20/10/2013 04:50 GMT+7

Trung Quốc: Thị trưởng dùng giang hồ ép dân di dời

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Việc thị trưởng Nam Kinh bị cách chức hôm qua hé lộ nhiều uẩn khúc trong việc cưỡng chế thu hồi đất đai tại thành phố này nói riêng và Trung Quốc nói chung.

Thị trưởng “cưỡng ép dân di dời” bị điều traTrung Quốc sa thải thị trưởng TP Nam Kinh

JIYqlL5w.jpgPhóng to
Cảnh sát được trang bị tận răng ngăn người dân về lại khu nhà bị tháo dỡ ở Hồ Bắc - Ảnh: Reuters

Để ép người dân di dời, một số chính quyền địa phương Trung Quốc đã nghĩ ra cách thức tạo áp lực khó tin. Họ không ngần ngại dùng xã hội đen uy hiếp người dân hoặc thuê sinh viên đóng giả cảnh sát để thị uy.

Hù dọa kiểu “giang hồ”

Tân Hoa xã hôm qua đưa tin thị trưởng thành phố Nam Kinh Quý Kiến Nghiệp bị cách chức vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Đây là quan chức cấp cao mới nhất sa lưới trong chiến dịch “đánh hổ” của Trung Quốc.

Chính quyền Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) cho biết thị trưởng Quý bị điều tra vì liên quan đến vụ án kinh tế dính líu đến một tỉ phú ngành xây dựng với số tiền 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,3 triệu USD). Ông Quý từng bị tai tiếng với vụ di dời dân để xây đường tàu điện ngầm ở Nam Kinh, từ đó gây ra cuộc biểu tình rầm rộ khiến hơn 300 người bị thương, trong đó có 56 người bị thương nặng.

Thị trưởng Quý nổi danh khắp Nam Kinh ngay từ khi nhậm chức năm 2010. Từ dạo lên nắm quyền, ông này cày xới khắp các khu thành cổ Nam Kinh và xây dựng hàng loạt công trình mới. Khắp các ngõ ngách ở Nam Kinh đâu đâu cũng là công trình xây dựng. Đến mức ông bị dân chúng gọi là “thị trưởng đào xới”, “thị trưởng xe ủi”. Vì thế, chỉ sau vài năm, thư tố cáo thị trưởng Quý bay tới tấp về trung ương.

Một người dân ở Nam Kinh phẫn nộ: “Vừa nghỉ tết xong, mở cửa ra, đập vào mắt tôi là một thông báo trưng dụng đất của chính quyền. Họ nói nhà tôi cũ rồi cần phải tháo dỡ. Nhà tôi xây hồi những năm 1990, chưa đầy 20 năm, tại sao lại nói là nhà cũ sắp hư hại? Giấy tờ giám định thì không có. Tôi cãi lý thì họ nói là nhà nước trưng dụng để phục vụ các công trình lợi ích công cộng”.

Nhưng theo Nhân Dân Nhật Báo, việc cưỡng chế thu hồi đất tại Nam Kinh được tiến hành rất cẩu thả dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc. Năm 2003, do bị cưỡng chế thu hồi đất, một người dân tên Ông Bưu phẫn uất tự thiêu tại văn phòng tháo dỡ nhà khiến ít nhất sáu nhân viên văn phòng bị thương. Sau đó không lâu, chính quyền Nam Kinh bị chỉ trích dữ dội vì khiến một người khác nhảy lầu tự tử do bị trưng thu nhà.

Gần 10 năm trôi qua, nơi Ông Bưu tự thiêu vẫn là khu vực diễn ra hàng loạt cuộc tranh chấp giữa cơ quan di dời nhà đất và người dân. Trong đó, không ít vụ có sự nhúng tay của các thế lực xã hội đen. Theo báo Thanh Niên Bắc Kinh, nhiều người dân bị chính quyền dọa “bỏ tù rục xương” nếu không di dời. Thậm chí chính quyền còn bày trò hăm dọa học sinh để răn đe gia đình các em. “Lãnh đạo quận nói chuyện với trưởng phòng giáo dục, trưởng phòng đi gặp hiệu trưởng. Ai cũng nói mẹ chồng tôi là hộ cứng đầu không chịu di dời. Nếu không di dời thì con tôi sẽ không được đi học nữa” - một phụ nữ kể lại lý do vì sao gia đình bà phải di dời.

Nhiều gia đình bị uy hiếp tinh thần kiểu như có kẻ lạ mặt lấy keo dán sắt đổ đầy vào ổ khóa, dùng đậu nành làm nghẹt ống dẫn nước, đổ phân trước cửa nhà, đập vỡ cửa kính... Báo Thanh Niên Bắc Kinh khẳng định nhiều lãnh đạo quận tin rằng những biện pháp này tuy đơn giản nhưng rất hiệu quả vì không làm chết người mà lại gây áp lực tốt.

Thuê sinh viên đóng giả cảnh sát

Hôm 17-10, ba quan chức tại thành phố Quý Dương (tỉnh Quý Châu) bị cách chức vì thuê 837 sinh viên tham gia việc dỡ nhà và trục xuất người dân khỏi đất đai của mình. Theo chính quyền Quý Dương, hôm 12-10, quận Quan Sơn Hồ cử 2.671 người đi cưỡng bức di dời 51 ngôi nhà với tổng diện tích 72.000m2 xây dựng trái phép. Trong số hơn 2.000 “nhân viên chấp pháp” trên, có đến 837 sinh viên được thuê thời vụ.

Báo Tân Kinh kể lại rằng hôm 11-10, một đoạn thông báo sáng lấp lóe trên trang trò chuyện trực tuyến QQ của Lý Minh. “Ngày mai có công việc làm thêm, làm nhân viên an ninh, thù lao 80 nhân dân tệ (khoảng 277.000 đồng VN), làm từ 8g-12g trưa, bao đưa rước, bao ăn sáng”. Thấy công việc làm thêm hấp dẫn để trang trải học phí, Lý lập tức đăng ký.

4g30 sáng hôm sau, một chiếc xe 36 chỗ đến tận căngtin trường đón sinh viên. Một người đàn ông mặc áo đặc cảnh phân phát đồng phục cho các sinh viên. Gần một giờ sau đó, Lý Minh bất ngờ khi nhìn thấy khoảng 50 xe chở hơn 800 sinh viên đến địa điểm tập kết.

Cảnh tượng gần cả trăm chiếc xe rầm rập kéo đến, dẫn đầu là chiếc xe cảnh sát màu trắng, khiến nhiều người dân trong thôn phải há hốc mồm. Nhìn xung quanh đâu đâu cũng thấy “lực lượng chấp pháp”. Đoàn người hùng hổ đủ các loại sắc phục: đồng phục màu đen dành cho nhân viên an ninh, đồng phục rằn ri, đồng phục đặc cảnh, đồng phục quản lý đô thị.

Theo báo Tân Kinh, việc chính quyền huy động sinh viên tham gia di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm xảy ra từ nhiều năm nay. Một nữ sinh viên cho biết đóng giả đặc cảnh đã trở thành công việc làm thêm hằng tháng của các sinh viên trong trường.

Các sinh viên tiết lộ chính quyền thường thuê vài trăm, thậm chí có khi hơn 1.000 sinh viên tham gia cưỡng chế tháo dỡ nhà. Các sinh viên thường được giao nhiệm vụ bao vây các căn nhà bị cưỡng chế để thị uy.

Theo một sinh viên lần đầu tiên làm đặc cảnh, những người dắt mối làm thêm chẳng bao giờ tiết lộ công việc làm thêm là mặc đồng phục để đứng thị uy này. Cho đến khi được đưa đến địa điểm tập kết các sinh viên mới ngỡ ngàng biết rằng mình đang là nhân viên an ninh. “Với lực lượng hùng hậu như vậy, chẳng người dân nào dám phản kháng cả” - một sinh viên tiết lộ.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên