21/09/2013 07:00 GMT+7

Thế cục xoay vần

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Mới chỉ hai tuần trước, đe dọa Iran được xem là một trong những lý do Nhà Trắng viện dẫn cho việc tấn công quân sự Syria. Giờ đây thế cục đang thay đổi chóng mặt với một loạt diễn biến mới.

Tổng thống Iran tuyên bố không phát triển vũ khí hạt nhân

n4Nh0Uo5.jpgPhóng to
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (trái) trả lời phỏng vấn của nữ phóng viên Ann Curry - Đài NBC (Mỹ) ngày 18-9 - Ảnh: Reuters

Trong bài xã luận viết riêng cho tờ Washington Post (Mỹ) đăng hôm qua, Tổng thống Hassan Rouhani của Iran bất ngờ đề nghị Tehran sẽ làm trung gian đàm phán giữa chính quyền Syria và lực lượng đối lập. Cùng lúc, chính quyền của ông Rouhani, đồng minh quân sự quan trọng của Syria, để ngỏ khả năng sẽ gặp riêng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại New York vào tuần tới khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhóm họp. Theo AFP, ông Rouhani cũng đề nghị gặp Tổng thống Pháp François Hollande bên lề tại New York.

Trong bài viết của mình, ông Rouhani khẳng định Tehran muốn theo đuổi chính sách “tiếp xúc mang tính xây dựng” và cho biết “sẵn sàng” hỗ trợ cuộc đối thoại. Trước đó, ông gây bất ngờ khi gửi lời chúc lễ Rosh Hashanah (năm mới của người Do Thái) hồi đầu tháng và trong tuần này tuyên bố sẽ mang theo nghị sĩ gốc Do Thái duy nhất của Iran tới New York. Cần nói thêm là chính quyền tiền nhiệm của Iran trước đây luôn đe dọa hủy diệt Israel, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông. Cũng trong tuần, nhà lãnh đạo tối cao của Iran, đại giáo chủ Ali Khamenei, tỏ ý sẵn sàng tiến hành đàm phán về các vấn đề hạt nhân.

Nhà Trắng, từ thế chuẩn bị thua trắng trước cục diện ở Syria cách đây hai tuần, đang bất ngờ có cơ hội giải quyết một loạt vấn đề ở Trung Đông: Syria và Iran. Với Iran, nếu cuộc gặp diễn ra, đó sẽ là cái bắt tay lịch sử đầu tiên giữa tổng thống Mỹ với một nhà lãnh đạo Iran kể từ sau năm 1979, hé mở cơ hội giải quyết chương trình hạt nhân ở đây. Với Syria, Tổng thống Assad đột nhiên đối mặt với các thời hạn phải kê khai kho vũ khí hóa học của mình hoặc đối mặt với việc mất sự ủng hộ của đồng minh cuối cùng là Nga.

Bình luận chuyện này, một quan chức ngoại giao cao cấp Mỹ thừa nhận những diễn biến mới là “bước ngoặt” cho chính quyền Obama. Quan chức Nhà Trắng thì nói với báo New York Times rằng cục diện xoay vần đầy “hỗn loạn” - một chút may mắn với vụ Syria, nhiều năm trời cấm vận với Iran, rồi những bước đi đầy bất ngờ của ba nhóm mà ông Obama nghi ngờ nhất: Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, Tổng thống Putin của Nga và các nhà lãnh đạo tối cao của Iran.

Theo New York Times, dù phương Tây còn rất nghi ngờ với Tehran, nhưng một số chuyên gia cho rằng lần này Iran có thể có sự thay đổi thật sự. Chính sách cứng rắn của tổng thống tiền nhiệm Ahmadinejad, cùng tranh giành quyền lực liên miên trong nội bộ, đã đẩy Iran vào thế cô lập chính trị - chỉ còn hai đồng minh thân cận là Venezuela và Syria. Các lệnh cấm vận khiến lượng dầu Iran bán được giảm từ 2,4 triệu thùng/ngày năm 2011 xuống dưới 1 triệu thùng/ngày hiện nay. Lạm phát trong nước tăng vọt, giá đồng rial giảm tới hơn một nửa. Iran đứng trước nguy cơ rơi sâu hơn vào khủng hoảng kinh tế. Sức ép của cấm vận đã thật sự đẩy Tehran phải hành động.

“Sợi chỉ chung là anh sẽ không đạt được tiến bộ ngoại giao ở Trung Đông nếu không có áp lực đáng kể - ông Benjamin J.Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, bình luận - Ở Syria, đó là đe dọa tấn công quân sự, với Iran đó là lệnh cấm vận trong suốt năm năm trời”.

Nhưng những người phản đối các diễn biến mới không phải là ít. Theo New York Times, rất nhiều nhân vật của Hội đồng An ninh quốc gia, Lầu Năm Góc và giới tình báo cho rằng ông Obama đang có nguy cơ rơi vào các cuộc đàm phán kéo dài và các trò “trốn tìm” kiểu chiến thuật mà cuối cùng kết quả đạt được chẳng có gì. Tất cả những cơ hội này đều có thể biến mất rất nhanh giống như chính quyền Clinton từng thất bại trong thỏa thuận hòa bình giữa Arafat - Netanyahu, hay thời tổng thống Bush thất bại trong việc chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Syria hôm qua bắt đầu gửi thông tin về kho vũ khí hóa học của mình tới cơ quan giám sát OPCW tại The Hague (Hà Lan). Câu hỏi khó hơn là liệu Syria có cho các thanh sát viên tới mọi địa điểm cất giữ vũ khí, các nhà kho và cơ sở thí nghiệm. Hạn định của câu hỏi khó này sẽ là trong tháng 11 trong khi việc giải giáp toàn bộ vũ khí sẽ là giữa năm tới.

Các nguồn tin hiện nói Iran có thể sẽ đề nghị đóng cửa cơ sở hạt nhân Fordo được phát hiện từ năm 2009. Fordo, dù khá nhỏ, được coi là lá bài chủ chốt của Iran vì cơ sở này có khả năng chống lại các loại bom xuyên bêtông của Israel.

Phát biểu từ Nhà Trắng, người phát ngôn Jay Carney thừa nhận “chính quyền mới của Iran đã có cách tiếp cận khác”. Ngoại trưởng Kerry trong khi đó thừa nhận “các bình luận của Rouhani là rất tích cực nhưng mọi thứ cần qua thử thách rồi chúng ta sẽ biết mình đi tới đâu”.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên