Phóng to |
Một nhân viên an ninh Mỹ phản ứng sau khi một trong hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) sụp đổ ngày 11-9-2001 - Ảnh: Reuters |
10g
Trên máy bay của Hãng United Airlines 93, vài phút trước Todd Beamer, 32 tuổi, cha của hai cậu bé và sắp có đứa con thứ ba, đã nhấn số zero của điện thoại trên máy bay để kết nối với một nhân viên tổng đài. Lisa Jefferson, giám sát viên của Hãng GTE-Airfone, nhấc máy. Todd cho cô biết tình hình trên máy bay: có ba tên không tặc được trang bị dao...
Ông và chín hành khách khác cùng năm nhân viên phi hành đoàn bị buộc phải ngồi xuống sàn ở phía đuôi máy bay. Phi công chính, phi công phụ và một hành khách xem chừng đã bị thương. Hai tên không tặc đã vào buồng lái và khóa chặt cửa... Todd vẫn kết nối được với đường dây điện thoại.
Lisa hỏi ông có muốn liên lạc với vợ mình không nhưng ông từ chối: vợ ông đang mang thai và ông không muốn vợ bị chấn động bởi một cú sốc kinh khủng như thế này, ông giải thích.
Lisa nghe nhiều tiếng la. Todd cho biết họ sắp can thiệp và tìm cách vô hiệu hóa những tên không tặc.
Giọng Todd trở nên căng thẳng hơn:
- Chúng tôi đang bay xuống! Ôi! Lạy Chúa, Lisa ạ...
Lisa cũng là tên họ của vợ ông.
- Chị hãy hứa với tôi là sẽ gọi điện cho vợ và hai con của tôi, David và Andrew, và nói là tôi yêu họ lắm - ông còn yêu cầu trước khi bỏ ống nghe ra nhưng không cắt liên lạc..
Nhờ vậy, Lisa Jefferson nghe được tiếng ông nói với các hành khách khác:
- Đã sẵn sàng chưa, các chàng trai? Nào xung phong.
Một hành khách la lên:
- Trong buồng lái! Nếu không xông vào thì chúng ta sẽ chết.
Các hành khách chuyển sang tấn công.
Tên không tặc điều khiển máy bay chính là Ziad Jarrah. Hắn đã lập trình các máy định vị để máy bay hướng về Washington, và cho máy bay lắc dọc lắc ngang để gây khó cho những người tấn công chúng..
- Làm gì đây? - Jarrah hỏi - Kết thúc chứ?
- Không, chưa đến lúc - một tên khủng bố khác đáp (...)
Cuộc tấn công tiếp diễn. Các tên không tặc xem chừng khó kiểm soát nổi tình hình.
- Allah vĩ đại! Allah vĩ đại! - Jarrah gào lên.
Hắn hét lên với một trong số những tên không tặc khác:
- Giờ sao đây? Cho đâm máy bay xuống chứ?
- Ừ - tên kia đáp - Làm đi! Phá hủy luôn!
- Nhào xuống! Nhào xuống!
Máy bay đâm thẳng xuống và lộn ngược.
- Allah vĩ đại! Allah vĩ đại! - những tên khủng bố cứ vẫn mãi hét lên.
(...)
10g03
Viên phi công lái máy bay vận tải của đội vệ binh quốc gia, người đã chứng kiến vụ máy bay đâm xuống Lầu Năm Góc và sau đó tiếp tục lộ trình bay về hướng Minnesota, bất ngờ nhìn thấy một cột khói đen dày đặc, cách Johnstown 24km về phía nam. Máy bay United Airlines 93 vừa rớt xuống một cánh đồng, gần Shankville ở Pennsylvania, với tốc độ hơn 900 km/g.
(...)
11g45
“Đúng là chỉ có trong phim!”, George Bush tự nhủ, khi nhìn qua cửa sổ chiếc máy bay Air Force One đang hạ cánh trên đường băng căn cứ Barksdale ở Louisiana. Một đoàn xe quân sự được trang bị đại liên cùng lính vũ trang với tiểu liên M-16 vây chặt lấy máy bay, trong lúc các pháo đài bay B52 đang xếp thẳng hàng trên đường băng, còn các chiến đấu cơ F-16 gầm rú trên bầu trời... Barksdale, với mật danh “BAD”, là một căn cứ không quân chiến lược được xây dựng trong thập niên 1930, nơi trú đóng của phi đội máy bay ném bom số 2, là tổng hành dinh của không đoàn số 8. Một căn cứ nắm đấm của không quân Mỹ.
Các nhân viên an ninh đang đợi tổng thống. Họ vội vã đưa ông xuống thang máy bay và đẩy ông vào một chiếc xe Dodge bít bùng. Chiếc xe phóng hết tốc độ về phía khu nhà, nhiều lần ngoặt bẻ cua chóng mặt đến độ George Bush phải yêu cầu tài xế chạy chậm lại. “Dù sao thì cũng chẳng có bọn khủng bố ở căn cứ đâu!”. Đến lúc này chẳng lẽ tổng thống lại chết lãng nhách trong xe hơi sao!...
Binh lính vũ trang vây kín Trung tâm hội nghị Dougherty, một tòa nhà hai tầng, nơi tổng thống nhanh chóng biến mất vào bên trong. Từ văn phòng của tướng Tom Keck, chỉ huy trưởng căn cứ, George Bush liên tục gọi điện. Cuối cùng ông cũng nắm được thông tin chính xác!
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld cho tổng thống biết quân đội đã được chuyển sang tình huống Defcon 3. Bush chấp thuận. “Trước hết, hãy thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này đã, rồi sau đó phải có một đòn trả miếng quân sự mạnh mẽ”, Bush nói với Rumsfeld.
(...)
16g55
Cũng phải nghĩ đến ba má mình nữa chứ. Bush cha và Barbara đều có mặt chiều hôm trước ở Nhà Trắng, nhưng hai ông bà đã rời khỏi đó lúc sáng sớm. Khi ở trên máy bay họ đã biết tin về các vụ tấn công khủng bố.
- Cha mẹ đang ở đâu? - Tổng thống hỏi mẹ ngay khi các sĩ quan liên lạc ở tầng trên nối được máy.
- Trong một khách sạn ở Brookfield, vùng Wisconsin.
- Sao cha mẹ lại đang ở cái xó chết tiệt ấy vậy?
- Con trai ạ - Barbara Bush đáp - Con đã buộc máy bay của chúng ta hạ cánh xuống đấy thôi.
Giống như 4.000 máy bay khác có mặt trên bầu trời nước Mỹ sáng hôm đó, máy bay của ông bà Bush cũng bị buộc phải hạ cánh.
New York, Washington báo động âm mưu khủng bố mới New York và Washington tiếp tục thắt chặt an ninh hơn nữa sau khi các cơ quan tình báo phát hiện Al Qaeda đang âm mưu đánh bom một trong hai thành phố này.
Theo báo New York Times, một người đưa tin ở khu vực biên giới Afghanistan - Pakistan tiết lộ hai công dân Mỹ gốc Ả Rập đã rời Afghanistan đi qua một nước thứ ba và đến Mỹ trong tuần trước. Nguồn tin này mô tả một người cao 1,5m, người kia cao 1,72m. Một trong hai người có tên là Suliman, một cái tên phổ biến ở Trung Đông. Ngoài ra còn có một kẻ thứ ba đã đến Mỹ từ châu Âu. Chúng âm mưu tấn công New York hoặc Washington bằng xe bom vào đúng ngày 11-9. Các chuyên gia tình báo Mỹ xác định có khả năng Ayman al-Zawahri, kẻ kế thừa vị trí Osama Bin Laden, là người ra lệnh thực hiện cuộc tấn công khủng bố này. Kế hoach thực hiện đã được tăng tốc sau vụ máy bay Mỹ bắn tên lửa ở vùng bắc Waziristan, hạ gục Atiyyatullah Abu Abd al-Rahman, kẻ lên kế hoạch các chiến dịch của Al Qaeda. Do đó, thông tin về vụ tấn công đã bị rò rỉ ra bên ngoài. New York và Washington đều đã tăng cường an ninh tại các địa điểm nhạy cảm như hầm giao thông và cầu. Ở New York, cảnh sát tăng cường lực lượng ở khu vực Manhattan, đặc biệt trước tòa nhà thị trường chứng khoán New York, rà bom ở các gara xe hơi, thu giữ những chiếc xe đỗ trái phép và tăng số nhân viên an ninh bảo vệ những chuyến phà trên sông. Khắp thành phố, từ các đại lộ đến ga tàu điện ngầm, đâu đâu cũng có cảnh sát mặc áo giáp chống đạn, mang súng tiểu liên. Theo cộng tác viên Tuổi Trẻ tại New York, người dân thành phố đều cho rằng các việc làm của chính phủ là “cẩn thận vẫn hơn”. Họ vẫn ra đường đi làm, sinh hoạt như bình thường. “Người dân Mỹ không để quá khứ kìm hãm mình, họ muốn hướng tới tương lai. Đó là điều họ mong đợi” - ông Dương Minh Trí, nhân viên ĐH St.John’s ở New York, nói. Bà Victoria Lammel, một công chức, cho rằng: “Tôi nghĩ chính phủ đã rút ra bài học từ kinh nghiệm thương đau cũ, họ sẽ không để điều tồi tệ xảy ra một lần nữa”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận