23/03/2014 09:54 GMT+7

Quan sát viên quốc tế đến Ukraine

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Các quan sát viên quốc tế lên đường trở lại Kiev hôm nay (23-3) sau khi hai thỏa thuận được ký kết giữa châu Âu với Ukraine và Nga với Crimea xé toạc Ukraine.

Nga - Mỹ hội đàm về UkraineCrimea tuyên bố độc lập, tách khỏi UkrainePhương Tây dọa trừng phạt Nga trong tuần này

qvZOLebN.jpgPhóng to
Người Nga ăn mừng sáp nhập Crimea ở Matxcơva ngày 22-3 - Ảnh: Reuters

Ngày 22-3, cờ Nga đã được cắm trên chiếc tàu ngầm duy nhất của Ukraine, chiếc Zaporizhzhia. Theo Hãng tin Nga RIA Novosti, tàu Zaporizhzhia sẽ gia nhập hạm đội Hắc Hải của Matxcơva sau khi thuyền trưởng và hơn nửa thủy thủ đoàn rời bỏ tàu. “Một nửa thủy thủ đoàn còn lại sẵn sàng phục vụ Nga. Họ biết rõ con tàu và sẽ tiếp tục nhiệm vụ” - tư lệnh Anatoly Varochkin của hạm đội Nga cho biết. Hơn 70 đơn vị quân đội của Ukraine ở Crimea đã gia nhập lực lượng vũ trang Nga trong tuần này.

AFP tối 22-3 đưa tin binh lính và xe bọc thép Nga đã nổ súng chỉ thiên khi xông vào một căn cứ không quân ở Crimea trong khi ở miền đông Ukraine, hàng ngàn người biểu tình đòi trưng cầu ý dân tách khỏi Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho tổ chức tiệc pháo hoa chào đón Crimea tại thành phố Matxcơva và hai thành phố trên bán đảo là Sevastopol và Simferopol.

Giám sát 6 tháng

Reuters ngày 22-3 cho biết Nga đã thống nhất với Tổ chức Hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) về việc gửi phái đoàn quan sát viên đến Ukraine nhằm “xoa dịu căng thẳng, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh tại đây”. Theo thỏa thuận, nhóm 100 quan sát viên đầu tiên có mặt tại Kiev trong vòng 24 giờ và đặt trụ sở chính tại đây cho sáu tháng hoạt động sắp tới. Con số có thể tăng lên 500 người nếu cần thiết.

Các quan sát viên sẽ làm việc tại chín điểm nóng ở miền trung, đông, nam và tây Ukraine như Donetsk, Lugansk, Kharkov, Odessa... “Nga hi vọng rằng sự khách quan và không thiên vị của các quan sát viên quốc tế sẽ giúp khắc phục được cuộc khủng hoảng bên trong Ukraine” - Bộ Ngoại giao Nga nói rõ.

Tuy nhiên việc phái đoàn sẽ vào bán đảo Crimea - vốn trước đó đã có việc những người vũ trang nổ súng cản đường các quan sát viên quốc tế - hay không vẫn còn tranh cãi. Mỹ tuyên bố phái đoàn quan sát được phép đến Crimea và các phần lãnh thổ khác của Ukraine, trong khi Matxcơva khẳng định bán đảo đã là một phần của Nga.

Trong khi đó, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cho biết sẽ họp về vấn đề Ukraine trong tuần sau.

Chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào các quan chức thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn siết chặt nhưng liệu nó có đủ sức để Matxcơva thay đổi quan điểm về vấn đề Crimea hay không vẫn còn là dấu hỏi. Tờ Guardian của Anh đưa tin các lãnh đạo châu Âu trong cuộc họp ở Brussels hôm 21-3 đã lên kế hoạch cho cuộc chiến thương mại với Nga nếu Matxcơva can thiệp thêm vào các phần đất của Ukraine ngoài Crimea.

Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định “Nga cần châu Âu hơn là châu Âu cần Nga”. Canada cùng ngày cũng tham gia trừng phạt Ngân hàng Rossiya và đưa thêm 14 quan chức Nga vào danh sách trừng phạt kinh tế.

Sau khi ký kết hiệp ước liên kết chính trị với Ukraine, châu Âu tuyên bố sẽ tăng gói viện trợ cho Kiev lên 2,2 tỉ USD. Phần liên kết kinh tế, bao gồm thành lập khu vực tự do thương mại EU - Ukraine, sẽ được ký kết sau cuộc bầu cử ngày 25-5 của Kiev, theo thủ tướng lâm thời của Ukraine Arseniy Yatsenyuk.

Trong khi đó bà Susan Rice, cố vấn an ninh Mỹ, cho biết Tổng thống Obama cũng dự kiến công du châu Âu nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong một động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Kiev, hôm 21-3 Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã trình dự luật viện trợ cho Ukraine theo yêu cầu của ông Obama.

Quan chức Nga vẫn giữ quan điểm trả đũa

Dù ông Putin đã tuyên bố kiềm chế việc trả đũa phương Tây, các quan chức cấp cao Nga tiếp tục đe dọa sẽ đáp trả mạnh tay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây: “Thật đáng tiếc là châu Âu đã đưa ra một quyết định xa rời thực tế. Nhưng dĩ nhiên phía Nga vẫn có quyền đáp lại những biện pháp (châu Âu) đã đưa ra”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng cho biết Matxcơva đang chuẩn bị công bố Sách trắng về cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó ông cho rằng không có xung đột giữa Nga và Ukraine.

Dù vậy, tác động của các biện pháp cấm vận vẫn chưa rõ vì theo báo Guardian, ông Putin khi ký hiệp ước sáp nhập Crimea đã bật cười và các chính trị gia Nga vẫn đùa nhau về sự trừng phạt của Mỹ. Ông Putin cũng đã hứa sẽ bảo vệ Ngân hàng Rossiya, đối tượng nằm trong danh sách bị cấm vận của Mỹ và châu Âu. “Cá nhân tôi không có tài khoản nào ở đó (Rossiya) nhưng chắc chắn là tôi sẽ mở một tài khoản vào thứ hai” - Tổng thống Putin đùa.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên