21/10/2010 07:43 GMT+7

Đất hiếm trở thành vũ khí

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Các nước phương Tây đang tỏ ra hết sức lo ngại trước thông tin Trung Quốc lặng lẽ ngừng xuất khẩu đất hiếm, dù Bắc Kinh khẳng định điều ngược lại.

5laPlPji.jpgPhóng to
Một mỏ khai thác đất hiếm ở Giang Tây, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Hôm 19-10, Nhân Dân Nhật Báo dẫn lời một quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc tiết lộ Trung Quốc đang ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ và châu Âu. Quan chức này khẳng định Trung Quốc sẽ giảm 30% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm của năm 2011.

Thế nhưng ngày 20-10, một người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc lại bác bỏ thông tin của Nhân Dân Nhật Báo là “không có cơ sở” và “Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất khẩu đất hiếm”, nhưng ông nói thêm rằng “Bắc Kinh sẽ có các biện pháp hạn chế việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm để bảo vệ nguồn tài nguyên đang cạn kiệt này”.

Trong một bài xã luận đăng hôm 18-10, Nhân Dân Nhật Báo cũng khẳng định việc Trung Quốc tiếp tục đáp ứng 90% nhu cầu đất hiếm toàn thế giới, trong khi chỉ sở hữu 30% trữ lượng toàn cầu là phi thực tế.

Mỹ và châu Âu tỏ ra không chút an tâm với lời tuyên bố trấn an của Bộ Thương mại Trung Quốc. Báo Mỹ New York Times dẫn lời ba quan chức công nghiệp Mỹ cho biết hải quan Trung Quốc trong thực tế đã áp dụng các biện pháp mới để ngăn chặn xuất khẩu đất hiếm vào sáng 18-10, chỉ vài giờ sau khi Washington tuyên bố sẽ điều tra nghi án Bắc Kinh trợ giá cho sản phẩm nhiên liệu sạch xuất khẩu và hạn chế nguyên liệu sạch nhập khẩu. Một đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington xác nhận thông tin này nhưng nhấn mạnh Trung Quốc “không vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và không dùng đất hiếm làm vũ khí chính trị”. Tương tự như trước đó, Bắc Kinh cũng không hề thừa nhận đã ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật.

Theo tin DPA, các doanh nghiệp Đức cũng lên tiếng báo động lượng đất hiếm nhập khẩu từ Trung Quốc đang giảm mạnh. Liên đoàn Công nghiệp Đức (FGI) cho biết trên thực tế xuất khẩu đất hiếm từ Trung Quốc sang các nước đã giảm tới 40% trong vòng 10 tháng qua. Bộ trưởng Kinh tế Đức Rainer Brüderle mô tả chính sách của Trung Quốc là “hành vi không thân thiện”. Mỗi năm, Đức nhập 3.000-5.000 tấn đất hiếm, chủ yếu từ Trung Quốc.

New York Times dẫn lời một số nhà quan sát phương Tây bình luận có vẻ như Trung Quốc đang muốn sử dụng thế mạnh của mình để giải quyết các tranh chấp thương mại với phương Tây. “Nếu Trung Quốc quả thực giảm 30% xuất khẩu đất hiếm, các nhà sản xuất trên thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn. Một số sẽ phải quay trở lại với các công nghệ cũ cho đến khi tìm ra nguồn cung đất hiếm mới”. Tuy nhiên cũng có nhiều người cho rằng Trung Quốc đơn giản chỉ muốn đảm bảo nhu cầu nội địa.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên