Theo chương trình, khoảng 5g sáng 24-7 (giờ Việt Nam), đoàn có mặt tại thủ đô Washington DC.
Phóng to |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân gặp gỡ vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị APEC ở Hawaii tháng 11-2011 - Ảnh: AFP |
Trong ngày 24-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ tới thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Washington DC. Dự kiến Chủ tịch nước sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và sẽ có bài phát biểu với doanh nghiệp hai nước tại bàn tròn doanh nghiệp.
Bộ Ngoại giao cho biết chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo... Hai bên sẽ trao đổi thẳng thắn, xây dựng về các vấn đề còn nhiều khác biệt như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, đồng thời thảo luận vấn đề biển Đông. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ hội đàm và họp báo chung với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào ngày 25-7.
“Tôi kỳ vọng mối quan hệ đối tác hai bên sẽ được nâng lên tầm mức mới” - Phó chủ tịch Hội Việt - Mỹ Phạm Khắc Lãm nói với Tuổi Trẻ. Theo ông Lãm, chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh vừa thuận lợi vừa thách thức. Thuận lợi ở chỗ quan hệ hợp tác giữa hai bên ngày càng sâu rộng. Thách thức ở chỗ “khu vực này không chỉ có Việt Nam và Mỹ” trong khi tình hình thế giới, khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp. Ông Lãm khẳng định: “Tôi tin chuyến thăm lần này sẽ có kết quả tốt với các bước tiến triển hợp tác cụ thể”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Lương, nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, cũng cho rằng “đây là chuyến thăm rất cần thiết trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay”. Hai chủ đề được ông quan tâm trong khuôn khổ chuyến đi là biển Đông và Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việt Nam đã tham gia đàm phán về TPP với Mỹ và chín nước khác. Phía Mỹ muốn hoàn tất đàm phán TPP vào cuối năm nay.
“TPP hé mở cho Việt Nam một cơ hội thật lớn lao. Việt Nam sẽ được chơi cùng sân với các quốc gia giàu mạnh trên một sân chơi đẳng cấp. Ở đó Việt Nam được học hỏi nhiều hơn, nếu khiêm tốn học hỏi. Nhưng thách thức cũng rất lớn. Muốn nắm bắt được cơ hội, Việt Nam phải vượt qua được vật cản đang nằm trong tư duy, nhận thức và cách điều hành kinh tế của mình” - ông Lương nói.
Đẩy nhanh đàm phán TPP Giới học giả và chuyên gia mà Tuổi Trẻ phỏng vấn đều coi chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này là bước tiến quan trọng mới giữa hai nước. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đánh giá chuyến thăm Washington của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “là bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương bởi các con số đã tự nói lên tất cả”. Theo ông, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ từ năm 1995, thương mại song phương đã tăng lên 25 tỉ USD với phần thặng dư lớn nghiêng về Việt Nam. Số sinh viên Việt Nam đang học tập tại Mỹ đã tăng lên hơn 15.000 sinh viên. “Có rất nhiều con số khác cho thấy sự tăng trưởng quan hệ song phương - giáo sư Thayer đánh giá - Thời điểm này đã chín muồi để tái cấu trúc quan hệ với những lợi ích phù hợp cho cả hai bên”. Theo giáo sư Thayer, nội dung kinh tế sẽ chi phối chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông nhắc lại thông điệp của Nhà Trắng nhấn mạnh việc Tổng thống Obama muốn bàn thảo với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về tầm quan trọng của việc hoàn tất Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Vấn đề cơ bản sẽ là cam kết của hai phía để đẩy nhanh đàm phán TPP như mong muốn của Tổng thống Obama để các bên có thể đạt được thỏa thuận này vào cuối năm nay. Giáo sư Thayer cho biết hai bên cũng sẽ trao đổi những vấn đề như tình hình biển Đông, biến đổi khí hậu... Trước đó thông điệp của Nhà Trắng về chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh ông Obama muốn thảo luận về “cách thức thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề an ninh khu vực”. Về vấn đề biển Đông, giáo sư Thayer cho rằng hai bên sẽ tiếp tục nhấn mạnh việc ủng hộ Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc và nguyên tắc không đe dọa sử dụng vũ lực. Giáo sư Thayer cho rằng thành công của chuyến đi sẽ đặt nền móng cho chuyến đi của Tổng thống Obama tới Hà Nội vào tháng 10 sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Brunei. Ngày 25-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS). Chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của CSIS, đánh giá chuyến thăm là “minh chứng cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ”. Theo bà, mối quan hệ này quan trọng vì cả các lý do đối ngoại, kinh tế và an ninh. “Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều là đối tác trong đàm phán TPP và tôi hi vọng chuyến thăm sẽ là động lực cho các nhà đàm phán kết thúc được quá trình thương thuyết - chuyên gia Glaser cho biết - Về vấn đề biển Đông, cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều chia sẻ quan điểm là bất đồng phải được giải quyết qua con đường hòa bình và tuân thủ luật quốc tế. Tôi hi vọng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ nói về biển Đông tại CSIS”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận