04/07/2013 10:04 GMT+7

Mỹ có bốn triệu Snowden tiềm ẩn

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Vụ bê bối Edward Snowden cho thấy một bức tranh tình báo ngày một mất kiểm soát của Mỹ, trong lẫn ngoài nước. Việc một nhân viên cấp thấp như Snowden có thể tung ra những thông tin trí mạng gây lo ngại lớn về những Snowden khác trong tương lai.

Mỹ gây sức ép buộc Nga dẫn độ SnowdenNga, Trung Quốc không bắt Snowden, Tổng thống Obama thêm muối mặtVì sao nước Mỹ mất mặt vì vụ Snowden?

David Rothkopf, lãnh đạo nhóm các nhà xuất bản tạp chí Foreign Policy, nhận định sự rối loạn trong mảng tình báo Mỹ xuất phát từ việc các cơ quan chức năng của ngành này hoạt động yếu kém và sự hoang tưởng của các quan chức Mỹ sau sự kiện khủng bố 11-9-2001. Không chỉ nghe trộm điện thoại của người dân, các tiết lộ của Snowden cho thấy Washington theo dõi Liên minh châu Âu, các nước Pháp, Ý, Hi Lạp và nhiều đồng minh khác, thậm chí đặt thiết bị nghe lén tại 38 sứ quán các nước tại Mỹ.

Các lãnh đạo cấp cao như Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng John Kerry hay giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) Michael Hayden đã cố làm dịu đi tính nghiêm trọng của vấn đề khi cho rằng các nước theo dõi nhau là chuyện bình thường và nước nào chẳng làm vậy. Ông Obama mới đây thậm chí còn biện hộ: “Tôi bảo đảm với quý vị là tại các thủ đô ở châu Âu, có nhiều người nếu không phải rất quan tâm tới chuyện tôi đã ăn món gì trong bữa điểm tâm thì ít nhất cũng muốn biết tôi nói gì khi gặp gỡ các lãnh đạo của họ. Đó là cách làm việc của ngành tình báo”.

Mất kiểm soát

Nhưng trước đó, nhiều dấu hỏi đã được đặt ra cho tình báo Mỹ khi xuất hiện thông tin về chương trình máy bay không người lái do tình báo chịu trách nhiệm, các “danh sách thủ tiêu”, các cuộc tấn công mạng của Washington nhắm vào các nước như Iran, Trung Quốc...

Theo ông Rothkopf, những sứ mệnh của tình báo có thể bắt đầu với các mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia nhưng thường dẫn đến tình huống không thể kiểm soát. Theo thống kê của Chính phủ Mỹ, Tòa án giám sát tình báo quốc gia (FISA) năm ngoái nhận được 1.789 yêu cầu triển khai chiến dịch gián điệp và được chấp thuận toàn bộ, trừ một chiến dịch. Nếu tính từ năm 2001, chỉ có 10 trên tổng 15.000 yêu cầu bị bác bỏ.

Không chỉ vậy, các lãnh đạo trong Quốc hội đang tạo ra một “sự hoang tưởng hậu 11-9” mà chỉ cần một khả năng bị tấn công cũng được gán mác là coi thường luật pháp Mỹ và các thỏa thuận quốc tế. Theo báo New York Times, kể từ vụ khủng bố 11-9, các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng việc chờ đợi các nghi ngờ cụ thể là quá mạo hiểm và quyết định chủ động thu thập thông tin, cuối cùng là đánh cắp thông tin khi các công ty mạng từ chối hợp tác.

Bằng chứng rõ nhất là việc tướng Keith Alexander - giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) - cãi rằng các biện pháp theo dõi đã giúp ngăn chặn hơn 50 vụ tấn công khủng bố. Nhưng các biện hộ của họ hầu như chẳng có lời nào đếm xỉa đến việc hạn chế sự lạm dụng quyền lực của chính phủ được đề cập, theo ông Rothkopf. “Có những mối nguy thật sự, đúng là các nước theo dõi chúng ta, bọn khủng bố sử dụng những công nghệ mới, đe dọa từ chiến tranh mạng ngày càng lớn... Nhưng các tiết lộ vừa qua cho thấy một chuỗi sai lầm của việc vượt quá giới hạn, đánh giá tệ hại” khi các chương trình theo dõi, giám sát trong nước và nước ngoài được chấp thuận vô tội vạ - ông Rothkopf viết trên CNN.

Trách nhiệm không chỉ thuộc về Snowden mà còn cả những người ngồi ghế nóng đã tạo ra, thông qua và thực hiện các chương trình theo dõi. “Vấn đề của chúng ta là người có quyền khôi phục cân bằng và giới hạn chung cho những chương trình này chính là những người ngay từ đầu đã để chúng vượt tầm kiểm soát” - ông Rothkopf bình luận.

Luôn có những Snowden khác

Bê bối cũng xuất phát ngay từ chính hệ thống nội địa của tình báo Mỹ. Mặc dù Snowden cho biết cố tình xin vào làm việc cho nhà thầu Booz Allen Hamilton để tiếp cận thông tin, vụ việc gây lo ngại bất cứ chuyên viên phân tích nào cũng có thể đánh cắp thông tin của Chính phủ Mỹ. Báo Washington Post dẫn báo cáo của Văn phòng giám đốc tình báo quốc gia, có khoảng 1,4 triệu nhân viên liên bang được phép tiếp cận các hồ sơ mật và tối mật vào năm 2010. Tổng số người chạm tay vào được các thông tin trên có thể lên đến hơn 4,2 triệu người.

Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel trong buổi họp báo với tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tướng Martin Dempsey - đã thừa nhận: “Tôi không biết làm sao có thể ngăn được ai đó muốn phá luật” và cho biết sẽ luôn có những Snowden khác sẵn sàng mạo hiểm để lấy thông tin. Trên kênh ABC, tướng Keith Alexander cho biết NSA chỉ biết tin tưởng vào lời thề trung thực của các nhân viên. “Chúng tôi đã đổi mật khẩu. Nhưng cuối cùng chúng tôi phải tin rằng người của chúng tôi sẽ làm những việc đúng đắn” - ông Alexander thừa nhận.

Các cơ quan chức năng Mỹ đã siết chặt các biện pháp bảo vệ thông tin mật như cho phép kiểm soát những người đang làm việc với những hồ sơ này trong thời gian thực. Tướng Alexander cho biết NSA lập quy định buộc phải có sự cho phép của ít nhất một cá nhân để được tiếp cận thông tin nhạy cảm. Trong khi đó, nhà sáng lập Julian Assange của WikiLeaks cho rằng nếu Washington muốn ngăn các vụ rò rỉ thì tốt nhất là ngừng việc theo dõi thế giới.

TS7bFWMc.jpgPhóng to
Tổng thống Morales tức giận khi trả lời báo chí tại phi trường Vienna ngày 3-7 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Bolivia nổi giận vì bị lục soát máy bay

Chiều qua (giờ VN), máy bay của Tổng thống Bolivia Evo Morales đã rời phi trường quốc tế Vienna của Áo sau chặng dừng chân bất đắc dĩ. Từ thủ đô La Paz, Ngoại trưởng Bolivia David Choquehuanca lập tức tố cáo việc phía Áo đã cử người lên kiểm tra máy bay của Tổng thống Morales.

Vài giờ trước, máy bay này phải chuyển hướng đến Áo sau khi Pháp và Bồ Đào Nha từ chối cho bay vào không phận vì nghi trên đó có Edward Snowden. “Chúng tôi không biết ai đã bịa ra lời dối trá này” - Ngoại trưởng Choquehuanca nói và phủ nhận việc Snowden có mặt trên chuyến bay. Các quan chức Áo cũng xác nhận việc này. “Ngài tổng thống đã rất tức giận” - Bộ trưởng quốc phòng Rubén Saavedra, người có mặt trên chuyến bay, tức giận nói với báo chí.

Bolivia cáo buộc Mỹ gây sức ép lên các chính quyền ở châu Âu. Tây Ban Nha thậm chí đòi kiểm tra máy bay của tổng thống Bolivia nhưng đã bị từ chối.

Thật ra trước đó một ngày, tại một hội nghị năng lượng ở Nga, ông Morales khẳng định sẵn sàng cho phép Snowden tị nạn nếu nhận được yêu cầu của anh này, theo báo New York Times. Nhà lãnh đạo Bolivia tuyên bố: “Anh ta đã làm gì chứ? Anh ta phóng tên lửa và giết người?... Không, anh ta đang ngăn chặn chiến tranh”.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên