27/09/2013 08:48 GMT+7

Có lẽ một lần khác

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Những kỳ vọng về một cái bắt tay lịch sử giữa Mỹ và Iran sau gần 35 năm cuối cùng đã không thể xảy ra.

Tổng thống Iran tuyên bố không phát triển vũ khí hạt nhânThế cục xoay vần

MK4zechW.jpgPhóng to
Ông Hassan Rouhani đã không có cái bắt tay lịch sử với ông Obama - Ảnh: AFP

Sau gần một tuần hai bên ra sức bắn đi các tín hiệu lạc quan trên báo đài cùng hai ngày đàm phán liên tiếp, Iran là phía đã từ chối đề nghị của Mỹ về cuộc “chạm trán” tình cờ và một cái bắt tay lịch sử.

Cho đến sáng 24-9, khi Tổng thống Barack Obama phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, quan chức Nhà Trắng vẫn tỏ ý lạc quan về khả năng “chạm trán”, đặc biệt khi ông Hassan Rouhani tỏ ra rất ôn hòa khi trả lời phỏng vấn với các đài truyền hình Mỹ.

Các hành lang ở Liên Hiệp Quốc rộn ràng tin về khả năng cuộc “chạm trán” lịch sử trong ngày. Hi vọng chỉ tắt dần khi ông Rouhani không xuất hiện tại tiệc trưa - được coi là địa điểm lý tưởng nhất - do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon tổ chức. Và đây không phải lần đầu tiên người Iran khước từ cơ hội lịch sử này.

Tháng 9-2000, phụ tá của ông Bill Clinton cũng nháo nhào sắp xếp cho cái bắt tay lịch sử như vậy với tổng thống Mohammad Khatami. Nhà Trắng đã làm mọi cách để tạo cơ hội “gặp ngẫu nhiên”, từ việc xếp bài phát biểu của ông Clinton ngay trước ông Khatami. Tới bữa trưa với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, họ cũng xếp chỗ ông Clinton ngay sát ông Khatami.

Năm 2006, ngoại trưởng Condoleezza Rice và người phó thứ nhất của mình Nicholas Burns cũng bay lên New York để chờ đón Ali Larijani, người phụ trách hội đồng tối cao về an ninh của Iran. Hi vọng của Washington khi đó cũng là một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng chiếc máy bay chở Larijani, người hiện làm chủ tịch Quốc hội Iran, đã không bao giờ rời Tehran cả. Nhà lãnh đạo tối cao Ali Khamenei lại được thêm dịp làm bẽ mặt Washington.

Các quan chức Mỹ sau ngày 24-9 giải thích rằng phái đoàn Iran nói việc vô tình chạm trán sẽ là “quá phức tạp” với nội bộ của họ. Nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham sau đó giải thích là “nên đợi thời điểm phù hợp hơn cho cuộc gặp như vậy”. “Bắt tay với ông Obama sẽ giúp ông Rouhani ghi điểm lớn với dân chúng Iran nhưng sẽ khiến phe cứng rắn tức điên” - Karim Sadjadpour, chuyên gia về Iran tại Viện Carnegie ở Washington, nói với báo New York Times.

Sự khác biệt có thể thấy ngay trên truyền thông Iran. Tờ Shargh, tờ báo được coi là có khuynh hướng cải cách, khi đưa tin về Rouhani và Obama đặt tít: “Có lẽ là một lần khác” - điều cho thấy sự thất vọng của dân Iran về cơ hội bị bỏ lỡ. Tờ Kayhan, gần gũi với Ali Khamenei, thì viết về viễn tưởng hãi hùng rằng “bàn tay sạch của tổng thống chúng ta sẽ lúc nào đó trong cái nắm tay đầy máu me” của Obama!

Ngay lúc ông Rouhani rời đi New York, ở Tehran lực lượng Vệ binh cộng hòa Hồi giáo đã ra thông điệp nói ông phải “cẩn trọng” khi đối phó với các nhà ngoại giao Mỹ. Câu chuyện cho thấy sự nhạy cảm trong quan hệ Mỹ - Iran. Ông Rouhani vừa phải cố tạo đột phá trong vấn đề hạt nhân (để gỡ bỏ cấm vận), vừa phải tránh phật ý những nhóm cứng rắn trong nước.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí hôm 25-9 ở New York, ông Rouhani cũng thừa nhận một cuộc gặp như vậy có thể là vội vàng và sẽ làm nguy hại tới khả năng lâu dài về việc đạt được thỏa thuận chương trình hạt nhân. “Nếu chúng ta không đi những bước đầu cẩn thận, chúng ta sẽ không thể đạt được những mục tiêu chung chúng ta có trong đầu” - ông nói.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới giờ vẫn cảnh báo bộ dạng như giáo sư và giọng điệu ôn hòa của Rouhani chỉ là sự giấu mặt của “con sói đội lốt cừu”. Chuyên gia Sadjadpour thì cho rằng với phe cứng rắn ở Iran, Rouhani chỉ là “con cừu đội lốt sói” hơn là ngược lại.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên