16/01/2014 07:20 GMT+7

Mỹ khó cải tổ hoạt động do thám

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Tổng thống Barack Obama sẽ công bố những đề xuất cải tổ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) tại Bộ Tư pháp vào ngày 17-1, một tuần sau khi gây ra những tranh cãi trong quốc hội.

Báo Mỹ kêu gọi khoan dung cho Edward SnowdenLHQ kêu gọi chấm dứt hoạt động do thám điện tử

WkXP35SU.jpgPhóng to
Người ủng hộ cựu nhân viên Edward Snowden trên đường phố Sao Paulo, Brazil - Ảnh: Reuters

Trong tuần rồi, Tổng thống Obama bên ngoài vẫn tập trung vào các vấn đề bất bình đẳng thu nhập, các sáng kiến giúp đỡ người thất nghiệp, nhưng bên trong ông và các trợ lý lại bận rộn thúc đẩy cải cách chương trình gián điệp của NSA. Ông thảo luận với các quan chức tình báo cấp cao, ủy ban cố vấn Nhà Trắng về các vấn đề tự do công dân, trình bày kế hoạch cải tổ với một nhóm nhà làm luật lưỡng đảng, gọi điện mời Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Washington...

Theo tờ Wall Street Journal, đề xuất của ông Obama sẽ mở rộng việc bảo vệ quyền riêng tư ra bên ngoài nước Mỹ và tái cấu trúc chương trình thu thập thông tin quy mô của NSA. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết mục đích của tổng thống là lấy lại niềm tin của người dân vào các chương trình do thám của NSA và đưa các chương trình này vào khuôn khổ chuẩn mực, tức hoạt động vì an toàn của người dân, đất nước chứ không phải làm vì có khả năng làm được.

Cần áp dụng trên toàn cầu

Ông Obama hôm 14-1 cho biết đang gần hoàn tất kế hoạch cải tổ. Tuy nhiên theo bà Karen Greenberg - giám đốc Trung tâm An ninh quốc gia thuộc Trường luật Fordham, tổng thống Mỹ sẽ yêu cầu các công ty tư nhân chịu trách nhiệm lưu trữ dữ liệu cá nhân và chính phủ không thể tự do tiếp cận những thông tin này nếu không có yêu cầu. Nhưng đề xuất này khiến nhiều nghị sĩ và nhà cung cấp dịch vụ mạng lo lắng vì trách nhiệm lưu trữ dữ liệu sẽ gây tốn kém và còn phải tranh cãi nhiều.

Tổng thống Obama cũng có thể vạch ra một tiến trình pháp lý để bảo vệ sự tự do của công dân. Chẳng hạn khi chính phủ yêu cầu tòa án cho phép thu thập thông tin, một hội đồng hoặc cá nhân sẽ được chọn để bảo vệ quyền riêng tư và buộc chính phủ phải đưa ra lý do xác đáng. “Tổng thống Obama, bất chấp những chỉ trích vừa qua và bản thân ông cũng muốn giữ bí mật một số thứ, vẫn luôn muốn là một vị tổng thống hướng tới sự minh bạch” - bà Greenberg bình luận.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng hoạt động của NSA trên toàn cầu cũng cần cải tổ và cần chọn một lãnh đạo từ lĩnh vực dân sự cho cơ quan này. Chuyên gia Cass Sunstein, thuộc hội đồng đề xuất các cải cách NSA, nhấn mạnh rằng cải tổ không nhằm phá hủy NSA mà để cải thiện hoạt động của cơ quan này.

Chia rẽ

Dù ông Obama có tuyên bố điều gì ngày 17-1, ông cũng sẽ cần phải có được cái gật đầu của quốc hội để triển khai kế hoạch cải tổ. Tuy nhiên, cũng như dư luận Mỹ, Thượng viện và Hạ viện Mỹ vẫn chia rẽ về việc này. Trang Deutsche Welle dẫn lời cựu thành viên Ủy ban Tình báo quốc hội Fred Fleitz cho biết nhiều nhà làm luật muốn ngăn việc theo dõi vì xâm phạm quyền của công dân Mỹ và thiếu hiệu quả. Còn thượng nghị sĩ Patrick Leahy khẳng định: “Tôi tin chắc là chúng ta phải giới hạn sức mạnh do thám của chính phủ”.

Nhưng một số khác lại lo ngại việc cải tổ và đặt ra nhiều quy củ có thể làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Dù vậy, hôm 14-1, Tổng thống Obama đã đề cập khả năng có thể ký một số quyết định hành pháp mà không cần sự thông qua của quốc hội.

Thậm chí giới phân tích cũng chưa dự đoán được liệu kế hoạch của ông Obama sẽ được triển khai hay vẫn còn dở dang khi tổng thống kết thúc nhiệm kỳ. Một số khác cho rằng tổng thống sẽ không đưa ra những cải tổ thật sự cho NSA khi ông dự kiến sẽ không dời cơ quan quốc phòng mạng của NSA về Lầu Năm Góc hay thay đổi các sứ mệnh thu thập thông tin của cơ quan này.

Đức - Mỹ bất đồng về do thám

Tờ Local (Đức) ngày 15-1 đưa tin cho biết nhiều khả năng Mỹ và Đức sẽ không thể ký được thỏa thuận không do thám lẫn nhau do vụ bê bối nghe lén bị cựu nhân viên Edward Snowden phanh phui. Các nguồn tin thân cận với đàm phán cho hay phía Mỹ từ chối cam kết ngừng nghe lén các thành viên Chính phủ Đức và bác bỏ việc cung cấp thông tin về thời điểm bắt đầu nghe lén điện thoại di động của bà Merkel, vốn gây sóng gió trong quan hệ song phương gần đây. Truyền thông Mỹ tháng trước cũng đưa tin Washington không muốn ký thỏa thuận không do thám với Đức vì e ngại sẽ tạo tiền lệ cho các nước khác.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên