Phóng to |
Người dân CHDCND Triều Tiên ngồi ở bờ sông Yalu thuộc thành phố Sinuiju đối diện thành phố Đan Đông Trung Quốc . Phía sau họ là những bao hàng nông sản - Ảnh: Reuters |
Trả lời phỏng vấn Hãng tin AP, giáo sư Ri Ki Song thuộc Viện Kinh tế Học viện Khoa học xã hội CHDCND Triều Tiên cho biết hiện tại các doanh nghiệp nước này đã được phép trả thêm lương cho công nhân.
Trước đó, chỉ có nhà nước mới có quyền quyết định mức lương cho người lao động. Chính sách mới cho phép các doanh nghiệp, nhà máy quyền tự định mức lương của công nhân nếu họ có năng suất lao động cao.
“Sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với nhà nước, các doanh nghiệp có quyền tự định mức lương và trả cho các công nhân theo năng suất của họ” - giáo sư Ri cho biết. Ngoài ra, các công ty cũng sẽ trích quỹ để đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển công nghệ…
Thay đổi này tương tự những điều chỉnh nông nghiệp hồi năm ngoái. Khi đó, chính quyền Bình Nhưỡng cho phép quản lý các trang trại nông nghiệp thêm quyền điều hành. Nông dân cũng được phép giữ hoặc bán sản lượng thu hoạch vụ mùa vượt trội hơn định mức.
Tuy nhiên giáo sư Ri khẳng định chính sách tiền lương mới này không phải là dấu hiệu cho thấy CHDCND Triều Tiên sẽ áp dụng mô hình kinh tế thị trường của phương Tây.
Theo ước tính của Bộ Ngoại giao Mỹ, GDP theo đầu người của CHDCND Triều Tiên chỉ vào khoảng 1.800 USD/năm, thua xa nước láng giềng Hàn Quốc. Nền kinh tế CHDCND Triều Tiên vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thực phẩm và năng lượng.
Hồi tháng 1-2013, nhà lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định nhiệm vụ quan trọng nhất của Bình Nhưỡng là “xây dựng một cường quốc kinh tế” nhằm cải thiện mức sống của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận