24/04/2014 08:58 GMT+7

Nhật muốn phòng vệ như thế nào?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Ông Obama hứa hẹn gì với ông Abe trong chuyến đi này không hẳn quan trọng bằng tái khẳng định việc nước Nhật từ nay sẽ lo việc phòng vệ của mình như thế nào.

Nhu cầu sống còn đó của Nhật đã bắt đầu thể hiện từ cuộc họp 2+2 (bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng) Mỹ - Nhật ở Tokyo mà cả hai bên gọi là “cuộc gặp lịch sử” trong thông cáo chung ngày 3-10 năm ngoái.

“Lịch sử” trong ý nghĩa lịch sử nay đang ở một giai đoạn hoàn toàn mới, khác hẳn với các giai đoạn trước, tính từ năm 1945 khi Nhật buộc phải buông vũ khí, bị tướng McArthur của Mỹ “quân quản”, rồi thì núp dưới cái dù bảo vệ của Mỹ.

Người Nhật nay không muốn thụ động đóng vai trò “cái khiên” trong khi Mỹ là “mũi giáo” như trong “Hướng dẫn quốc phòng song phương” năm 1978, hay vai trò “hậu phương” còn Mỹ ở “tiền phương” qua phân bố theo địa lý hoặc nhiệm vụ hiện nay, mà là trên khả năng thực lực của mỗi bên, theo như phân tích của James L. Schoff thuộc chương trình Carnegie châu Á.

Điều này có thể thấy qua tin “lẩn” sau tin Nhật đang đợi dàn rađa cơ động AN/TPY-2 băng tần X thứ hai sẽ được Mỹ lắp đặt vào cuối năm này. Truyền thông ít đưa thêm chi tiết là chính Tập đoàn Raytheon (Mỹ) sản xuất rađa trên đang đòi Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries (Nhật) chuyển nhượng kỹ thuật một số bộ phận do Mitsubishi sáng chế gắn trong tên lửa đánh chặn Patriot (PAC-2) phiên bản của Nhật.

Sẽ không còn là “hậu phương” hay “tiền phương”. Thông cáo chung 2+2 năm ngoái, hai bên cũng đã nhất trí “hoan nghênh những nỗ lực của nhóm công tác về việc đồng sử dụng và chia sẻ (các căn cứ quân sự) nhằm… tăng cường tư thế của Lực lượng phòng vệ của Nhật trong khu vực, bao gồm các đảo phía tây nam của Nhật Bản”. Điều này hôm 6-4, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel, trong chuyến đi tiền trạm cho Tổng thống Obama, đã ngỏ ý “hoan nghênh các nỗ lực của Nhật nhằm đóng một vai trò chủ động hơn nữa trong việc đóng góp cho hòa bình và ổn định toàn cầu và khu vực, bao gồm cả việc xem xét lại việc giải thích hiến pháp liên quan đến quyền tự vệ tập thể”.

Theo Bộ trưởng quốc phòng Nhật, sẽ có một thông cáo chung giữa hai lãnh đạo trong hôm nay (24-4) bao gồm nhiều vấn đề an ninh liên quan không chỉ đến Nhật Bản cùng các nước lân cận, mà còn về cả các vấn đề thế giới, như tình hình Ukraine, nhằm tránh biến thành tiền lệ cho một xu hướng (ly khai và hỗ trợ ly khai) nhất định sẽ đe dọa tính toàn vẹn của các nước, và cả Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nhưng cốt lõi của cuộc gặp Obama - Abe sẽ là việc Nhật muốn phòng vệ theo sức của mình.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên