17/11/2013 09:23 GMT+7

Hàng cứu trợ quốc tế đã đến tay người dân Philippines

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TT - Phải mất đến tám ngày sau khi bão Haiyan quét qua và hủy diệt Philippines, các nạn nhân sống sót ở những “vùng đất chết” mới nhận được hàng cứu trợ từ cộng đồng quốc tế.

QADGGksP.jpgPhóng to
Trực thăng chở hàng tiếp tế của Hải quân Mỹ cho người dân thị trấn Giporlos, đảo Eastern Samar - Ảnh: AFP

Tàu sân bay hạt nhân USS George Washington của Mỹ, với bảy tàu hộ tống, chở theo 5.000 binh sĩ và hơn 80 máy bay, đến vùng biển Philippines từ tối 14-11 đã thật sự có hiệu quả.

AFP dẫn nguồn tin quân đội Mỹ cho biết trực thăng từ tàu sân bay Mỹ đã bay gần 200 lượt để thả tổng cộng 118 tấn hàng tiếp tế gồm lương thực, nước sạch và lều bạt cho các nạn nhân ở những vùng hẻo lánh, di tản gần 2.900 người đến nơi an toàn.

AFP dẫn thông tin từ các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 170.000 người đã nhận được gạo và thực phẩm, trong khi tổ chức Chữ Thập đỏ và Thầy thuốc không biên giới cho biết họ hi vọng đến cuối tuần sẽ tổ chức được các cơ sở y tế lưu động tại Tacloban.

Thông tin cũng cho biết một tàu chở hàng quân sự của Na Uy đã cập bến Tacloban hôm 15-11, chở theo 40 tấn gạo, 6.200 túi đựng thi thể và thiết bị y tế do Chương trình lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc cung cấp.

Cứu trợ từ gia đình

Chính phủ Philippines trước đó đã bị chỉ trích về công tác cứu trợ, còn các nạn nhân thì giận dữ vì hàng cứu trợ đến quá chậm. Chính vì thế, trước khi tàu sân bay Mỹ tạo “cú hích” trong việc phân phối hàng tiếp tế, nhiều gia đình Philippines có người thân nằm trong vùng bị bão hủy diệt đã tự mình hành động trong khi hàng cứu trợ quốc tế chất đống ở sân bay mà không đến được với nạn nhân.

Trong thông báo phát đi sáng 16-11, Hội đồng quản lý và giảm nhẹ nguy cơ thảm họa quốc gia Philippines đưa ra con số 3.633 người chết và 12.487 người bị thương, tiến gần đến con số do Liên Hiệp Quốc ước tính là 4.460 người chết.

AFP cho hay nhiều người Philippines làm việc ở nước ngoài đã phải di chuyển cả nửa vòng Trái đất để đến với người thân tại “vùng đất chết”.

Trong khi đó, nhiều người đang làm những việc thu nhập thấp ở thủ đô Manila cũng vay mượn tiền từ bạn bè để mua hàng tiếp tế.

Anh Nick Catuja, làm tài xế cho một gia đình ở Manila, đi phà từ Manila đến thành phố Ormoc với tất cả số gạo, mì gói, nước uống, cá hộp và đèn pin mà anh có thể mang theo, bởi “có quá ít hàng tiếp tế đến với làng tôi và gia đình tôi, bà con xóm giềng của tôi đang đói khát ở đó”.

Khó khăn vẫn còn

Song các tổ chức cứu trợ vẫn đang đối mặt với khó khăn về hậu cần để chuyển hàng đến các nạn nhân, theo Reuters. Chính quyền địa phương cho hay họ đang thiếu túi đựng thi thể, xăng và nhân sự để thu gom các thi thể còn nằm ngoài đường suốt tám ngày qua làm tình trạng mất vệ sinh nặng nề thêm.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quan ngại về các cộng đồng dân cư ở 20 hòn đảo nhỏ của Philippines, nơi đang đặt ra những thách thức “cực kỳ phức tạp” cho công tác cứu trợ. “Do đặc điểm địa lý của Philippines là quần đảo với nhiều đảo nhỏ và có quá nhiều vùng bị bão ảnh hưởng, điều này giống như chúng ta phải tiến hành bảy nỗ lực cứu hộ riêng lẻ cùng một lúc” - bà Julie Hall, đại diện WHO tại Philippines, giải thích với AFP. Phụ nữ và trẻ em vẫn là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chủ yếu vì họ không thể đến các điểm phân phát hàng cứu trợ.

Người Việt cuối cùng rời khỏi Tacloban

Chiều qua, người Việt cuối cùng, anh Nguyễn Hùng, quê Phú Yên, cùng một người cháu đã được một người thân dùng xe máy chở ra khỏi Tacloban. Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines cũng xác nhận không còn người Việt tại đây. Trước đó một ngày, anh Phước cũng đã được người thân và Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines giúp đỡ để rời khỏi “thành phố chết”.

Tâm sự với chúng tôi, anh Hùng nói: “Rất may là tôi đã thoát ra. Hầu hết người Philippines sống cùng khu đã đi hết rồi. Sau bão, tôi may mắn trữ được gạo trên cao nên cầm cự sống. Tôi cũng mua từ trước được hai bình nước lớn 20 lít nên duy trì được gần 10 ngày. Chỉ có điều mái nhà tôi tốc, mọi thứ bị phá hủy, thành ra hai chú cháu sống bằng mái nhựa che tạm trên nóc tầng hai”.

Khu nhà anh Hùng nằm ngay trên đường cao tốc trung tâm và gần khu sân vận động Astrodome, bị đổ cột điện nên không ai vào được. Muốn vào phải đi bộ trèo qua đống cột điện và nhà đổ. Theo anh Hùng, anh cùng Phước là những người Việt Nam đầu tiên sang Tacloban cách đây hơn 10 năm. “Giờ chúng tôi mất hết vì bão. Chúng tôi chỉ mong muốn về nước chứ ở lại cũng không làm được gì. Rất mong là được sứ quán giúp đỡ” - anh Hùng nói. Mấy chục người Việt được cứu ra đến Ormoc, miền nam của Leyte phải tản đi các thành phố ở Cebu, Catbalogan và Bogod. Đồng bào sợ tập trung ở quá đông một nơi có thể bị cướp tấn công.

Gặp gỡ đồng bào người Việt vừa thoát khỏi cơn hoạn nạn, chúng tôi cũng được nghe và nhìn thấy nhiều câu chuyện cảm động. Anh Trần Văn Mẫn, một người trong nhóm vừa từ Tacloban ra được thành phố Ormoc, vẫn còn run lạnh vì phải vượt đoạn đường hơn 120km trong cơn mưa lạnh. Mẫn chào tôi, để ăn vội tô mì nóng. Đó là những gói mì được anh Hà, một đồng hương cũng đang chịu khốn khổ vì cuồng phong ở Ormoc, nấu sẻ chia. Trong cảnh khốn cùng, người còn được vài tấm áo rách rưới, cáu bẩn vì bão sẻ chia lại cho bạn chẳng còn gì. Căn nhà của anh Hà cũng trở thành nơi ở tạm của hơn 40 người Việt chạy bão trước khi họ chuyển đi những nơi khác.

Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines cho biết đã đưa 48 người Việt từ Ormoc đến Hilongos ngày 15-11 để đi phà về thành phố Cebu và Bohol. Những người bị kẹt tại Tacloban cũng sẽ cùng đoàn về Manila và sau đó về Việt Nam.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nhiều tàu cứu trợ đã cập bến TaclobanTường trình từ Philippines: Con đường kinh hoàngCảnh sát nói 10.000 người chết vì bão Haiyan bị sa thảiTàu sân bay Mỹ hỗ trợ tích cực cứu trợ tại Tacloban

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên