Trong suốt tuần, qua các phương tiện truyền thông, Philippines liên tục khẳng định sẽ hoàn tất hồ sơ vụ kiện chống yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông và đệ trình lên Hội đồng trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc, bất chấp Bắc Kinh gây áp lực yêu cầu Philippines từ bỏ vụ kiện này.
Muốn khẳng định vị trí
Báo Inquirer Daily dẫn lời nhóm luật sư Anh và Mỹ đại diện cho Philippines khẳng định Manila đang đấu tranh về mặt pháp lý quốc tế nhằm khẳng định quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Bà Abigail Valte, người phát ngôn của Tổng thống Benigno Aquino, cho biết Manila đang theo đuổi đến cùng vụ kiện dù trước đó Bắc Kinh đã đưa ra những cảnh báo với Philippines.
Bà Valte cho biết chính quyền Tổng thống Aquino cũng đã nhận thấy Hội đồng trọng tài quốc tế có thể không đủ thẩm quyền đưa ra quyết định phân xử, nhưng ít nhất vụ kiện cũng cho thấy Philippines đã đưa ra một quyết định đúng và điều này làm tăng vị trí của Philippines trên trường quốc tế.
Ông Paul Reichler, trưởng nhóm luật sư đại diện cho Philippines, cho biết Manila đã lập hồ sơ kiện từ tháng 1-2013. Song Trung Quốc đã từ chối có mặt trong vụ này. Các chuyên gia pháp lý cho biết Hội đồng trọng tài sẽ mất vài tháng để đánh giá vụ việc.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario khẳng định Philippines mong muốn hội đồng trọng tài sẽ làm rõ quyền của Manila đối với các nguồn tài nguyên trong khu vực EEZ của mình cũng như quyền thực thi pháp luật của họ trong các khu vực này. “Chúng tôi mong muốn vụ phân xử là một giải pháp mở, thân thiện và bền vững đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ” - ông del Rosario cho biết.
Tăng sức nặng pháp lý
Trong đơn kiện của mình, Philippines cáo buộc các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông cách xa Trung Quốc đến 870 hải lý (tức 1.611km) đều là phi pháp lẫn phi lý theo UNCLOS mà hai bên đều ký kết năm 1982.
Biên bản ghi nhớ mà Philippines đệ trình lên ITLOS còn bao gồm cả lập trường của Manila đối với đường chín đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò của Trung Quốc. Trung Quốc đang đòi hỏi chủ quyền trên hầu như toàn bộ biển Đông, phớt lờ các tuyên bố chủ quyền của các bên như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trung Quốc vẫn cương quyết Hôm 26-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phản ứng Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận và cũng không tham gia bất kỳ vụ kiện nào do Philippines khởi xướng. “Chúng tôi yêu cầu Philippines chấm dứt những hành động sai lầm của mình và hãy đi đúng hướng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán, nhằm không làm tổn hại các mối quan hệ song phương Trung Quốc - Philippines” - ông Hồng Lỗi nhấn mạnh. Trong bài phát biểu từ Berlin hôm 28-3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng Bắc Kinh sẽ không hành động quá khích trong tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhưng vẫn kiên quyết bảo vệ lợi ích của mình ở đó. “Liên quan đến vấn đề biển Đông, Trung Quốc sẽ không gây ra những khó khăn cho mình nhưng chúng tôi cũng sẽ không e ngại những rắc rối do các nước khác gây ra. Khi ảnh hưởng đến chủ quyền cố hữu của chúng tôi thì chúng tôi sẽ bảo vệ dứt khoát những lợi ích đó” - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố. |
Phóng to |
Tàu tuần duyên Trung Quốc (trên) cố ngăn một chiếc tàu tiếp tế của Philippines ở bãi Second Thomas ngày 29-3 - Ảnh: AFP |
Tàu Philippines phá vòng vây
Hôm qua, một chiếc tàu tiếp tế của Philippines đã chọc thủng vòng vây của lực lượng tuần duyên Trung Quốc để tiếp cận các binh sĩ đóng tại một bãi đá ngầm thuộc khu vực tranh chấp trên biển Đông. Phóng viên AFP có mặt trên máy bay quân sự của Philippines cho biết cuộc đối đầu kéo dài hai giờ giữa tàu Philippines, vốn là một tàu đánh cá chở theo binh sĩ, với tàu tuần duyên Trung Quốc tại bãi Second Thomas (bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Tàu này đến tiếp tế cho một số binh sĩ Philippines đang đóng trên “căn cứ” là một chiếc tàu chiến bị mắc cạn tại đây từ năm 1999.
AFP mô tả bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đã vây khu vực Second Thomas khi tàu của Philippines tiến đến. Hai tàu trong số tàu Trung Quốc đuổi theo tàu của Philippines và ngăn nó tiếp cận bãi cạn, có lúc chỉ cách nhau vài trăm mét. Tuy nhiên, tàu Trung Quốc đã phải bỏ cuộc khi tàu Philippines đi vào vùng nước nông. Quân đội Philippines cho biết chiếc tàu cá đã hoàn thành sứ mệnh tiếp tế và luân chuyển binh sĩ đóng trên chiếc tàu hải quân. Bộ Ngoại giao Philippines sau đó đã lên tiếng chỉ trích động thái đe dọa của tàu Trung Quốc.
t.phương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận