09/10/2013 15:47 GMT+7

Hội nghị ASEAN chính thức khai mạc tại Brunei

QUỲNH TRUNG 
QUỲNH TRUNG 

TTO - Sáng 9-10, Hội nghị ASEAN lần thứ 23 đã khai mạc tại Brunei. Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, Trung Quốc là những quốc gia tham gia cuộc đối thoại kéo dài hai ngày với khối ASEAN ở Brunei.

Tuy nhiên hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này vắng mặt Tổng thống Barack Obama, đang bận giải quyết việc Chính phủ Mỹ đóng cửa, và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đại diện tham gia.

Ông Kerry được cho là sẽ nhận nhiệm vụ bày tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các đồng minh châu Á, đồng thời cảnh giác với việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền nhiều khu vực trên biển Đông.

ZtlNFx3h.jpgPhóng to
Các lãnh đạo khối ASEAN chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 23 tổ chức tại Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 9-10. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Lý Khắc Cường nói mối quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đang ở “một điểm xuất phát lịch sử”. “Trung Quốc sẽ không mưu cầu sự bá chủ sau khi trở nên hùng mạnh theo đường lối cũ” - ông Cường trả lời phỏng vấn báo Brunei. Ông Cường cũng kêu gọi “hòa bình, hữu nghị, và hợp tác” ở biển Đông. “Một biển Đông hòa bình là điều may mắn cho tất cả. Chúng ta cần phải hợp tác với nhau để biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác” - ông Cường nói với các lãnh đạo khối Đông Nam Á.

Trong một phát biểu đầu năm nay, ông Obama nói sẽ lấy uy tín của mình tại hội nghị ASEAN ở Brunei nhằm kêu gọi Trung Quốc và ASEAN nhanh chóng đạt được sự đồng thuận về Bộ quy tắc ứng xử chung trên biển Đông.

Tuy nhiên các nhà phân tích cũng lấy làm tiếc về sự vắng mặt của ông Obama. “Ở một mức độ nào đó, sự vắng mặt của ông Obama sẽ làm giảm sự nổi bật của vấn đề tranh chấp chủ quyền ở hội nghị lần này” - Shi Yinhong thuộc Đại học Renmin, Bắc Kinh, nhận xét.

“Và có thể là vai trò của Trung Quốc sẽ nổi bật hơn” – ông Shi nói thêm.

Theo AFP, Trung Quốc đã thành công trong việc hạ nhiệt tranh chấp chủ quyền với ASEAN bằng cách đồng ý tham gia đối thoại về COC với khối này gần đây. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đó chỉ là cách Bắc Kinh trì hoãn thời gian và dành thời gian tập trung vào việc tạo ảnh hưởng rộng khắp khu vực.

“Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp trong việc tuyên bố chủ quyền của nước này” - Ian Storey, thuộc Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, bình luận.

Cũng theo AFP, tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng khá căng thẳng. Ba quốc gia này sẽ có lịch đối thoại với toàn khối ASEAN hôm nay (9-10). Khối ASEAN sẽ đối thoại với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cuối ngày hôm nay.

Trong khi đó, Bắc Kinh bác bỏ sẽ có cuộc gặp song phương giữa Thủ tướng Lý Khắc Cường và người đồng cấp Nhật Shinzo Abe tại Brunei.

Cộng đồng ASEAN với dân số 600 triệu người mong muốn thành lập một thị trường chung để cạnh trạnh với hai gã khổng lồ kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng nhiều người hồ nghi về thời hạn thành lập cộng đồng chung ASEAN vào năm 2015.

ASEAN đang thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và New Zealand. FTA được xem là đối thủ của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

QUỲNH TRUNG 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên