27/09/2013 07:29 GMT+7

Giá trị xã hội Trung Quốc đang đảo lộn?

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Hai ngày liền là hai sự kiện gây xáo động cộng đồng mạng Trung Quốc nhưng đã cho thấy một thay đổi đáng kinh ngạc trong xã hội nước này, thậm chí như một dấu hiệu bất mãn ngầm.

Con tướng "văn công" Trung Quốc hầu tòa vì tội hiếp dâmXét xử con trai "tướng văn công" Trung Quốc tội hiếp dâm

IxKhyxmg.jpgPhóng to
Dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm bản án của Lý Thiên Nhất (ảnh nhỏ). Luật sư Lan Hòa bị báo giới vây quanh khi ông này đến nghe tòa tuyên án thân chủ của mình ngày 26-9 - Ảnh: Reuters

Hạ Tuấn Phong phạm tội giết người. Đó là một sự thật không thể chối cãi, tuy nhiên khác với những kẻ sát nhân khác, Hạ nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân. Bốn năm trước, trong lúc hoảng loạn, Hạ ra tay đâm chết hai quản lý đô thị cố đuổi xe bán thịt gà kẹp của ông.

Hôm 25-9 khi Hạ bị tử hình, mạng xã hội Sina Weibo (tương tự Twitter) ngập trong hàng chục ngàn bình luận giận dữ của cư dân mạng. Người dân cho rằng hành động nông nổi của Hạ đáng trách nhưng không đáng chết, bởi đây chỉ là một giọt nước tràn ly.

Rồi ngày 26-9, cư dân mạng Weibo lại bày tỏ vui mừng trước phán quyết 10 năm tù đối với ca sĩ Lý Thiên Nhất - con trai của tướng văn công Lý Song Giang. Lý Thiên Nhất, 17 tuổi, phải thụ án vì hùa với bốn thanh niên khác luân phiên cưỡng hiếp một cô gái tại Bắc Kinh.

Căm phẫn cán bộ nhà nước

Tại Trung Quốc, đây không phải là trường hợp đơn lẻ mà người dân bày tỏ sự hả hê khi những người thuộc cơ quan công quyền bị sát hại, hoặc các công tử “phú nhị đại”, “quan nhị đại” bị xét xử.

Cư dân mạng và cả những người am hiểu luật pháp cũng so sánh phán quyết của ông Hạ với việc xử bà Cốc Khai Lai, vợ cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hi Lai. Bà Cốc bị tuyên án tử hình... treo dù là nhân vật chính của vụ sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood. “Nếu Cốc Khai Lai có thể được tha tội chết sau khi đầu độc người khác thì Hạ Tuấn Phong cũng không nên bị xử tử” - ông Đồng Tông Cẩm, giáo sư ĐH Chính Pháp Trung Quốc, công khai phát biểu.

Hồi năm 2008, Trung Quốc từng chấn động trước vụ một thanh niên 8X ném xăng vào đồn cảnh sát ở Thượng Hải, sau đó dùng dao đâm túi bụi khiến sáu cảnh sát thiệt mạng và năm người khác bị thương. Dương Giai bị xử tử hình nhưng lại được cư dân mạng ví như “Võ Tòng” tay không giết cọp. Khỏi cần phải giải thích thì ai cũng hiểu người dân ngạo cảnh sát là “cọp”.

Tờ Tiền Giang Buổi Chiều cho biết Dương trả thù vì bị cảnh sát bắt khi chạy chiếc xe đạp không giấy tờ. Dương cho biết anh bị cảnh sát đánh đập chỉ vì một sai phạm nhỏ.

Năm 2011, một tin đồn giật gân lan truyền với tốc độ chóng mặt trên Weibo. Một nữ cán bộ ở huyện Văn Thành, tỉnh Chiết Giang say rượu bị ba người ăn xin thay phiên cưỡng hiếp. Ngay lập tức thông tin này biến thành một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng. Nhiều ý kiến cho rằng nữ cán bộ “bị thế thật đáng đời”!

Sau đó vài ngày, Tân Hoa xã lên tiếng xác nhận đấy chỉ là tin đồn. Dù vậy, điều đó cũng cho thấy xã hội Trung Quốc có dấu hiệu bất ổn. “Tin đồn này cho thấy các giá trị chuẩn mực đang trở nên hỗn loạn thế nào. Người dân không cảm thông trước nạn nhân mà còn ủng hộ kẻ cưỡng hiếp. Họ còn bày tỏ sự hả hê như trút được mối hận dồn nén từ lâu” - một cư dân mạng viết trên Weibo. “Người ta cũng khéo bịa tin đồn, một nữ cán bộ đại diện cho công quyền lại bị ăn mày, tầng lớp túng quẫn nhất trong xã hội, cưỡng hiếp” - một người khác bình luận sau bản tin của Tân Hoa xã.

Ghét người giàu nhưng lại thích giàu

Trong bài viết “Phân tích thói quen chửi nhau trên mạng”, nhà kinh tế học hàng đầu Trung Quốc Mao Vụ Thức cho biết hố sâu ngăn cách giữa người giàu và người nghèo tại Trung Quốc không chỉ tạo ra từ thu nhập, mà quan trọng hơn hết là sự đối lập về tâm lý. Một chiếc xe bình thường gây tai nạn sẽ chẳng gây ra ảnh hưởng lớn, nhưng nếu đó là chiếc BMW đắt tiền thì sẽ điểm trúng huyệt cho một cuộc tranh cãi nảy lửa trên mạng.

Tuy nhiên, điều trái ngược là những người lên án người giàu lại thích giàu. Một cuộc khảo sát của báo Thanh Niên Trung Quốc cho thấy người dân chẳng ưa gì người giàu vì họ nghĩ người giàu chẳng có gì tốt đẹp. 57% dân cho rằng người giàu ăn xài xa xỉ; 52,7% nói người giàu tham lam; 45% nhận định người giàu là những kẻ tham nhũng. Dù vậy 92,9% lại muốn trở thành người giàu!

Theo giáo sư Đinh Học Lương, tâm lý trên bắt nguồn từ việc thành phần “con ông cháu cha” ăn trên ngồi trốc luôn nhận được những đặc quyền trong xã hội, tầng lớp “có quyền” này ngày càng “có tiền” và khiến không ít người dân mất lòng tin vào tính công bằng xã hội. Bên cạnh đó, một số thành phần “giàu đột xuất” dựa vào các đặc quyền, xu nịnh hoặc tham nhũng lại châm ngòi cho cơn giận bốc lên ngùn ngụt từ phía nhiều người thấp cổ bé họng.

Dân thành thị giấu giàu

Một nghiên cứu mới từ Hội đồng cải cách kinh tế Trung Quốc (CSER) tiết lộ rằng khoảng cách giàu nghèo giữa người dân thành thị nước này cao hơn nhiều so với các báo cáo vì nhiều người giấu giàu, theo CNN ngày 24-9.

Khảo sát từ CSER cho thấy “thu nhập xám” của người dân thành thị Trung Quốc lên đến 6.200 tỉ nhân dân tệ (khoảng 1.000 tỉ USD), tương tương 12% GDP. Theo trang mạng Caixin Online, “thu nhập xám” là các khoản thu nhập bất hợp pháp từ tiền lại quả đến các khoản thu không kê khai và quà tặng. CSER đã khảo sát trên 5.344 hộ dân thị thành tại 18 tỉnh thành Trung Quốc trong năm 2012. Nghiên cứu chỉ ra rằng 10% hộ gia đình giàu có thu nhập gần gấp 21 lần so với 10% hộ nghèo nhất trong cuộc khảo sát.

Trong khi đó, số liệu mà Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) đưa ra lại rất thấp so với kết quả nghiên cứu. Theo NBS, những gia đình giàu có nhất Trung Quốc có thu nhập gấp 8,6 lần so với các hộ nghèo nhất.

ANH THƯ

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên