16/11/2013 05:05 GMT+7

Nhiều thách thức từ bài toán biến đổi khí hậu

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - Hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hiệp Quốc (LHQ) 2013 đang diễn ra tại Ba Lan đã thu hút nhiều sự chú ý hơn của các quốc gia trên thế giới sau sự tàn phá thảm khốc của siêu bão Haiyan tại Philippines.

Con người là thủ phạm gây biến đổi khí hậuBiến đổi khí hậu: Chậm hơn nhưng chưa dừng lại Bão Haiyan gây chấn động hội nghị biến đổi khí hậu

5apJHehl.jpgPhóng to
Những tảng băng trôi khổng lồ không chỉ đe dọa lưu thông trên biển mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển - Ảnh: Reuters

Các đoàn của 190 quốc gia tham dự Hội nghị lần thứ 19 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP 19) có vẻ mang trọng trách nhiều hơn trong một hội nghị rơi vào thời điểm của thảm họa. Tuy nhiên COP 19, như báo Washington Post đưa tin, không dự kiến sẽ thu về bất kỳ bước đột phá lớn nào. Thay vào đó, COP 19 được mô tả là một hội nghị nhằm đặt nền móng cho Hiệp định toàn cầu về biến đổi khí hậu năm 2015 tại Paris. Theo báo Guardian, hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2020 sau khi Nghị định thư Kyoto hết hạn.

Giám đốc điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC), bà Christiana Figueres, cũng nhận định các quan chức tại Warsaw (Ba Lan) phải tiếp tục đặt nền móng cho một thỏa thuận khí hậu tại Paris và giải thích chi tiết về tài chính để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra các nhà đàm phán cũng sẽ xem xét mức độ thiệt hại do thiên tai tại các nước đang phát triển (đặc biệt là các đảo quốc và các quốc gia như Philippines) để có mức “bồi thường” cho các tác động biến đổi khí hậu này.

Tuy nhiên mục tiêu này vấp phải không ít khó khăn và trở ngại từ một số nước lớn như Úc, Canada, Mỹ hay Trung Quốc hoặc mới nhất là Nhật. Theo Reuters hôm qua, Nhật tuyên bố hạ mức cam kết giảm phát thải nhà kính của nước này xuống còn 3,8% vào năm 2020 do việc đóng cửa hàng loạt nhà máy điện hạt nhân. Thiếu nguồn năng lượng này, nhiều nơi tại Nhật buộc phải quay về với nhiêu liệu hóa thạch như xăng, dầu khiến mức phát thải khí nhà kính tăng vọt. Theo Guardian, Canada cũng đã tỏ rõ quan điểm khi tuyên bố ủng hộ việc bãi bỏ thuế carbon của Úc.

Ngoài ra, theo Reuters, trưởng phái đoàn Trung Quốc - ông Tô Vĩ - ngày 14-11 khẳng định các quốc gia phát triển nên thực hiện cam kết hồi năm 2010 và ngay lập tức chi 30 tỉ USD như đã hứa nhằm giúp các quốc gia nghèo đối phó với tác động biến đổi khí hậu. Các quốc gia giàu có cũng cần làm rõ ý định mở rộng khoản chi này lên 100 tỉ USD mỗi năm vào năm 2020 bằng cách như thế nào. Tuy nhiên khi được hỏi về cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính vào năm 2020, ông Tô đã từ chối đưa ra bất kỳ bình luận nào.

Không ai trông chờ sẽ có được thỏa thuận quan trọng tại Warsaw. Tuy nhiên nhiều người hi vọng có thể hình thành được một kế hoạch chi tiết để bắt đầu tìm lời giải cho những câu hỏi hóc búa liên quan vấn đề này. Phải có một sự công bằng trong trách nhiệm, bổn phận và nghĩa vụ giữa các quốc gia trên thế giới trong vấn đề chung về biến đổi khí hậu hiện nay.

Những hậu quả do thiên tai gây ra ngày càng khốc liệt và chẳng chừa một quốc gia nào. Ngày 14-11, các nhà khoa học Anh lại vừa công bố thông tin về một tảng băng khổng lồ, to bằng diện tích cả khu vực Manhattan của Mỹ, đã tách khỏi Nam Cực để chu du trên biển...

Theo TTXVN, ngay từ ngày đầu tiên của hội nghị, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động liên quan. Phát biểu tại phiên khai mạc, đại diện đoàn Việt Nam cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế đã chia sẻ và bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân các nước đang chịu hậu quả của cơn bão Haiyan. Đoàn Việt Nam nhấn mạnh các thảm họa thiên tai đang diễn ra càng cho thấy những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đồng thời hối thúc các nước sớm thúc đẩy tiến trình đàm phán để đạt những thỏa thuận toàn diện đối phó với thách thức này.
ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên