Phóng to |
Chuyến công du marathon của ông Kerry mang trọng tâm lớn nhất là “khắc phục hậu quả” - Ảnh: Reuters |
Trong vài tháng qua, Washington đang đối đầu với tình trạng khá đặc biệt khi một loạt đồng minh ở Trung Đông cùng “nổi loạn” chống lại họ - đặc biệt là ba đồng minh rất quan trọng Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Cả Saudi Arabia và Israel đều lo lắng về việc Washington nồng ấm trở lại với Iran - kẻ thù truyền kiếp của cả hai. Quyết định không không kích Syria sau khi Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học thật sự đã khiến Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt thất vọng.
Cả ba nước đã có một loạt hành động khác nhau để thể hiện sự không hài lòng. Cách đây hai tuần, Saudi Arabia từ chối chiếc ghế lần đầu có được ở Hội đồng Bảo an LHQ trong khi Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, tuyên bố sẽ mua hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 3,4 tỉ USD từ Trung Quốc thay vì từ Mỹ hay là từ NATO (bất chấp việc hệ thống của Trung Quốc khó kết nối được với hệ thống vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ đang có). Với Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đang làm mọi cách để phá thỏa thuận hạt nhân với Iran - kêu gọi Quốc hội Mỹ áp đặt lệnh cấm vận cứng rắn hơn - điều có thể khiến cuộc đàm phán mới bắt đầu giữa Tehran và các nước lớn đổ vỡ. Ông Kerry rõ ràng đang đứng trước những thách thức lớn.
Ở Trung Đông, điểm dừng chân đầu tiên của ông sẽ là Saudi Arabia để gặp Quốc vương Abdullah - người ra quyết định rút lui khỏi Hội đồng Bảo an. Trong cuộc họp báo hôm 31-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki thừa nhận căng thẳng giữa Mỹ và các nước đồng minh sẽ khiến chuyến đi của ông John Kerry khó khăn, phức tạp hơn. Hơn một nửa thời gian cuộc họp báo của bà Psaki tập trung chủ yếu vào chuyện căng thẳng giữa Mỹ và các nước đồng minh, trong đó có Saudi Arabia. Dù vậy bà Psaki khẳng định: “Ngoại trưởng tin rằng việc cố gắng và có những nỗ lực ngoại giao cá nhân là cách chúng ta nên tiếp tục”.
Theo lời bà Psaki thì ông Kerry sẽ “tái khẳng định tầm chiến lược của quan hệ Mỹ - Saudi Arabia” và ca ngợi “sự lãnh đạo mà Saudi Arabia có tại khu vực”. Hiện không rõ những lời ca ngợi suông này có giúp ông Kerry hay không khi một loạt quan chức của Riyadh đã bày tỏ sự khó chịu và tức giận với chính sách Syria của Nhà Trắng. Bản thân ông Kerry từng công khai thừa nhận Saudi Arabia thất vọng vì quyết định không tấn công quân sự.
Sau Saudi Arabia, ông Kerry sẽ đến Warsaw của Ba Lan để bàn một loạt vấn đề chiến lược, trong đó có kế hoạch của NATO. Dù chỉ là chặng dừng chân ngắn ở châu Âu, Ba Lan có thể sẽ là nơi ông Kerry chịu búa rìu nhiều nhất sau những thông tin về theo dõi một loạt các nước đồng minh châu Âu mới được công bố.
Trước thềm chuyến đi, ông Kerry thừa nhận một số chương trình do thám đã đi quá xa và một số được để ở “chế độ tự động” mà quan chức Nhà Trắng không hề biết. “Trong một số trường hợp, những hành động này đã đi quá xa và chúng tôi sẽ cố để đảm bảo những việc như vậy không xảy ra trong tương lai” - ông thừa nhận. Tướng Keith Alexander, giám đốc NSA, hôm 31-10 tố giác chính các nhà ngoại giao và các đại sứ là người đã yêu cầu cơ quan tình báo theo dõi lãnh đạo của các nước.
Sau Ba Lan, ông Kerry sẽ bay ngược lại Trung Đông nơi ông sẽ đến Israel (chuyến thứ 5 từ tháng 4 tới giờ) và Palestine. Tại thời điểm ông Kerry tới Jerusalem, vòng đàm phán hạt nhân thứ hai giữa Iran và các nước lớn sẽ bắt đầu ở Geneva. Israel đã coi việc Iran có vũ khí hạt nhân là mối đe dọa với sự tồn vong của mình và công khai chỉ trích Washington về chính sách tiếp cận đối với Tehran. Thủ tướng Netanyahu vẫn liên tục chỉ trích tổng thống mới của Iran Hassan Rouhani là “sói đội lốt cừu” và cảnh báo rằng ông ta không thể tin tưởng được.
Kể từ khi thay thế bà Hillary Clinton, phần lớn nỗ lực của ông Kerry đều được dành cho Trung Đông và châu Âu. Cuộc khủng hoảng hiện tại có thể biến những nỗ lực mà ông đổ vào từ đầu nhiệm kỳ tới giờ trở thành dã tràng xe cát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận