30/07/2013 05:50 GMT+7

Xình xịch "đường tơ lụa"

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhanh với giá cả hợp lý đã buộc các công ty lớn phục hồi đường sắt xuyên Á - Âu theo tuyến đường từng có tên gọi là “con đường tơ lụa”.

TF2qcv0f.jpgPhóng to
Đoàn tàu chạy theo “con đường tơ lụa” cũ - Ảnh: AFP

Azamat Kulyenov kéo chiếc cần và đoàn tàu hàng 1.800 tấn dài gần 800m rùng mình gầm rú rồi lao qua khoảng cao nguyên rộng lớn của phía đông Kazakhstan, bỏ lại biên giới Trung Quốc phía sau. Trên tàu các vệ sĩ ôm AK-47 để canh chừng cướp.

Kinh nghiệm HP

Khoảng hai năm trở lại đây, theo báo New York Times, những chuyến tàu chở hàng như vậy bắt đầu hoạt động nhộn nhịp trở lại trên tuyến đường của “con đường tơ lụa” xưa - tuyến giao thương cổ nối Trung Quốc và châu Âu từng một thời nhộn nhịp hàng hương liệu, đá quý, lụa là... trước khi rơi vào quên lãng sáu thế kỷ trước.

Giờ đây tuyến đường được khôi phục để chở loại hàng mới: hàng triệu máy tính xách tay và các thiết bị sản xuất ở Trung Quốc đến khách hàng ở các thành phố như London, Paris, Berlin và Rome. Hewlett-Packard, tập đoàn sản xuất máy tính lớn của Mỹ, là đơn vị tiên phong hồi sinh con đường nổi tiếng này. Hai năm qua, HP đã chuyển hàng triệu máy tính xách tay và thiết bị qua tuyến đường dài gần 11.250km này.

Ban đầu chỉ là những thử nghiệm vào mùa hè, nay HP chuyển hàng ít nhất một chuyến/tuần sau khi có biện pháp bảo vệ hàng trong mùa đông lúc nhiệt độ xuống tới -400C. Tàu chở hàng rời Trùng Khánh (Trung Quốc) sẽ đến Duisburg (Đức) sau 19 ngày và tới trung tâm phân phối của HP tại Oostrum (Hà Lan) sau 21 ngày.

“Con đường tơ lụa” đã giảm dần độ nhộn nhịp khi các tuyến hàng hải phát triển mạnh vào thế kỷ 14, 15 cùng với việc thủ đô của Trung Quốc từ Tây An dời về Bắc Kinh và các hoạt động kinh tế Trung Quốc cũng dần chuyển về các vùng duyên hải.

Ngày nay, bức tranh kinh tế lại chuyển đổi một lần nữa. Chi phí lao động ở các thành phố ven biển Trung Quốc tăng vọt trong 10 năm qua nên các nhà sản xuất tìm cách cắt giảm chi phí. Họ chuyển sản xuất vào sâu trong nội địa ở phía tây. Vấn đề nảy sinh là khi vận chuyển hàng từ nhà máy trong nội địa ra vùng duyên hải rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Việc chuyển hàng từ nội địa tới cảng ở Thâm Quyến hay Thượng Hải, từ đó chuyển bằng tàu biển đi ngang Ấn Độ rồi qua kênh đào Suez thường mất tới năm tuần. Chi phí hàng không thì cao gấp bảy lần chi phí đường sắt. Vận chuyển hàng hải vẫn rẻ hơn khoảng 25% so với chạy bằng tàu hỏa nhưng khoảng thời gian rút ngắn lại mang ý nghĩa kinh tế cao hơn. Vận chuyển chậm khiến họ không thể phản ứng nhanh trước những thay đổi nhu cầu của khách hàng.

Jonney Shih, chủ tịch Asustek, tập đoàn lớn thứ ba thế giới về máy tính bảng, cho rằng vận chuyển đường sắt giúp cải thiện “chi phí kho và thời gian chết” so với đường thủy. Công ty của ông giờ đang thử nghiệm vận chuyển trên tuyến đường tơ lụa.

Con đường tiềm năng

Liên minh hải quan giữa Kazakhstan, Belarus và Nga cũng giúp giảm thời gian kiểm hóa ở khu vực biên giới. Chính HP xắn tay hỗ trợ chính quyền Trung Quốc sửa phần mềm xử lý tài liệu hải quan của mình. Đồng thời, công ty cũng đàm phán để có thủ tục thông quan đặc biệt nhằm hàng hóa của họ được nằm trong toa hàng hóa, chứ không bị lôi ra kiểm tra ở mỗi khu biên giới nơi hàng vẫn được soi qua máy X-quang.

Chính quyền Trung Quốc vừa thông báo triển khai tuyến tàu hàng đầu tiên từ thành phố Trịnh Châu, một trung tâm sản xuất ở miền trung, tới Hamburg (Đức) đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus và Ba Lan. Bắc Kinh nói họ dự định chạy khoảng 50 đoàn tàu trên tuyến đường này vào năm tới, chuyên chở khối lượng hàng trị giá khoảng 1 tỉ USD. Chuyến hàng đầu tiên - trị giá 1,5 triệu USD - sẽ gồm vỏ xe, giày dép, quần áo và trên đường về sẽ mang hàng điện tử, máy xây dựng, xe, phụ tùng ôtô và thiết bị y tế.

Dù tuyến đường mới khôi phục này chỉ vận chuyển một lượng nhỏ hàng của các nhà sản xuất nhưng nhiều công ty đang học theo cách của HP do thấy tiềm năng của nó. Hãng chuyển phát nhanh DHL từ ngày 20-6 đã bắt đầu chuyến tàu hàng từ Thành Đô đi qua Kazakhstan và tới điểm cuối là Ba Lan. Một số đối thủ của HP trong ngành điện tử cũng bắt đầu sử dụng tuyến đường tơ lụa một thời này để xuất khẩu.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên