11/05/2011 06:24 GMT+7

Bin Laden chết, thế giới đổi thay?

HIẾU TRUNG tổng hợp
HIẾU TRUNG tổng hợp

TT - Một thập kỷ trước đây, các thành viên Al Qaeda hoạt động tại Afghanistan do chế độ Taliban cai trị đã thực hiện vụ tấn công ngày 11-9 làm hơn 3.000 người thiệt mạng. Ngày nay Taliban đã mất quyền kiểm soát Afghanistan, thủ lĩnh Al Qaeda đã chết. Dư luận Mỹ đặt câu hỏi đã đến lúc nước Mỹ rút quân khỏi chiến trường Afghanistan.

b11Lxx21.jpgPhóng to

Lính Afghanistan giao tranh với Taliban. Bin Laden chết sẽ giúp Mỹ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan? - Ảnh: Reuters

Theo khảo sát của Hãng CNN/Opinion Research Corp, khoảng 52% người dân Mỹ không ủng hộ cuộc chiến này. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan từ tháng 7-2011 và hoàn tất quá trình này vào năm 2014.

Cái cớ cần thiết

Obama giành lợi thế 2012

Giới quan sát Mỹ bình luận chiến dịch tiêu diệt Bin Laden là điểm cộng quan trọng cho nỗ lực tranh cử tổng thống của ông Obama vào năm 2012. Trước đó, Đảng Cộng hòa thường chỉ trích ông Obama là nhà lãnh đạo yếu đuối, thiếu kinh nghiệm đối ngoại.

Với việc tiêu diệt Bin Laden, ông Obama chứng tỏ với người Mỹ là mình đã làm được điều cựu tổng thống George Bush không thể. Theo khảo sát của Hãng CBS/New York Times, tỉ lệ ủng hộ của người dân Mỹ dành cho ông Obama đã tăng 11%, lên 57% sau khi có tin Bin Laden chết.

Tuy nhiên, Bin Laden không phải là yếu tố quyết định cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2012, bởi mối quan tâm chủ yếu của người Mỹ vẫn là các vấn đề kinh tế.

“Tôi nghĩ chúng ta cần rút khỏi Afghanistan trong năm tới - hạ nghị sĩ Walter Jones tuyên bố - Ông trùm Al Qaeda đã chết, Al Qaeda không còn tồn tại ở Afghanistan”. Thượng nghị sĩ Richard Lugar, thành viên Ủy ban đối ngoại thượng viện, cho rằng vì quân Mỹ tấn công Afghanistan với mục tiêu chính là tìm diệt Bin Laden, do đó đã đến lúc rời quốc gia này. T

heo chuyên gia Tom Mann thuộc Viện Brookings, cái chết của Bin Laden có thể tạo điều kiện cho Tổng thống Obama thay đổi chính sách Afghanistan, ví dụ như thương thảo với Taliban và rút một số lượng lớn binh sĩ trong đợt đầu tiên.

Trước đó, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa cáo buộc ông Obama “yếu đuối” khi đặt vấn đề rút quân khỏi Afghanistan. “Việc tiêu diệt Bin Laden có thể là cái cớ chính trị ông Obama cần để đẩy nhanh tiến trình rút quân, mà không bị xem là yếu đuối trong cuộc chiến chống khủng bố - nhà khoa học chính trị Wendy Schiller thuộc ĐH Brown nhận định - Vấn đề chủ yếu là công chúng Mỹ không ủng hộ cuộc chiến. Tổn thất kinh tế và con người của cuộc chiến này là rất lớn và chính quyền đang phải đối mặt với vô số vấn đề kinh tế nghiêm trọng trong nước”.

Trong khi đó, nhiều khả năng ông Obama muốn giải quyết rốt ráo vấn đề Afghanistan trước kỳ bầu cử tổng thống năm 2012.

Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Anne-Marie Slaughter nói cái chết của Bin Laden là cơ hội thuận lợi để Mỹ và chính quyền Afghanistan bắt đầu thương thảo để đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với Taliban.

“Đó là thời cơ để liên quân hướng tới một giải pháp chính trị toàn diện nhằm mang lại an ninh và ổn định cho Afghanistan”, bà Slaughter nhận định.

Năm ngoái, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã thành lập một hội đồng hòa bình để tìm giải pháp hòa hợp với các phần tử Taliban. Vài tháng qua, chính quyền Mỹ cũng bắt đầu đề cập đến vấn đề này.

Ngay sau cái chết của Bin Laden, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ra thông điệp với Taliban: “Các ông không thể đánh bại chúng tôi. Nhưng các ông có thể chọn từ bỏ Al Qaeda và tham gia tiến trình chính trị hòa bình”.

Đồng minh lạnh lùng

Giới quan sát cũng nhận định mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pakistan sẽ ảnh hưởng đáng kể sau chiến dịch tiêu diệt Bin Laden. Chuyên gia các vấn đề quốc tế Dan Grant (Mỹ) cho rằng chính quyền Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này để tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Pakistan.

Mới đây, Tổng thống Obama đã gây sức ép lên Islamabad khi khẳng định Bin Laden phải có một mạng lưới hỗ trợ ở Pakistan mới có thể sinh sống yên ổn ở thành phố Abbottabad trong nhiều năm. “Mỹ sẽ không từ bỏ Pakistan, nhưng sẽ đòi hỏi trực tiếp hơn và không nhượng bộ”, chuyên gia Grant cho biết.

Nhà phân tích Kamran Bokhari của Hãng tư vấn Stratfor cho rằng dù là đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng ngay từ trước vụ Bin Laden mối quan hệ giữa hai nước đã “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Washington nghi ngờ một số phần tử trong quân đội và tình báo Pakistan hỗ trợ Al-Qaeda, hoặc ít nhất coi tổ chức khủng bố này là hữu dụng về mặt chính trị.

Việc Bin Laden sống ở một đô thị lớn tại Pakistan đã khiến nhiều nghị sĩ Mỹ lên tiếng đòi chính quyền hạn chế hỗ trợ quân sự cho Pakistan, khoản tiền lên đến hàng tỉ USD. Trong khi đó, phía Islamabad rất khó chịu với những cuộc không kích của quân đội Mỹ trong lãnh thổ Pakistan. Những vụ việc đó làm dấy lên làn sóng chống Mỹ ở Pakistan.

Các chuyên gia cũng cho rằng vụ tiêu diệt Bin Laden còn ảnh hưởng đến quan hệ giữa Pakistan và nước láng giềng Ấn Độ. Ngay sau khi Bin Laden chết, Ấn Độ đã lên tiếng cáo buộc Pakistan là “ổ chứa khủng bố”.

Hai quốc gia Nam Á đã tiến gần đến bờ vực chiến tranh do tranh chấp vùng đất Kashmir năm 2002, và sự căng thẳng càng gia tăng sau vụ tấn công khủng bố ở Mumbai năm 2008 mà phía New Delhi cáo buộc là do tổ chức Lashkar-e-Taiba, hoạt động tại Pakistan, thực hiện.

“Ấn Độ lo ngại về khủng bố chống Ấn Độ ở Pakistan - chuyên gia Bokhari nhận định - Và khi Mỹ đã diệt Bin Laden một cách đơn phương, có thể người Ấn Độ sẽ đặt câu hỏi: Mỹ làm được tại sao chúng ta không làm được? Nếu Ấn Độ học tập Mỹ thì chắc chắn chiến tranh biên giới sẽ nổ ra”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng Ấn Độ sẽ không “mạo hiểm” như Mỹ, nhưng đang sử dụng hành động của Mỹ để gây sức ép lên Pakistan.

Chủ nghĩa khủng bố hết thời?

Nhà báo từng đoạt giải Pulitzer Lawrence Wright cho rằng cái chết của Bin Laden vào thời điểm cách mạng Ả Rập bùng nổ cho thấy chủ nghĩa khủng bố đã đánh mất ảnh hưởng toàn cầu của những năm trước.

Sau vụ 11-9, Bin Laden trở thành cái tên lừng lẫy trong thế giới Hồi giáo. Khảo sát của Tổ chức Pew Research Center năm 2003 cho thấy 72% người Palestine, 60% người Indonesia và Jordan, 50% người Pakistan đánh giá Bin Laden là người “đáng tin cậy”.

Nhưng ở thời điểm trước khi Bin Laden bị giết, chỉ còn 34% người Palestine, 13% người Jordan và 18% người Pakistan đánh giá cao ông trùm Al-Qaeda.

Trong tài liệu Chiến lược Al Qaeda đến năm 2020, chiến lược gia Al Qaeda Muhammed Ibrahim Makkawi đặt vấn đề tổ chức khủng bố này cần chuyển đổi từ một tổ chức hay phong trào thành một triết lý.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống ở thế giới Ả Rập đã thay đổi. Các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập cho thấy thế hệ thanh niên Ả Rập đã tìm ra con đường đấu tranh dân chủ, hòa bình để chống lại các thế lực áp bức thay vì gia nhập con đường bạo lực, giết chóc mà Al Qaeda cổ xúy.

------------------------------------

Thế giới sẽ thay đổi, nhưng còn nội bộ của Al Qaeda sẽ chọn một kịch bản thay đổi như thế nào sau cột mốc ngày 1-5?

Kỳ tới: Al Qaeda 2.0

HIẾU TRUNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên