Báo Nikkei (Nhật Bản) dẫn nguồn từ văn phòng cựu thủ tướng Yukio Hatoyama cho biết ông đã đến VN ngày 22-10 để thảo luận về khả năng hợp tác khai thác đất hiếm và phát triển hạ tầng với phía VN. Hai bên sẽ ký thỏa thuận khi đương kim Thủ tướng Nhật Naoto Kan và Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng gặp nhau vào ngày 31-10 tại Hà Nội. Ngoài ra, thỏa thuận hợp tác xây dựng các nhà máy điện hạt nhân và hệ thống tàu lửa cao tốc ở VN sẽ được hai bên thống nhất trong cuộc gặp này.
Trang web của Chính phủ (chinhphu.vn) hôm 22-10, khi đưa tin về buổi tiếp của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên với đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản Yasuaki Tanizaki, cũng cho biết “việc hợp tác về đất hiếm giữa hai quốc gia dự kiến sẽ trở thành một trong những chủ đề được hội đàm tại chuyến thăm chính thức VN của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuần tới”.
Trước đó, hai nhà lãnh đạo VN và Nhật Bản đã gặp nhau bên lề Hội nghị ASEAN và châu Âu tại Brussels (Bỉ) vào đầu tháng 10. Hai bên đều cho rằng VN và Nhật Bản có tiềm năng trở thành đối tác chiến lược về đất hiếm. Thứ trưởng Bộ Kinh tế - thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI) Tadahiro Matsushita, như báo Sankei (Nhật Bản) cho biết, cũng đã tới VN ngày 3-10 để đàm phán về vấn đề này.
Theo TTXVN, Công ty Toyota-Tsusho và Sojitz của Nhật Bản đã giành được quyền khai thác đất hiếm tại mỏ Đông Pao (Tam Đường, Lai Châu), có khả năng cung cấp tới 20% nhu cầu đất hiếm của Nhật Bản. Phía Nhật đang muốn đẩy nhanh tiến độ các công việc để có thể khai thác đầy đủ sớm hơn thời gian dự kiến trước đó được ấn định là từ năm 2012.
Ngoài VN, Nhật Bản cũng đã tìm cách đa dạng hóa các nguồn cung cấp đất hiếm cho các ngành công nghiệp xe hơi và điện tử của mình, như đã đạt được thỏa thuận đẩy nhanh khai thác với Kazakhstan và Mông Cổ.
Trung Quốc cung cấp 97% đất hiếm cho thế giới, trong đó 60% xuất sang Nhật Bản.
Đất hiếm là tên gọi chung của 17 loại nguyên liệu chiến lược cho các ngành công nghệ cao như điện - điện tử, hạt nhân, quang học, vũ trụ, vật liệu siêu dẫn, siêu nam châm, luyện kim, xúc tác thủy tinh và gốm sứ kỹ thuật cao, phân bón vi lượng... Nguồn đất hiếm của VN phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận