10/05/2014 01:09 GMT+7

ASEAN lo ngại khó tìm sự đồng thuận về biển Đông

THANH TUẤN (từ Nay Pyi Taw)
THANH TUẤN (từ Nay Pyi Taw)

TT - Biển Đông tiếp tục là vấn đề nóng nhất của Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) của ASEAN diễn ra chiều qua.

rGmZ99nX.jpg
Các trưởng SOM của ASEAN bắt tay trước thềm hội nghị - Ảnh: T.Tuấn

Cuộc họp ở khách sạn Royal Ace bắt đầu muộn gần nửa giờ so với lịch trình ban đầu. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh (trưởng SOM ASEAN của VN) và các quan chức trước đó có một loạt cuộc gặp bên lề để vận động cho vấn đề hóc búa nhất với ASEAN lúc này: đưa ra thông điệp gì của ASEAN trước việc Trung Quốc gây hấn ở biển Đông.

Khó tìm đồng thuận

"Đương nhiên mọi chuyện đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều rồi. Những động thái (của Trung Quốc) không hề thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực"

Một quan chức giấu tên của Philippines thừa nhận

Một thành viên trong đoàn của VN thừa nhận việc thuyết phục các nước trong ASEAN để có tiếng nói thống nhất về tình hình biển Đông lúc này là rất khó.

Do lợi ích khác nhau trong mối quan hệ với Bắc Kinh, ra một thông điệp mạnh mẽ với Trung Quốc luôn là thách thức.

Năm 2012, ASEAN từng không ra được tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Phnom Penh.

Ông Wan Zaidi Wan Abdullah của đoàn Malaysia thừa nhận đây là vấn đề mà nước ông cũng rất quan tâm. “Vấn đề của ASEAN giờ là tìm được đồng thuận về vấn đề này. Chúng tôi đương nhiên là rất quan ngại” - ông nói bên lề hội nghị.

Trưởng SOM của Philippines là Thứ trưởng ngoại giao Evan P. Garcia, người liên tục hứa sẽ trả lời phỏng vấn báo giới nhưng sau đó phải từ chối vì tình hình phức tạp trên biển.

“Chúng tôi vẫn đang bàn thảo và cần sự thống nhất của các thành viên ASEAN. Chúng tôi chưa thể tuyên bố được” - ông Garcia nói với Tuổi Trẻ bên thềm cuộc họp.

Giới chuyên gia nói những căng thẳng gần đây có thể làm lộ những chia rẽ trong nội bộ ASEAN. “Biển Đông luôn là chủ đề tại ASEAN và những diễn biến mới đây trở thành chủ đề quan trọng hàng đầu tại hội nghị” - Ian Storey của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) nói với Tuổi Trẻ.

Ông Storey cho rằng sẽ khó có đột phá nhiều tại hội nghị do sự khác biệt giữa các nước.

Hi vọng về COC

Cuộc họp SOM thống nhất nội dung cho cuộc họp ngoại trưởng sẽ khai mạc hôm nay và hội nghị cấp cao sẽ bắt đầu vào ngày mai.

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Vinh, “về cơ bản, các nước đã nhất trí được nội dung cho các hội nghị quan trọng vào ngày mai và ngày kia về xây dựng cộng đồng ASEAN sao cho thành công, vì cái đích của nó là vào cuối năm 2015”.

Trả lời Tuổi Trẻ, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm kết thúc Bộ quy tắc ứng xử (COC) trên biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN.

“Những diễn biến kiểu này luôn là điều chúng tôi quan ngại. Những tình huống như vừa qua cho chúng ta thấy điều quan trọng của việc phải sớm kết thúc đàm phán COC vì nguy cơ của khủng hoảng, nguy cơ của việc leo thang căng thẳng là có thật. Tôi hi vọng cuộc gặp các ngoại trưởng ngày 10-5 và cuộc gặp của các lãnh đạo sau đó một ngày sẽ tái khẳng định mạnh mẽ thông điệp (về việc sớm kết thúc đàm phán COC) này”.

Thủ tướng lên đường sang Myanmar hôm nay

Hôm nay (10-5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn VN đến Myanmar tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24, diễn ra ngày 11-5.

Với chủ đề “Đoàn kết hướng tới một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng”, hội nghị lần này dự kiến tập trung bàn về tình hình triển khai lộ trình xây dựng cộng đồng ASEAN, tương lai của cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại của ASEAN và định hướng tương lai. Dự kiến lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thông qua Tuyên bố Nay Pyi Taw về xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

Tuy nhiên tại các phiên họp lần này, VN sẽ nêu rõ các hành động của Trung Quốc như công bố “Biện pháp thực thi Luật ngư nghiệp Trung Quốc của tỉnh Hải Nam”, tổ chức tập trận tại biển Đông, đưa giàn khoan nước sâu HD981 và các tàu hộ tống vi phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Hành động trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của VN; vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 cũng như các cam kết và thỏa thuận khu vực, trong đó có Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Tuyên bố chung cấp cao ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC.

LÊ KIÊN

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: “Các nước ASEAN đều quan ngại”

“Đoàn VN đã chia sẻ về tình hình và các diễn biến phức tạp ở biển Đông. Trong đó chúng ta nêu rõ Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD981 cùng với nhiều tàu, trong đó có tàu quân sự, vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN. Chúng tôi coi rằng đây là sự vi phạm rất nghiêm trọng đối với luật pháp quốc tế, công ước Luật biển và cam kết của các bên trong Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Chúng ta cho rằng ở đây có nguy cơ đối với hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực. Trên cơ sở sự chia sẻ của chúng ta thì các nước ASEAN cũng đều bày tỏ quan ngại về diễn biến mới xảy ra với hành vi của Trung Quốc. Đồng thời ASEAN cần có tiếng nói chung, thống nhất về tình hình này nhằm bảo đảm được hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và những nguyên tắc đã được đề ra trong tuyên bố ASEAN 6 điểm như tôn trọng luật pháp quốc tế, công ước Luật biển, thực hiện một cách đầy đủ các nghĩa vụ đã được đề ra trong tuyên bố DOC cũng như sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử (COC).

Trong bối cảnh phức tạp hiện nay thì phải kêu gọi kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không làm leo thang căng thẳng và giải quyết các vấn đề một cách hòa bình. Đây là những nhận thức rất quan trọng.

Trong trao đổi chiều nay (9-5), các nước đều bày tỏ “tình hình rất đáng quan ngại và ASEAN cần có tiếng nói thống nhất”. Các nước đều thống nhất rằng vụ việc là rất nghiêm trọng, xảy ra ngay tại khu vực và diễn ra ngay trước hội nghị cấp cao của ASEAN và ASEAN cần phải lên tiếng.

THANH TUẤN (từ Nay Pyi Taw)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên