Số thi thể vụ chìm phà tăng dầnNguyên nhân chìm phà Sewol: đổi hướng đột ngộtTín hiệu cấp cứu đầu tiên từ phà Sewol là của hành khách
Các thợ lặn bắt đầu suy kiệt vì cuộc tìm kiếm khó khăn - Ảnh: Reuters |
Theo Hãng tin Yonhap, trong ngày hôm qua các thợ lặn quân đội và dân sự tiếp tục phát hiện thêm nhiều thi thể trong tầng ba và tầng bốn của chiếc phà Sewol. Nhà chức trách cho biết số người chết đã tăng lên 152. Như vậy vẫn còn 150 người mất tích. Trước đó, một số người sống sót cho biết khi tai nạn xảy ra, rất nhiều học sinh đã tụ tập ở căngtin tầng ba. Tuy nhiên các thợ lặn không phát hiện bất cứ ai tại khu vực này. Hiện thời tiết trên biển vẫn thuận lợi cho cuộc tìm kiếm.
Mất ngủ vì ám ảnh
"Chúng ta là một xã hội an toàn hay chỉ là loại người hạng ba?" Báo JoongAng |
Hiện 550 thợ lặn quân đội và dân sự Hàn Quốc vẫn đang miệt mài tìm kiếm các nạn nhân trong làn nước giá lạnh. Tuy nhiên các quan chức tiết lộ nhiều thợ lặn mắc bệnh vì lần mò dưới nước quá lâu. Sự thay đổi áp lực khiến nhiều người bị nôn mửa, đau nhức cơ thể, một số người bị liệt cánh tay... Một số thợ lặn mô tả cảm giác kinh hoàng khi tìm kiếm bên trong chiếc phà. “Thật khủng khiếp khi bạn chạm mặt một thi thể trong làn nước đục ngầu - AFP dẫn lời thợ lặn dân sự Lee Jun Ho - Đến đêm bạn không thể nào chợp mắt được”.
Còn thợ lặn Hwang Dae Sik khẳng định với Reuters rằng đây là “công việc khó khăn và đau đớn nhất trong sự nghiệp” của anh. Báo DongA Ilbo dẫn nguồn tin từ Seoul tiết lộ khám nghiệm tử thi cho thấy nhiều nạn nhân, phần lớn là học sinh, đã bị gãy ngón tay. Các chuyên gia pháp y cho biết điều đó cho thấy các nạn nhân đã cố trèo bám để chống chọi với tử thần vào những phút cuối cùng.
Theo báo New York Times, mới đây một nghị sĩ Hàn Quốc công bố số liệu cho thấy phà Sewol chở gấp ba lần lượng hàng hóa cho phép. Đây có thể là một yếu tố dẫn tới vụ tai nạn. Tổng thống Park Geun Hye cũng cho rằng nhà chức trách đã buông lỏng quản lý các công ty vận tải đường thủy.
Các công tố viên Hàn Quốc đã tổ chức khám xét Công ty Chonghaejin có trụ sở ở Incheon, chủ sở hữu phà Sewol. Hơn 70 nhân viên công ty này bị cấm đi lại trong vòng 30 ngày. Chonghaejin bị cáo buộc vận hành chiếc phà quá cũ với nhiều vấn đề về cơ khí.
Mặc cảm tội lỗi
May mắn thoát chết nhưng mặc cảm tội lỗi đang đè nặng lên tâm trí nhiều hành khách sống sót sau vụ chìm phà. Hãng tin BBC dẫn lời hành khách Choi Eun Su khi phà bắt đầu bị nghiêng, các container đồng loạt rơi xuống biển. Anh hiểu rằng thảm họa đang xảy ra. “Tôi kịp bám vào lan can trên boong. Khi đó tôi nhìn thấy nhiều học sinh bị mắc kẹt trong căngtin. Các em liên tiếp trượt ngã. Chúng tôi cố kéo một số em lên bằng vòi cứu hỏa nhưng quá khó” - anh Choi kể.
Do đó anh Choi và các hành khách khác quyết định trèo lên phía trên để thoát thân. “Giờ tôi vô cùng hối hận vì đã hành động như vậy” - anh Choi thừa nhận. Theo AFP, các bác sĩ điều trị cho những người sống sót trẻ tuổi cho biết khoảng 20% tỏ dấu hiệu bị chấn thương tâm lý và cần được điều trị lâu dài. Ông Jang Dong Woon, đại diện gia đình các học sinh sống sót, khẳng định con cái họ cần phải được xem là “nạn nhân” thay vì “người sống sót”.
“Rất nhiều em nói rằng chúng cảm thấy có tội vì đã sống sót trong khi bạn bè chết và mất tích” - ông Jang cho biết. Một số học sinh thậm chí bị ám ảnh đến mức không dám đóng cửa sổ nhà vì sợ “nước bất ngờ ập vào”.
Bác sĩ tâm lý Ha Jung Mi, người đang tư vấn cho người thân các hành khách mất tích trên đảo Jindo, cảnh báo nhiều người có thể sẽ tự sát do quá đau buồn. Chuyên gia tâm lý Sohn Jee Hoon cho biết phần lớn họ đang trong trạng thái hỗn loạn tâm lý, vừa bị sốc, giận dữ, đau đớn... “Tình trạng hiện tại là cực kỳ đáng lo ngại” - chuyên gia Sohn nhận định. Hàn Quốc là nước có tỉ lệ tự sát cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD): 33,5 trên 100.000 người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận