18/06/2014 08:23 GMT+7

Mỹ triển khai quân tới vùng Vịnh

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Đà tiến của phiến quân đang tiến sát vào tới Baghdad giữa lúc Mỹ đã cho triển khai thêm quân và tàu chiến tới khu vực vùng Vịnh.

Phiến quân tuyên bố ghê rợn: hành quyết 1.700 lính IraqMỹ cân nhắc phương án không kích ở Iraq550 lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vịnh Ba Tư

7Ou9tsUN.jpgPhóng to
Iraq đang có nguy cơ rơi vào nội chiến mà có thể đe dọa sự tồn vong của chính nước này. Trong ảnh là lực lượng dân quân tình nguyện của chính phủ - Ảnh: AFP

Theo AFP, giao tranh diễn ra ác liệt ở Baquba, thủ phủ tỉnh Diyala chỉ cách Baghdad khoảng 60km. Các quan chức Iraq nói ít nhất có 44 người thiệt mạng trong cuộc tấn công của lực lượng Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL). ISIL đã chiếm được một phần Baquba, làm chủ được trụ sở cảnh sát và chiếm rất nhiều loại vũ khí.

Theo giới phân tích, nếu ISIL chiếm được Baquba, họ sẽ dễ dàng tiến tới Baghdad bằng các đường cao tốc.

Hàng nghìn Bin Laden

Ở các khu vực khác, ISIL cũng đã đạt được những bước tiến quan trọng. ISIL chiếm được một phần thị trấn Tal Afar của người Hồi giáo Shiite ở tỉnh Nineveh.

Thị trấn này nằm trên hành lang chiến lược tới Syria. Ở tỉnh Anbar phía tây Baghdad, phiến quân Sunni bắn rơi một máy bay trực thăng của quân đội ở gần thành phố Falluja và phá hủy nhiều xe tăng.

Mới đây trên CNN, đại sứ Iraq tại Mỹ Lukman Faily cảnh báo nếu ISIL chiếm được Iraq thì lực lượng khủng bố này sẽ tạo ra cả nghìn trùm khủng bố Osama Bin Laden mới. Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ cũng cảnh báo ISIL có thể tổ chức các cuộc tấn công khủng bố kiểu 11-9 nhắm vào Mỹ.

Di sản của Bush

Trên CNN, nhà phân tích Peter Bergen, giám đốc Tổ chức New America Foundation, cho rằng ISIL chính là di sản độc hại mà cựu tổng thống Mỹ George Bush để lại tại Iraq. Trước cuộc xâm lược của Mỹ năm 2003, các quan chức Mỹ đều cho rằng chính quyền Saddam Hussein có quan hệ chặt chẽ với al-Qaeda. Tuy nhiên sau khi chế độ Saddam sụp đổ, mọi bằng chứng đều cho thấy Saddam không có quan hệ gì với al-Qaeda. Nhưng khi cuộc chiến Iraq kéo dài dằng dai, al-Qaeda bắt đầu xâm nhập chiến trường này.  

Theo Washington Post, ngoài tàu sân bay USS George H. W. Bush, tàu đổ bộ USS Mesa Verde chở theo 360 thủy thủ và 700 lính thủy đánh bộ cùng các máy bay trực thăng hạng nặng được triển khai.

Ngoài ra không quân Mỹ cũng đã triển khai hàng loạt máy bay không người lái và máy bay chiến đấu tại vùng Vịnh.

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng khẳng định lính Mỹ sẽ không tham chiến tại Iraq. Tuy nhiên, lực lượng Mỹ tới Baghdad và vùng Vịnh đều được trang bị tối đa để chuẩn bị cho các cuộc giao tranh.

Một số quan chức Mỹ tiết lộ Nhà Trắng đang xem xét đưa một đơn vị đặc nhiệm tới Iraq.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon hôm qua đã ra lời kêu gọi chính quyền Thủ tướng Nouri al-Maliki phải tiến hành đối thoại để giải quyết xung đột tôn giáo - sắc tộc và cảnh báo sự tồn vong của chính đất nước Iraq đang bị đe dọa.

Những lựa chọn khó khăn

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Yahoo News hôm 17-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xác nhận Washington đang xem xét khả năng không kích ISIL.

“Đó không phải là câu trả lời tối hậu nhưng là một trong những giải pháp quan trọng - ông Kerry nhấn mạnh - Khi phiến quân thực hiện các vụ thảm sát, chúng ta phải ngăn chặn chúng”.

Trước đó người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kerby cũng khẳng định với các tàu chiến và máy bay ở vịnh Ba Tư, Tổng thống Obama “có trong tay đủ sự lựa chọn để bảo vệ người dân Mỹ và lợi ích Mỹ tại Iraq”.

Tuy nhiên báo mạng Politico dẫn lời một số chuyên gia quân sự Mỹ nhận định Nhà Trắng và Lầu Năm Góc trước hết phải xác định mục tiêu rõ ràng là ngăn chặn ISIL tạm thời hay vĩnh viễn và thực hiện kế hoạch tấn công như thế nào.

Sẽ không dễ để không kích các mục tiêu của ISIL. Bởi giống như những gì từng xảy ra ở cả Iraq và Afghanistan, kẻ thù của chính quyền Iraq hiện tại là lực lượng không mặc đồng phục, không có vũ khí hạng nặng, có thể lẩn trốn giữa cộng đồng thường dân tại các khu vực đông dân cư.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki đã không còn đề nghị Mỹ viện trợ vũ khí mà muốn Washington can thiệp trực tiếp vào nước này - điều mà đến giờ ông Obama và Bộ Quốc phòng rất lưỡng lự. Một trong những giải pháp Washington đang xem xét là hợp tác với Iran để chặn bước tiến của ISIL.

Bất kỳ sự hợp tác nào giữa Mỹ và Iran để hỗ trợ Iraq cũng là hoàn toàn không có tiền lệ kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. Các nhà quan sát nhận định điều đó cho thấy Mỹ lo ngại đến thế nào về bước tiến của ISIL.

Tuy nhiên việc hợp tác với Iran có thể khiến các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông là Saudi Arabia và Israel phản ứng mạnh mẽ.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên