Đất hiếm trở thành vũ khíNhật - Việt sẽ ký thỏa thuận khai thác đất hiếmNhật ủng hộ doanh nghiệp tìm nguồn cung đất hiếm ở Việt Nam
Phóng to |
Mỏ Mountain Pass (California) chuẩn bị mở cửa tái hoạt động - Ảnh: New York Times |
Tờ Asahi Shimbun cho biết chỉ hai trong 30 nhà nhập khẩu Nhật nhận được các chuyến hàng đất hiếm từ Trung Quốc kể từ tháng 9-2010 (tính đến ngày 22-10-2010). Các công ty Trung Quốc thậm chí muốn chấm dứt hợp đồng với Nhật để bán hàng cho nước khác.
“Trung Đông có dầu thì Trung Quốc có đất hiếm”!
Cuộc chiến đất hiếm bắt đầu được hâm nóng với khả năng Mỹ và Nhật cùng kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tội lợi dụng ưu thế độc quyền. Trong cuộc phỏng vấn truyền hình ngày 26-9-2010, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh nói rằng Trung Quốc vẫn tuân thủ luật WTO, và việc giới doanh nghiệp xuất khẩu đất hiếm nước mình ngưng bán cho ai là “chuyện riêng” của họ, dù không thể giải thích tại sao ngay trong ngày hôm đó, 32 nhà xuất khẩu đất hiếm (trong đó có mười doanh nghiệp nước ngoài) tại Trung Quốc đồng loạt ngưng giao hàng cho Nhật từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị liên quan việc tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong phỏng vấn, ông Trần Đức Minh cũng không giải thích tại sao từ năm 2006 đến nay Trung Quốc liên tục giảm dần quota xuất khẩu đất hiếm, đồng thời áp thuế xuất khẩu cao đối với nhà xuất khẩu. Cụ thể, theo Bloomberg (16-10-2010), Trung Quốc đã cắt quota xuất khẩu đất hiếm đến 72%, đồng thời giảm nhịp độ khai thác (hạn ngạch xuất khẩu cho sáu tháng cuối năm 2010 chỉ còn 7.976 tấn so với 22.283 tấn nửa đầu năm, và so với 28.417 tấn nửa cuối năm 2009).
Trung Quốc hiện kiểm soát 37% nguồn dự trữ đất hiếm - nhiều nhất thế giới, so với 15% của Mỹ - nước từng sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới vào thập niên 1980; đồng thời Trung Quốc cũng chiếm 97% sản lượng khai thác đất hiếm. Không dùng đất hiếm như một thứ vũ khí thì Trung Quốc cũng dùng ưu thế trên như một “công cụ chiến lược” hoặc “lá bài mặc cả ngoại giao”.
“Át chủ bài” đất hiếm được tung ra để dằn mặt Nhật là sự kiện rõ nhất mới đây (khiến Nhật điêu đứng vì nhập đến 97% đất hiếm từ Trung Quốc). Năm 2009, Trung Quốc còn “hù” thế giới khi dọa ngưng xuất khẩu 5 trong 17 loại đất hiếm. Tháng 9-2010, trong bài báo không đề tên tác giả trên China Business Times, người viết đã “thẳng thắn” nói rằng đất hiếm là “lá bài cực mạnh mà Trung Quốc có thể dùng trong các cuộc đàm phán tương lai với thế giới” (The Epoch Times 21-10-2010). Thật ra điều này từng được hình dung cách đây gần hai thập niên khi ông Đặng Tiểu Bình nói rằng “Trung Đông có dầu thì Trung Quốc có đất hiếm!”.
Vũ khí đất hiếm lợi hại như thế nào? Là 17 nguyên tố nằm trên vỏ Trái đất (*), đất hiếm hiện được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao. Chúng có mặt trong những chiếc iPhone, ổ cứng máy tính, tivi màn hình phẳng, đèn tiết kiệm năng lượng, laptop, thiết bị không gian, cáp quang, hạt nhân, thiết bị công nghệ xanh (trong mỗi tuôcbin gió kỹ thuật cao có đến 300kg nguyên liệu đất hiếm)... Chúng còn được dùng trong công nghiệp vũ khí (trong báo cáo tung ra trung tuần tháng 4-2010, Phòng kiểm toán Chính phủ Mỹ cho biết nhiều thiết bị phần cứng quân sự của Mỹ, trong đó có hệ thống điều khiển xe tăng M1A2 Abrams, cánh quạt điều khiển của bom thông minh, rađa Aegis Spy-1 của hải quân, vệ tinh, thiết bị nhìn đêm... đều lệ thuộc vào đất hiếm nhập từ Trung Quốc).
Mỗi năm, khoảng 130.000 tấn đất hiếm được sản xuất khắp thế giới và nhu cầu ngày càng tăng (có thể lên đến 200.000 tấn/năm, bắt đầu từ năm 2014 - theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ). Sự khống chế nguồn xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc bắt đầu khiến giá tăng vọt, lên trung bình 300% chỉ từ tháng 1 đến tháng 8-2010, giá mỗi loại đất hiếm tăng từ 22-720% (Seeking Alpha 10-10-2010). Cụ thể, giá cerium oxide tăng từ khoảng 4,7 USD/kg ngày 20-4 lên 36 USD/kg ngày 19-10-2010; neodymium (dùng trong nam châm) tăng từ khoảng 41 USD/kg vào tháng 4 lên 46,5 USD/kg vào tháng 7 rồi 92 USD/kg vào tháng 10-2010 (Bloomberg 21-10-2010).
Phóng to |
Tính đến trung tuần tháng 10-2010, Trung Quốc tiếp tục chặn các chuyến hàng neodymium cùng nhiều loại đất hiếm khác đến Nhật - Ảnh: New York Times |
Thế giới đối phó
Tháng 4-2010, dân biểu Dân chủ Ike Skelton, chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết quốc hội sẽ xem xét nghiêm túc mức độ lệ thuộc đất hiếm nhập khẩu của công nghiệp quân sự Mỹ. Trước đó một tháng, dân biểu Cộng hòa Mike Coffman đưa ra dự luật nhằm tạo ra kho dự trữ an ninh quốc gia cho nguyên liệu đất hiếm cùng chính sách hỗ trợ các công ty Mỹ muốn khai thác đất hiếm. Một nhóm 20 thượng nghị sĩ với sự dẫn đầu của nghị sĩ Lisa Murkowski (Cộng hòa) và Evan Bayh (Dân chủ) thậm chí còn trình “tâm thư” cho Bộ trưởng Năng lượng Steven Chu với nội dung yêu cầu bộ này hỗ trợ tối đa cho công nghiệp đất hiếm Mỹ (E&ENews PM 19-7-2010).
Mỹ đã rút ra bài học cay đắng khi bỏ rơi công nghiệp khai thác đất hiếm vào thập niên 1990, bắt đầu từ những quan ngại ảnh hưởng môi trường. Năm 2002, mỏ đất hiếm tại Mountain Pass (California) do Molycorp Minerals LLC làm chủ đóng cửa sau khi xảy ra vụ rò rỉ ống dẫn làm thoát nguồn nước phóng xạ vào sa mạc gần đó, khiến giới chức địa phương hoãn việc cấp mới giấy phép hoạt động. Một số kỹ sư Molycorp ngay sau đó đã được Trung Quốc thuê giúp họ!
Năm 2005, công ty khai thác dầu nhà nước Trung Quốc CNOOC cố mua khu mỏ Mountain Pass khi họ lên kế hoạch mua công ty dầu Mỹ Unocal (lúc đó sở hữu Molycorp) nhưng Quốc hội Mỹ kịp thời ngăn chặn. Mark A. Smith - viên chức điều hành lâu năm tại Molycorp - kể thêm rằng sau khi Chevron mua Unocal, một số công ty Trung Quốc vẫn “bền gan” móc nối giới chức Chevron với ý định mua Mountain Pass. Cuối cùng, một nhóm công ty tư nhân (trong đó có Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs) cùng Mark A. Smith mua Molycorp từ Chevron năm 2008.
Động thái từ giới nghị sĩ Mỹ cho thấy sự phong tỏa một phần mang tính “công cụ răn đe” của Trung Quốc đang được đáp trả bằng chiến lược giảm thiểu lệ thuộc nguồn đất hiếm vào họ. Chẳng riêng Mỹ, nhiều nước cũng bắt đầu tìm nguyên liệu đất hiếm ngoài Trung Quốc. Molycorp - hiện là nhà sản xuất đất hiếm duy nhất tại Mỹ - đang chuẩn bị loạt chương trình khai thác quy mô có thể tung ra 20.000 tấn đất hiếm vào năm 2012 so với 2.000 tấn hiện tại. Great Western Minerals Group của Canada cũng đã được cấp giấy phép khai thác đất hiếm tại mỏ Steenkampskraal (Nam Phi), Lynas Corp của Úc đang xây một nhà máy xử lý đất hiếm thô tại Malaysia, trong khi Glencore International AG (Thụy Sĩ) hợp tác với Wings Enterprises (Mỹ) khai thác mỏ đất hiếm tại Pea Ridge thuộc bang Missouri... (Wall Street Journal 21-10-2010).
Ngày 2-10-2010, trong cuộc gặp tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Naoto Kan và Thủ tướng Mông Cổ Sukhbaatar Batbold cũng thỏa thuận dự án khai thác đất hiếm tại Mông Cổ. Hàn Quốc cho biết họ cũng bắt đầu tìm nguồn cung cấp khác thay vì từ Trung Quốc như hiện nay (65%). Bản thân một số công ty lớn có kế hoạch tự xoay xở, như trường hợp Sumitomo Corp (Nhật) hợp tác với công ty hạt nhân nhà nước Kazakhstan (e.nikkei.com 30-9-2010)... Tại Đức, trung tuần tháng 10-2010, Thủ tướng Angela Merkel nói rằng đã đến lúc “cần thiết cấp thời” để đầu tư mạnh việc khai thác đất hiếm tại Đông Âu và Trung Á nhằm đối phó sự bành trướng mưu đồ độc quyền từ Trung Quốc (Bloomberg 21-10-2010).
Ngoài mỏ Mountain Pass, Mỹ còn có mỏ Lemhi Pass cùng Diamond Creek ở Bắc Idaho và mỏ Bokan ở Nam Alaska... mà gần đây được xác định có trữ lượng đáng kể, từ hệ thống dò tìm của Tập đoàn hàng không Boeing hợp tác với Công ty U.S. Rare Earths Inc. Vấn đề ở chỗ, liệu thế giới có thể nói lời chia tay vĩnh viễn với đất hiếm Trung Quốc?
Đất hiếm thật ra không hiếm, nhưng sở dĩ chúng “hiếm” vì công nghệ khai thác và xử lý thường đắt, thậm chí nguy hiểm bởi yếu tố rủi ro cao đối với khả năng gây tổn hại môi trường (quặng đất hiếm thường xuất hiện gần trầm tích các chất phóng xạ chẳng hạn thorium hoặc uranium). Do vậy, phương Tây lâu nay “nhường sân” khai thác đất hiếm cho Trung Quốc. Phí nhân công thấp và luật môi trường thuộc hàng lỏng lẻo nhất thế giới là “ưu thế” số một của công nghiệp khai thác đất hiếm Trung Quốc mà chẳng đối thủ nào địch lại.
Phóng to |
Doanh số các loại oxide đất hiếm, chẳng hạn didymium oxide hiện tăng hơn 10%/năm - Ảnh: New York Times |
5 loại đất hiếm hàng đầu hiện nay 1. Erbium: nguyên liệu chủ lực trong cáp quang viễn thông (giá hiện tại khoảng 700 USD/kg); 2. Europium: dùng trong công nghệ in tiền euro giúp chống tiền giả cũng như công nghệ màn hình LED; 3. Neodymium: dùng phổ biến trong nam châm cho micro, loa, tai nghe, các thiết bị âm nhạc, ổ cứng máy tính...; 4. Cerium: thường được chuyển thành cerium oxide để làm chất đánh bóng kính và chất bán dẫn; 5. Lanthanum: nguyên liệu cần thiết cho công nghệ siêu dẫn (một motor của chiếc Toyota Prius có 1kg neodymium và mỗi cục pin của nó chứa 10-15kg lanthanum). |
__________
(*) Cerium, dysprosium, erbium, europium, gadolinium, holmium, lanthanum, lutetium, neodymium, praseodymium, promethium, samarium, scandium, terbium, thulium, ytterbium và yttrium.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận