng Uyển theo gia đình định cư ở Mỹ lúc cô 15-16 tuổi. Quan hệ sui gia thật “môn đăng hộ đối” giữa một bên là con trai của “ông trùm ngành dầu khí” và một bên là cháu gái của “ông tổ ngành dầu mỏ”.
Những hợp đồng béo bở
Từ năm 2000, vợ chồng Chu Bân bắt đầu hướng tầm nhìn đến các mục tiêu kinh doanh ở Trung Quốc và thường xuyên trở về Bắc Kinh. Năm 2004, bà Chiêm Mẫn Lợi, mẹ vợ của Chu Bân, thành lập Công ty năng lượng Trung Húc Dương Quang. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, công ty này giành được nhiều hợp đồng béo bở từ CNPC, trong đó có đơn hàng 8.000 trạm xăng bán lẻ. Với sự giúp sức của cựu cán bộ CNPC Mễ Hiểu Đông, công ty này giành được quyền khai thác hai mỏ dầu thuộc sở hữu của CNPC với giá rẻ mạt, sau đó bán lại với giá cao để thu lợi.
Vào thời điểm này, Chu Bân không trực tiếp nhúng tay vào phi vụ kinh doanh của nhà vợ. Các dự án đều do mẹ vợ Chiêm Mẫn Lợi, vợ Hoàng Uyển, bạn học Mễ Hiểu Đông, thương gia Ngô Binh đứng ra dàn xếp. Nguồn tin từ Tài Tân cho biết lúc còn nhậm chức tại Tứ Xuyên, Chu Vĩnh Khang từng cấm con trai đứng mũi chịu sào trong việc kinh doanh. Có lẽ đây là lý do vì sao Hoàng Uyển luôn là người nắm hầu hết cổ phần trong các công ty năng lượng do Chu Bân thành lập.
Mãi đến năm 2009, Chu Bân mới nhận 16 triệu nhân dân tệ cổ phần từ bà Chiêm Mẫn Lợi. Từ đó, Chu bắt đầu có tên trong danh sách cổ đông của Công ty Trung Húc Dương Quang. Đến năm 2010, Chu Bân trở thành chủ tịch hội đồng quản trị công ty. Hai năm sau đó, Chu nhượng lại cổ phần và quyền chủ tịch tập đoàn này cho vợ Hoàng Uyển. Kể từ thời điểm Chu Bân và vợ đảm đương chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, mối quan hệ giữa Trung Húc Dương Quang và CNPC ngày càng mật thiết.
Tháng 12-2013, cảnh sát ập vào bắt giữ Chu Bân ngay tại căn biệt thự gần sân bay Bắc Kinh. Kể từ đó, cha vợ Hoàng Du Sinh của Chu Bân cũng bặt vô âm tín. Doanh nhân Ngô Binh, cánh tay đắc lực của bà Chiêm Mẫn Lợi, cùng nguyên phó tổng giám đốc CNPC Lý Hoa Lâm, Tưởng Khiết Mẫn - cựu chủ tịch CNPC - cùng hàng loạt lãnh đạo CNPC, tỉ phú, thương gia Tứ Xuyên lần lượt sa lưới.
Ngày 24-2, Tân Hoa xã đưa tin Đinh Tuyết Phong, chủ tịch thành phố Lữ Lương, tỉnh Sơn Tây, bị bắt giữ để điều tra.Nguồn tin của Tài Tân cho biết Đinh đã dùng tiền mua chức chủ tịch thành phố Lữ Lương dưới sự trợ giúp của Chu Bân.
Chu Bân - con trai Chu Vĩnh Khang - Ảnh: welt.de |
Bẻ răng cọp
Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, chỉ trong vòng hai năm kể từ khi ông Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu, không chỉ các thành viên trong gia tộc họ Chu mà hàng loạt thân tín của ông ở CNPC, Tỉnh ủy Tứ Xuyên, Bộ Công an đều lần lượt sa lưới.
Một dàn lãnh đạo cấp cao trong CNPC bị điều tra, trong đó có ông Tưởng Khiết Mẫn, Lý Hoa Lâm cùng một số cán bộ khác của CNPC. Các quan chức từng làm việc dưới quyền Chu Vĩnh Khang tại tỉnh Tứ Xuyên như cựu phó bí thư
tỉnh Tứ Xuyên Lý Xuân Thành, cựu chủ tịch hội nghị chính trị hiệp thương Tứ Xuyên Lý Sùng Hi, cựu phó chủ tịch tỉnh Tứ Xuyên Quách Vĩnh Tường cũng không thoát khỏi vòng vây. Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, bản thân ông Chu Vĩnh Khang cũng đang bị giam lỏng tại gia.
Bên cạnh đó, nhiều nhân sự cấp cao trong ngành an ninh có liên hệ mật thiết với Chu Vĩnh Khang như thứ trưởng Bộ Công an Lý Đông Sinh, cục trưởng Cục An ninh quốc gia thành phố Bắc Kinh Lương Khắc cũng lần lượt ngã ngựa. Theo nguồn tin của tờ New York Times, Lương Khắc bị bắt vì bí mật giúp đỡ Chu Vĩnh Khang bằng cách cung cấp thông tin về mạng lưới gián điệp, các cuộc do thám điện thoại trong Cục An ninh và về người nắm giữ thông tin tuyệt mật cho Chu.
Việc điều tra Chu Vĩnh Khang không chỉ khiến các quan chức thân cận của Chu bị bắt giữ mà còn khiến nhiều tỉ phú Trung Quốc sa lưới. Tiêu biểu là hai tỉ phú Tứ Xuyên Hà Yến và Đặng Hồng. Tháng 11-2013, Tân Hoa xã thông báo nhà chức trách đã bắt giữ tỉ phú Đặng Hồng - chủ tịch một tập đoàn bất động sản tại Tứ Xuyên, phe cánh của cựu phó bí thư Tứ Xuyên Lý Xuân Thành. Tỉ phú Hà Yến - chủ tịch một công ty viễn thông ở Tứ Xuyên - có quan hệ mật thiết với Quách Vĩnh Tường. Báo Tin Tức Trung Quốc cho biết hai tỉ phú trên đều được thẩm vấn tại tòa án Hàm Ninh, tỉnh Hồ Bắc. Đây cũng là nơi diễn ra phiên tòa xử trùm xã hội đen Lưu Hán và đồng bọn hôm 31-3. Ngoài ra, nhà chức trách còn bắt giữ hơn 20 thư ký, vệ sĩ, tài xế từng phục vụ Chu Vĩnh Khang và thẩm vấn hàng trăm người khác. Theo Reuters, hiện có tổng cộng đến 313 người thân, đồng minh chính trị, doanh nhân và thuộc cấp của Chu Vĩnh Khang đã bị thẩm vấn hoặc bắt giữ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận